Quốc hội thảo luận về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi): Cần đánh giá đầy đủ, toàn diện các yếu tố thuận lợi, khó khăn và tính khả thi của chính sách

16/11/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, sáng 15/11/2019, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); thảo luận tổ nhiều nội dung còn vướng mắc trong quá trình xây dựng Luật trên.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)

Tạo thuận lợi cho hoạt động thành lập và đăng ký doanh nghiệp
Trình bày Tờ trình dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ: Việc sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp nhằm tạo thuận lợi nhất cho hoạt động thành lập và đăng ký doanh nghiệp; cắt giảm chi phí và thời gian trong khởi sự kinh doanh; góp phần nâng xếp hạng chỉ số khởi sự kinh doanh lên ít nhất 25 bậc (theo xếp hạng của Ngân hàng thế giới).

Cùng với đó, nâng cao cơ chế bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, cổ đông, thành viên của doanh nghiệp; thúc đẩy quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực theo thông lệ tốt và phổ biến trong khu vực và quốc tế; nâng mức xếp hạng chỉ số bảo vệ nhà đầu tư lên ít nhất 20 bậc (theo xếp hạng của Ngân hàng thế giới); nâng cao hiệu lực quản trị, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với doanh nghiệp mà Nhà nước có phần vốn góp chi phối; tạo thuận lợi cho hộ kinh doanh phát huy tối đa tiềm năng và lợi ích, đóng góp cho phát triển kinh tế; tạo thuận lợi hơn, giảm chi phí trong tổ chức lại doanh nghiệp đối với hình thức: Sáp nhập, hợp nhất, chia, tách và chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.

Theo Tờ trình, dự án Luật này sửa đổi tại 66 Điều; bãi bỏ 2 Điều; bổ sung 8 Điều và 1 Chương (Chương VIIa, gồm 5 Điều về Hộ kinh doanh) với các nội dung về: Đăng ký doanh nghiệp; Quản trị công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần; Doanh nghiệp Nhà nước; Hộ kinh doanh; Tổ chức lại, sáp nhập, chia, tách, hợp nhất, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.

Đáng chú ý, nhằm thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng tại Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước, Dự thảo Luật đã sửa đổi quy định về doanh nghiệp Nhà nước. Dự thảo quy định theo hướng Doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước được cụ thể hóa bằng tiêu chí Nhà nước “sở hữu trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết” của doanh nghiệp đó.

Dự thảo Luật đã bổ sung Chương VIIa về hộ kinh doanh, bao gồm 05 Điều (thay thế khoản 2 Điều 212 Luật Doanh nghiệp). Trong đó, tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của “hộ kinh doanh” là một hình thức kinh doanh, bên cạnh các loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần; đảm bảo sự đa dạng hình thức kinh doanh, trao thêm quyền cho nhà đầu tư lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp; không ép buộc hành chính hộ kinh doanh phải chuyển thành doanh nghiệp hoặc xóa bỏ hình thức hộ kinh doanh.

Ngoài ra còn quy định rõ ràng địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự của hộ kinh doanh phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự; bãi bỏ hạn chế của quy định hiện hành đối với hộ kinh doanh. Ngoài ra, dự thảo Luật sửa đổi các quy định về hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp để đảm bảo tương thích với quy định của Luật Cạnh tranh 2018. Bổ sung quy định về chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty cổ phần.
 
Cần đánh giá đầy đủ, toàn diện các yếu tố thuận lợi, khó khăn và tính khả thi của các chính sách
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp, nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tính tương thích với một số quy định của các Luật mới ban hành, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật. Qua đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; nâng cao chất lượng tổ chức quản trị doanh nghiệp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông, nhà đầu tư khi tham gia đầu tư kinh doanh tại doanh nghiệp; đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập kinh tế quốc tế.
 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra

Hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị đầy đủ theo quy định tại khoản 1 Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, đối với những chính sách mới như: Bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu, thủ tục báo cáo thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp; điều chỉnh khái niệm doanh nghiệp nhà nước; mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với hộ kinh doanh, bổ sung đăng ký qua mạng thông tin điện tử, tuy đã có Báo cáo đánh giá tác động chính sách, cần lấy ý kiến rộng rãi về những chính sách này, qua đó đánh giá đầy đủ, toàn diện các yếu tố thuận lợi, khó khăn và tính khả thi của từng chính sách.

Về phạm vi điều chỉnh, Ủy ban Kinh tế nhận thấy việc hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với hộ kinh doanh là cần thiết. Tuy nhiên, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật là một vấn đề lớn, phạm vi rất rộng, cần đánh giá kỹ tác động, lấy ý kiến rộng rãi của đối tượng chịu tác động (hộ kinh doanh), đề nghị cân nhắc nghiên cứu xây dựng một Nghị định riêng về hộ kinh doanh bảo đảm khuyến khích, quản lý hộ kinh doanh để họ phát triển sản xuất kinh doanh theo năng lực và tuân thủ pháp luật, khi đủ điều kiện sẽ xây dựng một luật riêng về hộ kinh doanh.

Về doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), Ủy ban Kinh tế cho rằng việc thay đổi khái niệm DNNN như quy định tại dự thảo Luật là một vấn đề lớn, quan trọng, đề nghị đánh giá kỹ tác động của việc thay đổi khái niệm DNNN tới hoạt động của các doanh nghiệp sẽ trở thành DNNN theo quy định của dự thảo Luật này, đánh giá tác động đến việc thực hiện mục tiêu cổ phần hóa DNNN, thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối hoặc không cần nắm giữ cổ phần, vốn góp. Đề nghị tiếp tục rà soát dự án Luật và tất cả các luật khác có liên quan, nếu có nội dung cần phải điều chỉnh hoặc bãi bỏ thì quy định rõ tại dự thảo Luật, khắc phục tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật, bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung quy định điều khoản chuyển tiếp; bổ sung quy định việc xử lý đối với các doanh nghiệp sẽ trở thành DNNN sau khi Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) có hiệu lực thi hành nhằm tránh gây xáo trộn, khó khăn không cần thiết cho hoạt động của doanh nghiệp.

Đồng thời, đề nghị nghiên cứu, xác định tỷ lệ nắm giữ vốn góp hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của Nhà nước phù hợp (tỷ lệ thấp nhất là 75%), bảo đảm được sự chi phối của Nhà nước trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp, đồng thời hài hòa với quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên góp vốn, cổ đông khác nhằm tạo thuận lợi trong việc thực hiện mục tiêu cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Ngoài ra, đề nghị tiếp tục rà soát, bảo đảm khắc phục những chồng chéo, trùng lặp, mâu thuẫn giữa các quy định của Luật Doanh nghiệp với các luật khác có liên quan; nghiên cứu, luật hóa tối đa các quy định của văn bản dưới luật đã được kiểm nghiệm có tính ổn định trong thực tiễn và các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, quy định chi tiết hơn những điều khoản về điều kiện, nguyên tắc áp dụng để giảm bớt các điều giao Chính phủ quy định trong dự thảo Luật; phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát về từ ngữ, câu chữ, kỹ thuật văn bản để hoàn thiện dự án Luật, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8.
 
Ban hành nghị định riêng về hộ kinh doanh?
Đối với dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), thảo luận tại Tổ, các đại biểu tập trung cho ý kiến về: Phạm vi điều chỉnh; việc thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử; về con dấu của doanh nghiệp; quyền của cổ đông phổ thông; cổ phần ưu đãi biểu quyết do tổ chức được Chính phủ ủy quyền nắm giữ; về vấn đề chuyển giá của doanh nghiệp nước ngoài;…Trong đó, nội dung về việc đưa hộ kinh doanh vào diện điều chỉnh Luật đang có nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật này là không phù hợp vì Luật Doanh nghiệp quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp. Có ý kiến đề nghị nghiên cứu xây dựng một Luật riêng về hộ kinh doanh, vì hộ kinh doanh không phải là một loại hình doanh nghiệp. Có ý kiến đề nghị nếu điều chỉnh phạm vi, đưa đối tượng này vào dự thảo Luật thì tên gọi của luật nên là Luật Doanh nghiệp và hộ kinh doanh hoặc công nhận hộ kinh doanh là một loại hình doanh nghiệp như nhiều nước trên thế giới.
 
Toàn cảnh phiên họp

Bên cạnh đó, một số ý kiến nhất trí với dự án Luật Doanh nghiệp sửa đổi, trong đó bổ sung một chương mới quy định về hộ kinh doanh, khẳng định địa vị pháp lý, nâng cao năng lực quản trị của chủ thể này khi tham gia vào thị trường, tạo điều kiện hỗ trợ hộ kinh doanh tiếp cận và thực hiện đầy đủ chính sách của Nhà nước. Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nêu quan điểm, việc đưa loại hình "hộ kinh doanh" vào Luật sẽ giúp quản trị và phát triển các hộ này theo hướng chuyên nghiệp và bền vững hơn. Các đối tượng hộ kinh doanh được đưa vào Luật phải là những hộ có quan hệ lao động. "Nếu chúng ta đưa đối tượng này vào thì hoạt động của các hộ này sẽ được thực hiện thông qua các hình thức đăng ký, từ đó có sự kiểm soát và kinh tế hộ sẽ lớn lên. Tuy nhiên, đi kèm theo việc chúng ta đưa vào luật như vậy thì phải có các chính sách ưu đãi như đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa" - đại biểu Hoàng Văn Cường nêu ý kiến.

Không đồng tình với đại biểu Hoàng Văn Cường và một số đại biểu khác về việc bổ sung một chương về hộ kinh doanh vào dự án Luật Doanh nghiệp sửa đổi, nhiều ý kiến cho rằng, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật này là không phù hợp vì Luật Doanh nghiệp quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp.

Theo đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội), tên gọi Luật Doanh nghiệp có nghĩa là điều chỉnh toàn bộ quá trình thành lập, hoạt động, giải thể liên quan đến doanh nghiệp, nhưng hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp. Nếu điều chỉnh phạm vi, đưa đối tượng này vào dự án Luật thì tên gọi của luật nên là Luật Doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Đại biểu nhất trí với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội là nên có một Nghị định riêng. Sau một thời gian thực hiện, nếu Nghị định này có hiệu lực và hiệu quả về mặt pháp luật và thực tiễn sẽ nâng lên thành một Luật riêng về kinh tế hộ gia đình.

Đại biểu Nguyễn Quốc Bình lý giải thêm, ở các nước, kinh tế hộ gia đình quản lý bằng thuế khóa, chứng từ, doanh thu, nhưng ở Việt Nam hiện chỉ quản lý được bằng hình thức thuế, không có hóa đơn chứng từ, doanh thu. Thậm chí, có những hộ gia đình kinh doanh quy mô lớn hơn doanh nghiệp nhưng vẫn không quản lý được. Đại biểu cho rằng, cần thực hiện quản lý các hộ gia đình bằng chính sách thuế, các Nghị định, Thông tư theo đúng pháp luật.

Cùng chung quan điểm, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) cho rằng, hộ kinh doanh là thành phần kinh tế có vai trò rất quan trọng. Nếu đưa hộ kinh doanh vào Luật thì rất khó, còn nếu không quản lý thì cũng không được. Do đó, với đặc thù nhỏ lẻ của hộ kinh doanh cần có một Luật riêng để tính toán về quản lý, tổ chức kinh doanh thế nào, cũng như thuế, hệ thống sổ sách kế toán ra sao....thì sẽ phù hợp hơn. “Không nên quy định hộ kinh doanh trong Luật doanh nghiệp, nhưng cũng cần phải có Nghị định để định hướng phát triển loại hình kinh doanh này”- đại biểu Trần Hoàng Ngân nói./.

Phương Vân

 

Xem thêm »