KTNN Việt Nam và KTNN Kuwait tăng cường hợp tác

23/07/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Chiều 22/7/2019, tại Kuwait, Ủy viên BCH TW Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Hồ Đức Phớc-Chủ tịch Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á đã có buổi tiếp song phương Chủ tịch Cơ quan Kiểm toán nhà nước Kuwait Adel Al-Sarawi.

Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Hồ Đức Phớc hội đàm song phương với Chủ tịch cơ quan KTNN Kuwait Adel Al-Sarawi

Cùng dự buổi tiếp, về phía Việt Nam có: Đại sứ Việt Nam tại Kuwait Trịnh Minh Mạnh; Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước (KTNN) Đỗ Văn Tạo, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Trần Khánh Hòa, Vụ trưởng Vụ HTQT Trần Kim Lộc, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành 4 Hoàng Phú Thọ, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VI Nguyễn Hữu Phúc cùng các thành viên Đoàn công tác.

Về phía Cơ quan Kiểm toán nhà nước Kuwait có: Đại diện lãnh đạo các đơn vị Văn phòng Chủ tịch, Vụ Kiểm toán hoạt động Vụ Đào tạo và Quan hệ quốc tế, Vụ Kiểm toán thị trường và đầu tư các hoạt động dầu khí, Vụ Hỗ trợ kỹ thuật...

Bày tỏ vui mừng được gặp và làm việc với KTNN Kuwait, Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Hồ Đức Phớc gửi lời chúc mừng Cơ quan KTNN Kuwait nhân kỷ niệm 55 năm ngày thành lập (7/7/1964), đồng thời bày tỏ sự cảm ơn Cơ quan KTNN Kuwait đã ủng hộ KTNN Việt Nam và đăng cai tổ chức Cuộc họp Ban điều hành ASOSAI lần thứ 54. Cuộc họp này nhằm tạo diễn đàn để các thành viên Ban điều hành thảo luận quyết định các nội dung quan trọng của ASOSAI như triển khai thực hiện Tuyên bố Hà Nội, xây dựng Kế hoạch chiến lược ASOSAI giai đoạn mới. Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam tin tưởng rằng mối quan hệ giữa 2 Bên ngày càng phát triển, hỗ trợ tích cực và có trách nhiệm.

Chia sẻ về những hoạt động của KTNN Việt Nam, Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam cho biết: Thời gian qua, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động kiểm toán ngày càng hoàn thiện, tạo cơ sở vững chắc cho tổ chức và hoạt động của KTNN Việt Nam, từ cơ quan được Luật định, địa vị pháp lý của KTNN Việt Nam đã được hiến định trong Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013; Luật KTNN 2015 được sửa đổi, bổ sung phù hợp với Hiến pháp và hiện tại KTNN Việt Nam đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sửa đổi, bổ sung Luật KTNN 2015, nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn hoạt động.

Cùng với hoàn thiện về khuôn khổ pháp lý, hệ thống tổ chức bộ máy của KTNN theo mô hình quản lý tập trung thống nhất để đảm bảo nguyên tắc độc lập, chỉ tuân thủ pháp luật. Hiện nay, KTNN Việt Nam có khoảng 2.200 cán bộ, Kiểm toán viên, 32 đơn vị trực thuộc. Hoạt động kiểm toán của KTNN Việt Nam ngày càng được chú trọng và liên tục được đổi mới, nâng cao chất lượng toàn diện cả về năng lực, hiệu lực và hiệu quả. 

Về trọng tâm kiểm toán của KTNN Việt Nam, theo Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam, bên cạnh các loại hình kiểm toán truyền thống, KTNN Việt Nam chuyển mạnh sang kiểm toán hoạt động; các lĩnh vực kiểm toán được mở rộng, như kiểm toán CNTT, đất đai, tài nguyên khoáng sản, các dự án đầu tư xây dựng cơ bản... Kết quả kiểm toán được báo cáo tại các kỳ họp của Quốc hội Việt Nam, phục vụ các hoạt động chất vấn, giám sát của Quốc hội về việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Trong thời gian tới, KTNN Việt Nam tập trung ưu tiên việc ứng dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán và kiểm toán CNTT nhằm hỗ trợ tối đa hoạt động KTNN với các công nghệ số hiện đại; qua đó hình thành nền KTNN hiện đại và vững mạnh dựa trên công nghệ số thông qua việc tiếp tục hoàn thiện hạ tầng số KTNN, đặc biệt phát triển và sử dụng các phương pháp AI (trí tuệ nhân tạo) phù hợp với phục vụ cho các hoạt động của KTNN.

Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam đặc biệt đánh giá cao kết quả hoạt động hợp tác giữa KTNN Việt Nam và Cơ quan KTNN Kuwait trong thời gian qua, kể từ khi Cơ quan Kiểm toán ký Thỏa thuận hợp tác bên lề Đại hội ASOSAI lần thứ 11 tổ chức tại Pakistan vào tháng 10/2009. KTNN Việt Nam mong muốn Cơ quan KTNN Kuwait tiếp tục ủng hộ KTNN Việt Nam: Thực hiện vai trò Chủ tịch ASOSAI trong nhiệm kỳ 2018-2021; ứng cử thành viên Ban điều hành INTOSAI nhiệm kỳ 2019-2025. “Việc đảm nhiệm vai trò này sẽ giúp KTNN Việt Nam thực hiện tốt hơn vai trò lãnh đạo ASOSAI trong thời gian tới, đồng thời đóng góp nhiều hơn và hiệu quả hơn cho cộng đồng ASOSAI nói chung và các thành viên ASOSAI nói riêng, đặc biệt trong việc thực hiện thành công các cam kết và mục tiêu trong Tuyên bố Hà Nội về kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững - một trong những nội dung nghị sự quan trọng mà INTOSAI cũng đang theo đuổi” - Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
 

Hai đoàn công tác của KTNN Việt Nam và Cơ quan Kiểm toán nhà nước Kuwait chụp ảnh lưu niệm

Phát biểu tại Hội đàm, Chủ tịch Cơ quan KTNN Kuwait Adel Al-Sarawi bày tỏ vui mừng được chào đón Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam và đoàn công tác đến Kuwait với nhiều hoạt động được tổ chức, trong đó có việc chủ trì cuộc họp Ban điều hành ASOSAI lần thứ 54.

Đánh giá lại việc tổ chức thành công Đại hội ASOSAI 14 cùng với sáng kiến Tuyên bố Hà Nội, Chủ tịch Adel Al-Sarawi cho rằng, Tuyên bố Hà Nội là văn bản quan trọng, có lộ trình và những công việc cụ thể  đã mở ra giai đoạn nhiều thành công cho tổ chức ASOSAI nói riêng và xây dựng mối quan hệ vững chắc giữa 2 Cơ quan.

Chia sẻ về những thuận lợi và thách thức trong hoạt động kiểm toán mà hai Cơ quan có nhiều điểm chung, đồng thời bày tỏ sự đồng tình với những đề xuất của Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Hồ Đức Phớc, Chủ tịch KTNN Kuwait khẳng định hai Bên sẽ tiếp tục nghiên cứu để ký lại Thỏa thuận hợp tác; tổ chức các Đoàn trao đổi chuyên gia về các lĩnh vực, hoạt động kiểm toán; tổ chức nhiều khóa đào tạo về nội dung kiểm toán mà KTNN Kuwait đã tổ chức thành công như: Tiền kiểm, Kiểm toán tài nguyên khoảng sản, đặc biệt là kiểm toán về dầu mỏ...

Cảm ơn về những chia sẻ của Chủ tịch KTNN Kuwait, Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam bày tỏ mong muốn quan hệ hợp tác giữa KTNN Việt Nam và KTNN Kuwait sẽ ngày càng phát triển, thiết thực và hiệu quả trong thời gian tới. Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam trân trọng mời Tổng KTNN Kuwait và phu nhân sang thăm Việt Nam vào thời gian thuận tiện. Chủ tịch KTNN Kuwait vui vẻ nhận lời. 

*Trước đó, Đoàn công tác của KTNN Việt Nam đã đến thăm hỏi và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Kuwait. Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Trịnh Minh Mạnh cùng các cán bộ của Đại sứ quán đã tiếp Đoàn.
 
Cơ quan KTNN Kuwait được thành lập theo Luật số 30 năm 1964, là cơ quan gắn với Quốc hội nhưng hoạt động độc lập và không phụ thuộc vào Quốc hội. Ngày 11/11/1962, Hiến pháp Nhà nước Kuwait  được ban hành, trong đó quy định rõ việc thành lập một Ủy ban kiểm soát tài chính tại Điều 151, cụ thể: “Luật pháp sẽ thiết lập một Ủy ban kiểm soát tài chính và bảo vệ tính độc lập của nó. Ủy ban gắn với Quốc hội, giúp Chính phủ và Quốc hội tập hợp các khoản thu, chi của nhà nước trong phạm vi phân bổ ngân sách. Ủy ban trìnhChính phủ và Quốc hội báo cáo hàng năm về hoạt động và đánh giá của mình”.

Luật số 30 năm 1964 về việc thành lập Cơ quan KTNN của Nhà nước Kuwait được ban hành với Điều khoản đầu tiên là: “Sẽ thành lập một Ủy ban độc lập để kiểm soát tài chính lấy tên là Cơ quan KTNN Kuwait và gắn với Quốc hội để thực hiện kiểm soát hiệu quả các quỹ công thông qua việc thực hiện các chức năng quy định trên cơ sở luật thành lập của mình”. Đây là Luật thành lập KTNN đầu tiên trong cộng đồng các nước Ả-rập và đã trở thành nguồn tài liệu tham khảo cho nhiều nước trong khu vực để đề xuất xây dựng Luật tương tự ở đất nước họ.

KTNN Kuwait gồm 06 bộ phận: Bộ phận pháp luật, vi phạm tài chính và kiểm toán hoạt động; Bộ phận kiểm toán các tổ chức độc lập (gồm 04 Vụ kiểm toán chuyên ngành chế tạo và sản xuất, đầu tư và thị trường, đầu tư và tài chính, dịch vụ và kinh tế); Bộ phận kiểm toán các công ty và đơn vị hỗ trợ (gồm 03 Vụ kiểm toán chuyên ngành về công ty, đơn vị trong lĩnh vực xã hội và công cộng, đơn vị trong lĩnh vực đầu tư và dịch vụ); Bộ phận hỗ trợ kỹ thuật và tiền kiểm toán; Bộ phận kiểm toán các cơ quan Bộ, ngành (gồm 03 Vụ kiểm toán chuyên ngành xã hội và dịch vụ, pháp lý và kinh tế, an ninh quốc phòng và các vấn đề công cộng); Bộ phận hành chính, tài chính và công nghệ thông tin.

Nguyễn Thị Thúy từ Kuwait
 

Xem thêm »