Sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư sẽ góp phần thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật

20/11/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc khóa XIV, sáng 20/11/2019, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, thảo luận về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.

Toàn cảnh phiên thảo luận

Trước đó, vào ngày 15/11/2019, các đại biểu Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Theo đó, Luật này sửa đổi 36 điều, bổ sung 04 điều, bãi bỏ 2 điều của Luật Đầu tư năm 2014.

Trong phiên thảo luận tại Hội trường, có 24 đại biểu phát biểu, trong đó đa số ý kiến đại biểu cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Quốc hội về sự cần thiết, sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư và cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật sẽ góp phần thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật, nâng cao chất lượng đầu tư, thu hút vốn đầu tư trong nước, nước ngoài đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH và hội nhập quốc tế.

Để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật, tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp về: Phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng luật; các luật có liên quan và điều ước quốc tế; chính sách về đầu tư kinh doanh; ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện...

Bổ sung nội dung hồ sơ chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư

Phát biểu ý kiến liên quan đến phạm vi điều chỉnh, đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc) cho rằng nội dung “Luật này quy định về hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và hoạt động đầu tư kinh doanh từ Việt Nam ra nước ngoài.” quy định tại Điều 1 dự thảo Luật là chưa rõ, chưa cụ thể, bởi hoạt động đầu tư kinh doanh ở Việt Nam và hoạt động đầu tư kinh doanh từ Việt Nam ra nước ngoài gồm những hoạt động nào, trong phần giải thích từ ngữ không giải thích rõ, cần làm rõ nội dung này.

Đại biểu cũng đề nghị cần bổ sung quy định về trường hợp nhà đầu tư không thực hiện đúng cam kết thì có chế tài xử lý, thu hồi ưu đãi để bảo đảm công bằng trong đầu tư; tiếp tục rà soát các quy định về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư khắc phục tình trạng có nhiều cách hiểu khác nhau về phạm vi, đối tượng áp dụng, bổ sung tiêu chí điều kiện về hiệu quả và tính liên tục của dự án đầu tư làm căn cứ xác định được hưởng ưu đãi đảm bảo việc được hưởng ưu đãi đầu tư rõ ràng, thuận lợi.

Về hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh) cho rằng: Theo Điều 34 hồ sơ thủ tục thẩm định với thành phần hồ sơ rất lớn và đa dạng, tuy nhiên, yêu cầu về thời gian làm việc, năng lực và thẩm quyền thẩm tra có thể gây khó khăn cho cơ quan thẩm định trong việc đánh giá một cách chính xác. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung thành phần, nội dung hồ sơ chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư, trách nhiệm của nhà đầu tư trong việc báo cáo, giải trình và cung cấp các tài liệu chứng minh năng lực tài chính và trách nhiệm của cơ quan thẩm định đối với nội dung này.

Ghi nhận việc thực hiện Luật Đầu tư, môi trường kinh doanh đầu tư của nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực thu hút nhiều nguồn lực cho phát triển, song đại biểu Dương Minh Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, thực tiễn cũng đặt ra nhiều vấn đề cần nhìn nhận và yêu cầu sửa đổi. Theo đại biểu, các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến nội dung bảo đảm đầu tư, do đó các biện pháp bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư rất quan trọng trong việc thu hút đầu tư. Trong khi đó quy định về điều khoản bảo đảm đầu tư ở dự thảo Luật mới dừng trong trường hợp có thay đổi pháp luật thực tế nhà đầu tư cần nhiều hơn "Đề nghị cân nhắc có bảo đảm quyền nhà đầu tư bao gồm quyền sở hữu tài sản, việc chuyển tài sản và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam" - đại biểu nói.
 
Dịch vụ đòi nợ thuê - cấm hay quản?

Một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tại Hội trưởng là việc bổ sung ngành nghề cấm kinh doanh đối với dịch vụ đòi nợ thuê.

Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, không nên đưa ngành, nghề “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, thay vào đó, cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này.

Theo đại biểu Hà Sĩ Đồng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị), không nên cấm loại hình dịch vụ đòi nợ thuê vì có cấm thì người dân cũng lách luật bằng cách thực hiện các hoạt đồng hay thỏa thuận ủy quyền, có thể làm gia tăng tình trạng trây ì không thực hiện hợp đồng. Nhà nước nên tăng cường quản lý đòi nợ thuê, đồng thời học kinh nghiệm nước ngoài để xây dựng quy định quản lý chặt chẽ.

 

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh) phát biểu tại phiên thảo luận

Đồng quan điểm, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh) cho rằng, đây là hoạt động kinh doanh đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Thực tế cho thấy nhiều người cho vay không đòi được nợ dẫn đến truy sát cả gia đình, người thân, bạn bè, hàng xóm. Bởi nếu kiện ra tòa mất rất nhiều thời gian và chi phí kiện tụng không phải là nhỏ. Nếu như người đi vay bị xử đi tù, món nợ cũng không đòi được. Đại biểu nhấn mạnh, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phải vào cuộc và có chế tài quản lý chặt chẽ, truy tố hình sự đối với những người đòi nợ thuê có hành vi côn đồ chứ không phải quản lý không được rồi ngăn chặn hoặc cấm.

Ở một góc nhìn khác, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre), cho rằng việc cấm kinh doanh đối với dịch vụ đòi nợ thuê không phải vì không quản lý được thì cấm bởi đây là loại hình tiêu cực. Do đó phải hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan và cơ chế quản lý tranh chấp bảo vệ tài sản quyền con người với nhiều hình thái văn minh. Hình thái đòi nợ cổ điển và biến tướng rất nhiều, tình trạng mất an ninh trật tự rồi cơ quan nhà nước lại mất thêm lực lượng giải quyết quản lý vấn đề này.

Đại biểu Phạm Huyền Ngọc (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận) lại cho rằng, đòi nợ là vấn đề khó trong giao dịch dân sự, hợp đồng kinh tế. Trong thực tế, bên cạnh các doanh nghiệp chấp hành, một số tổ chức, cá nhân không tuân thủ quy định pháp luật, dẫn đến phát sinh nhiều hệ lụy tiêu cực. Theo đại biểu phân tích, việc quy định kinh doanh đòi nợ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng thiếu những quy định rõ ràng, chặt chẽ về các yêu cầu, điều kiện tuân thủ pháp luật... là một trong những nguyên nhân phát sinh tín dụng đen.Vì vậy, đại biểu cho rằng nếu đưa ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh sẽ góp phần ngăn chặn, hạn chế được hoạt động tín dụng đen vì việc đòi nợ thuê đã bị cấm, mọi hành vi đòi nợ thuê đều vi phạm pháp luật và bị xử lý.

Đã đến lúc phải hoàn thiện hơn nữa một số quy định của Luật Đầu tư


Giải trình làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, những cải cách quan trọng của Luật Đầu tư đã được Quốc hội thông qua năm 2014, trên thực tế đã góp phần quan trọng vào việc bảo đảm thực hiện quyền tự do đầu tư kinh doanh của người dân và doanh nghiệp; xóa bỏ nhiều rào cản trong hoạt động kinh doanh và không phù hợp với nền kinh tế thị trường cũng như các cam kết hội nhập của Việt Nam. Từ đó, đã tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; Tạo được động lực cho việc thực hiện nhiều cải cách quan trọng trong hệ thống về điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính và cơ chế quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, thực tiễn hơn 4 năm qua cũng cho thấy, đã đến lúc để chúng ta phải đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa một số quy định của luật này để nhằm thể chế hóa các nghị quyết mới đây của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa về phát triển kinh tế tư nhân, về nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư với nước ngoài đến năm 2030 theo tiêu chuẩn Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị và cũng phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
 
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải trình làm rõ ý kiến của đại biểu Quốc hội

Về phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư (sửa đổi), một số ý kiến rà soát phạm vi có nhiều ý kiến khác nhau đối với các loại hình đầu tư mới, phát sinh trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và liên quan đến một số luật như: Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xây dựng... Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao xem xét thực hiện thí điểm đầu tư các loại hình, hình thức kinh doanh mới. Đồng thời, dự thảo Luật cũng đã bổ sung những quy định, đề xuất những phạm vi điều chỉnh có liên quan đến hoạt động đầu tư dựa theo phương thức đối tác công tư (PPP), đầu tư sử dụng vốn Nhà nước, quản lý tài công...

Đối với nội dung đưa ngành, nghề “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, trong quá trình soạn thảo Dự án luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã cân nhắc, tiếp tục rà soát kỹ lưỡng trước khi trình lên Quốc hội quyết định về vấn đề trên vì việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ có liên quan đến việc “vay nóng”, thị trường tín dụng đen có lãi suất rất cao, tác động đến an ninh trật tự xã hội.

Về các chính sách hỗ trợ ưu đãi đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, để đảm bảo thu hút đầu tư có chọn lọc, có chất lượng và đổi mới hình thức điều kiện cũng như là thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư thì dự thảo luật này đã hoàn thiện một số quy định theo hướng: Bổ sung quy định khuyến khích hoạt động nghiên cứu và phát triển sản xuất kinh doanh và sản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học, hoạt động đổi mới sáng tạo, sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc là tham gia các chuỗi giá trị cụm liên kết ngành; Bổ sung quy định về nguyên tắc, điều kiện áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư để đảm bảo hiệu quả, chất lượng thuộc việc thực hiện chính sách này; Bổ sung cơ chế cho phép Chính phủ quyết định ưu đãi đầu tư cao hơn để khuyến khích phát triển một số ngành trên một số địa bàn đặc biệt hoặc những dự án đặc biệt quan trọng có tác động lớn đến kinh tế - xã hội.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc giao cho Chính phủ áp dụng thí điểm các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới là cần thiết, nhằm đảm bảo thích ứng với mô hình, phương thức tổ chức kinh doanh mới đang phát triển hết sức nhanh chóng dưới sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư...

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc nghiên cứu đầy đủ các ý kiến, hoàn thiện dự thảo Luật, gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội trước khi báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV./.

M. Thúy

Xem thêm »