Hoàn thiện Chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2035

12/09/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Chiều 11/9/2019, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) – 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, Ban chỉ đạo xây dựng Chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2035 (Ban Chỉ đạo) đã tổ chức họp lấy ý kiến các thành viên để hoàn thiện Chiến lược. Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc - Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Chiến lược sự chủ trì cuộc họp.

Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc - Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Chiến lược sự chủ trì cuộc họp

Tham dự cuộc họp có các Phó Tổng Kiểm toán nhà nước: Đoàn Xuân Tiên, Vũ Văn Họa, Đặng Thế Vinh, Nguyễn Tuấn Anh và các thành viên khác của Ban chỉ đạo.

Phát biểu tại cuộc họp, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, việc xây dựng và phê duyệt Chiến lược có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thiện và nâng cao hiệu lực hoạt động; hoạch định các kế hoạch dài hạn, trung hạn và hàng năm trong thời tới của KTNN. “Sau khi nghe các ý kiến góp ý, Ban biên tập sẽ tập trung hoàn thiện lần cuối bản dự thảo Chiến lược, trình các cơ quan của Quốc hội thẩm định, cho ý kiến; đảm bảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Chiến lược trong năm 2019. Trên cơ sở đó, KTNN sẽ triển khai thực hiện Chiến lược ngay từ đầu năm 2020, mở ra triển vọng phát triển lên tầm cao mới của KTNN trong tương lai” - Tổng Kiểm toán nhà nước phát biểu.

Trình bày Tờ trình Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2035 do Phó Chánh Văn phòng KTNN Lê Tùng Lâm cho biết, đến ngày 10/9/2019, tất cả 07 Tiểu ban đã gửi báo cáo cho Thường trực Ban Chỉ đạo. Theo đó, một số nội dung đã được hoàn thiện hơn so với lần báo cáo trước, như: Sự cần thiết xây dựng Chiến lược; Cơ sở pháp lý; Thực trạng thực hiện Chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2010-2020; Mục tiêu cụ thể; Những nội dung và lộ trình thực hiện Chiến lược.

Thảo luận tại cuộc họp, các ý kiến thống nhất đề xuất nâng cấp Ban Tài chính thuộc Văn phòng KTNN thành Vụ Tài chính; Đổi tên, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Tin học thành Trung tâm Công nghệ Thông và Dữ liệu; Nâng cấp Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán thành Học viện Kiểm toán. Giữ nguyên ổn định cơ cấu tổ chức KTNN chuyên ngành, khu vực.

Thảo luận về cơ cấu nguồn nhân lực, chất lượng nguồn nhân lực, các ý kiến tập trung thảo luận về: Cơ cấu theo lĩnh vực công tác; Cơ cấu theo ngạch, bậc; Cơ cấu theo chuyên môn, đào tạo; Cơ cấu theo trình độ đào tạo, nhằm đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ, tương xứng với chuẩn mực quốc tế và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.
 
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh phát biểu tại buổi làm việc

Các thành viên của Ban Chỉ đạo cũng đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến về các nội dung: Mục tiêu cụ thể của Chiến lược; Biên chế của KTNN đến năm 2030; Một số mục tiêu nâng cao chất lượng kiểm toán như năng lực kiểm toán, hiệu quả kiểm toán…

Kết luận cuộc họp, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc đánh giá cao nỗ lực của các Tiểu ban và Ban soạn thảo trong việc đã xây dựng được Chiến lược với các nội dung tương đối toàn diện. “Chiến lược cần thể hiện rõ tầm nhìn xây dựng KTNN trở thành Cơ quan chuyên nghiệp; hiện đại; là công cụ hữu hiệu, quyền năng của Nhà nước trong việc kiểm toán tài chính công, tài sản công” – Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.

Về kết cấu của Chiến lược, Tổng Kiểm toán nhà nước cho rằng, cần đưa nội dung “Các trụ cột phát triển” sau nội dung: Quan điểm phát triển; Mục tiêu tổng quát; Mục tiêu cụ thể.

Nhấn mạnh về nội dung một trụ cột phát triển công nghệ, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu, Chiến lược cần xác định rõ bao gồm công nghệ kiểm toán và công nghệ thông tin.

Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị Ban Soạn thảo tiếp thu các ý kiến phát biểu hoàn thiện 07 nội dung Chiến lược: Hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN; Phát triển hệ thống tổ chức, bộ máy; Phát triển nguồn nhân lực; Nâng cao chất lượng kiểm toán; Hội nhập và hợp tác quốc tế; Phát triển cơ sở vật chất, thông tin tuyên truyền và nghiên cứu khoa học; Phát triển công nghệ thông tin.

Đối với chiến lược hội nhập và hợp tác quốc tế, cần nhấn mạnh quan hệ song phương, thể hiện sự phát triển theo chiều sâu, chất lượng hoạt động chuyên môn của KTNN và quan hệ đa phương, thể hiện vị thế, hình ảnh của đất nước, của KTNN.

Đối với chiến lược phát triển nguồn nhân lực, cần ra soát lại các chỉ tiêu cơ cấu nhằm đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới, nhất là trong thời đại công nghiệp 4.0…

Theo dự kiến kế hoạch, sau cuộc họp Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban chỉ đạo hoàn thiện Chiến lược và các hồ sơ có liên quan trình các cơ quan của Quốc hội thẩm định, cho ý kiến vào đầu tháng 10/2019. Căn cứ ý kiến của các cơ quan của Quốc hội, các Tiểu ban tiếp tục hoàn thiện Chiến lược trình UBTVQH cho ý kiến lần thứ nhất vào tháng 11/2019; tiếp tục hoàn thiện và trình UBTVQH thông qua tại Kỳ họp tháng 12/2019./.

Ngọc Bích

Xem thêm »