UBTVQH cho ý kiến về các báo cáo liên quan đến kiến nghị cử tri, nhân dân

15/10/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) – Trong khuôn khổ chương trình phiên họp 38, ngay sau phiên khai mạc, sáng ngày 14/10/2019, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV và Báo cáo Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ chủ trì phiên làm việc

Phản ánh toàn diện tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 8
 
Trình bày Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV,  Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hầu A Lềnh cho biết, cử tri, Nhân dân ghi nhận và đánh giá cao những kết quả toàn diện về kinh tế, xã hội của đất nước; phấn khởi, tin tưởng và đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiện toàn hệ thống chính trị, tăng cường kiểm soát quyền lực, nhất là trong công tác cán bộ, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Cử tri cho rằng, Quốc hội có nhiều đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật; hoạt động chất vấn, giải trình có bước tiến rõ rệt, nâng cao tính dân chủ và phản ánh sát thực hơn ý chí, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân... Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, điều hành sâu sát và tập trung giải quyết nhiều vấn đề Nhân dân quan tâm, bức xúc. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đã có nhiều nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Đối với các vấn đề được cử tri quan tâm và đề xuất kiến nghị, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết:

Về kinh tế - xã hội, cử tri đề nghị các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đối với những dự án trọng điểm, cấp bách, đồng thời bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tránh lãng phí, thất thoát; xử lý nghiêm tình trạng nhũng nhiễu, lót tay, vòi vĩnh gây khó khăn trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp; minh bạch hóa tối đa các dự án đầu tư công; thực hiện phân cấp, giao quyền, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu. Đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương tăng cường công tác phòng, chống, dập bệnh dịch tả, giám sát chặt chẽ việc xử lý, tiêu hủy lợn bệnh đúng quy định, hạn chế lây lan dịch bệnh và ô nhiễm môi trường, đồng thời đẩy mạnh cơ cấu lại ngành chăn nuôi, đa dạng hóa vật nuôi để bù đắp thiếu hụt nguồn cung thịt lợn. 

Cử tri cũng đề nghị Bộ Công thương, các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm và nâng cao ý thức người dân sử dụng hàng hóa rõ nguồn gốc, xuất xứ, thực phẩm sạch, an toàn.

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương rà soát, bổ sung các quy định về quản lý, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở giáo dục; triển khai các giải pháp hữu hiệu bảo đảm an ninh, an toàn trường học; quan tâm chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để triển khai tốt Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Trong vấn đề quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, đề nghị: Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan và các địa phương có phương án cụ thể khẩn trương di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi thành phố, khu đông dân cư; ngăn chặn kịp thời các nguồn gây ô nhiễm môi trường; tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm các cơ sở trực tiếp xả chất thải gây ô nhiễm ra môi trường; thông tin kịp thời về tình hình, mức độ ô nhiễm môi trường để người dân chủ động phòng tránh.  Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan chức năng và các địa phương quản lý chặt chẽ việc khai thác tài nguyên, khoáng sản, xử lý nghiêm các vi phạm; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý trong lĩnh vực đất đai; thực hiện công khai, minh bạch các dự án đầu tư bất động sản, kịp thời rà soát, xử lý đối với các dự án đã giao nhưng không thực hiện hoặc sử dụng không đúng mục đích; sửa đổi, bổ sung một số bất cập trong Luật đất đai hiện hành.

Thảo luận tại Phiên làm việc, các ý kiến cho rằng chất lượng Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có nhiều đổi mới, phản ánh được toàn diện tâm tư, nguyện vọng cũng như các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV; bố cục chặt chẽ, đầy đủ từ nội dung đến các Phụ lục đi kèm để chứng minh. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, Báo cáo cần bổ sung thêm các nội dung liên quan đến sản xuất nông nghiệp; việc thanh quyết toán cho việc tiêu hủy lợn nhiễm dịch tả Châu Phi tại một số địa phương; vấn đề xử lý sai phạm trong thi cử tại Hà Giang...

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ thêm các nội dung được tổng hợp; bổ sung, làm rõ, cụ thể thêm một số nội dung mà các đại biểu đã góp ý; Rà soát các nhóm kiến nghị, đề xuất để đảm bảo chặt chẽ và thống nhất với Báo cáo của Ban Dân nguyện.
 
Giải quyết, trả lời 98,97% kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7 

Trình bày Báo cáo Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, đã tổng hợp được 2.251 kiến nghị. Qua phân loại, lọc kiến nghị trùng còn 2.224 kiến nghị. Đến nay 2.201 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời (đạt 98,97%). Các lĩnh vực nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri là lĩnh vực tài nguyên và môi trường; giáo dục và đào tạo; giao thông vận tải; lao động, thương binh và xã hội…
 
Toàn cảnh phiên báo cáo

Về hoạt động của Quốc hội có 51 kiến nghị (chiếm 2,29%), Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, nhìn chung, cử tri đều cho rằng hoạt động của Quốc hội thời gian qua có nhiều cải tiến, đổi mới thiết thực và hiệu quả đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng của cử tri. Nhiều vấn đề cử tri quan tâm đều được các ĐBQH  tiếp thu và phản ánh tại các phiên thảo luận, chất vấn ở Quốc hội. Cử tri thường xuyên theo dõi và đánh giá cao chất lượng các phiên họp của UBTVQH, thảo luận các dự án luật, các giám sát chuyên đề thẳng thắn, vừa mang tính phản biện cao, vùa mang tính xây dựng đảm bảo chuẩn bị nội dung tốt nhất phục vụ kỳ họp của Quốc hội. Ngoài ra, cử tri cũng rất quan tâm tới chất lượng, nội dung và tiến độ xây dựng đối với nhiều dự thảo luật, gửi góp ý trực tiếp đối với 13 Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.

Về công tác điều hành của Chính phủ có 2.127 kiến nghị (chiếm 95,64% tổng số kiến nghị), trong đó có 1.745 kiến nghị đã được giải trình, cung cấp thông tin tới cử tri (chiếm 82,90%); 113 kiến nghị đã được tiếp thu và giải quyết xong; 247 kiến nghị đang giải quyết…Báo cáo nêu rõ, các Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều cho rằng các Bộ, ngành, các cơ quan đơn vị đều rất nghiêm túc, tích cực trả lời cử tri, nhìn chung đáp ứng yêu cầu về chất lượng và thời hạn trả lời, hầu hết các Bộ trưởng đều trực tiếp xem xét, giải quyết, ký văn bản trả lời và công khai trên cổng thông tin điện tử, qua đó cử tri, các ĐBQH có thể trực tiếp giám sát, các cơ quan báo chí có thể kịp thời tuyên truyền tới cử tri...

Về hoạt động của các cơ quan tư pháp có 36 kiến nghị (chiếm 1,62%) liên quan đến một số vấn đề như xét xử công khai những vụ án ma túy; xem xét, giải quyết kịp thời đơn kêu oan của phạm nhân; tiếp tục rà soát, sửa đổi, các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự, Tố tụng Hình sự... Toàn bộ kiến nghị đã được Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao xem xét, trả lời.  Hội đồng Thẩm phán tối cao đã ban hành 02 Nghị quyết kịp thời tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm tính thống nhất, nghiêm minh của pháp luật khi xét xử các vụ việc về xâm hại trẻ em và gian lận bảo hiểm xã hội, y tế.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ, một số văn bản trả lời cử tri vẫn còn bất cập, chưa có đủ thông tin để đại biểu Quốc hội trả lời cử tri. Việc phối hợp giữa các Bộ, ngành, trong giải quyết kiến nghị cử tri  chưa chặt chẽ, dẫn đến một số kiến nghị chưa rõ trách nhiệm do cơ quan nào chủ trì giải quyết. Một số kiến nghị chưa được giải quyết do một số Bộ chậm ban hành văn bản hướng dẫnhoặc chậm triển khai các quy định của pháp luật. Một số kiến nghị đã được các Bộ ngành tiếp thu, mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp thực hiện nhưng chuyển biến còn chậm nên cử tri vẫn bức xúc, tiếp tục có kiến nghị.

Để khắc phục những hạn chế này, Trưởng Ban Dân nguyện đề nghị Chính phủ chú trọng chỉ đạo công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành trong giải quyết các kiến nghị liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực; các kiến nghị liên quan đến chế độ chính sách của một số đông lao động; liên quan đến nhiều địa phương… 

Đối với các Bộ, đề nghị: Bộ Y tế nghiên cứu lộ trình tổ chức khám chữa bệnh cho người có thẻ Bảo hiểm y tế vào tất cả các ngày trong tuần; Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;  Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ về trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ trong việc xảy ra vụ gian lận thi cử năm 2018.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Báo cáo của Ban Dân nguyện về nội dung giám sát việc giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV với những kết quả cụ thể đã đạt được. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng công tác giải quyết kiến nghị của cử tri cũng còn một số hạn chế như: Tình trạng trả lời chung chung, dưới dạng cung cấp thông tin, trả lời không gắn với việc giải quyết, cá biệt có nội dung trả lời chưa đúng, trả lời chậm, trả lời cho xong; Tỷ lệ kiến nghị giải quyết xong còn thấp; các kiến nghị đang trong quá trình xem xét giải quyết cũng còn nhiều; Nhiều kiến nghị tồn đọng qua nhiều năm, nhiều kỳ họp chưa được xử lý dứt điểm. Các đại biểu cho rằng, đây là những vấn đề cần phải tiếp tục quan tâm và giám sát.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị cần phải nghiên cứu làm rõ thêm nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc trả lời không đúng, không đầy đủ các ý kiến kiến nghị của cử tri; đồng thời xem xét việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri đã đến được với cử tri chưa; đánh giá chất lượng trả lời qua việc phản hồi ý kiến cử tri, hiệu quả thực tế của việc trả lời các ý kiến, kiến nghị cử tri, của các bộ, ngành. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, cần rà soát lại các kiến nghị để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp; các ý kiến liên quan đến các chính sách pháp luật, chính sách vĩ mô cũng cần được phân loại và chỉ rõ lộ trình xử lý./.
 
Ngọc Bích
 
 

Xem thêm »