Quốc hội thông qua Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị

14/06/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Chiều14/6/2019, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, biểu quyết thông Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị với 449 đại biểu tán thành, chiếm 92,77%.

Đại biểu QH biểu quyết thông Nghị quyết

Tại phiên họp, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (QH) Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị. Báo cáo nêu rõ, đến ngày 12/6/2019, Ban Thư ký đã nhận được 314 bản ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, trong đó 264 ý kiến hoàn toàn nhất trí với dự thảo Nghị quyết, 50 ý kiến cơ bản tán thành và góp ý trực tiếp vào một số nội dung cụ thể của dự thảo Nghị quyết.

Về đánh giá kết quả thực hiện, có ý kiến đề nghị bổ sung đánh giá về việc người Việt Nam đứng tên mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất cho người nước ngoài. Đối với đề nghị này của đại biểu, UBTVQH cho rằng, qua giám sát, một số địa phương phản ánh có hiện tượng người Việt Nam đứng tên mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất cho người nước ngoài. Tuy nhiên, Đoàn giám sát chưa có thông tin chính thức về vấn đề này. Do vậy, để bảo đảm tính thận trọng, UBTVQH xin QH không đưa nội dung này vào Điều 1 của dự thảo Nghị quyết mà đưa vào phần nhiệm vụ, giải pháp để trong thời gian tới Chính phủ chỉ đạo rà soát thực trạng, nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách để quản lý, xử lý nghiêm các vi phạm.

Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, có ý kiến đề nghị không đặt ra yêu cầu thanh toán dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) bằng tiền trong Nghị quyết này, mà để Chính phủ nghiên cứu phương án trong quá trình hoàn thiện Nghị định về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT. Tiếp thu ý kiến đại biểu, UBTVQH thể hiện nội dung này như tại điểm c khoản 2 Điều 2 dự thảo Nghị quyết.

Về tổ chức thực hiện Nghị quyết, có ý kiến đề nghị hằng năm Chính phủ báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết này kể từ năm 2020. UBTVQH cho rằng, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định: “Tại kỳ họp cuối năm của năm giữa nhiệm kỳ và kỳ họp cuối năm của năm cuối nhiệm kỳ, các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát báo cáo Quốc hội việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề”. Do đó, dự thảo Nghị quyết đã quy định theo hướng yêu cầu Chính phủ báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết này tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/ 2020).

Đánh giá kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, Nghị quyết nêu rõ:

Hệ thống chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị đã được ban hành tương đối đồng bộ, kịp thời, bao quát trên nhiều lĩnh vực, đã cụ thể hóa cơ bản các chủ trương của Đảng, bám sát thực tiễn phát triển của đất nước, các thông lệ quốc tế, hình thành cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị. Việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đã có những chuyển biến tích cực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từng bước được nâng cao, góp phần hạn chế thất thoát, tiêu cực, lãng phí.

Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị đã góp phần khai thác tốt hơn tiềm năng đất đai phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường. Công tác xác định địa giới hành chính, khảo sát, đo đạc, lập bản đồ địa chính đã cơ bản hoàn thành.

Việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất dần đi vào nề nếp. Chính sách tài chính đất đai và giá đất đã có nhiều đổi mới, nguồn thu từ đất đóng góp quan trọng vào ngân sách Nhà nước. Chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được quy định chặt chẽ hơn, bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người có đất thu hồi, ngày càng tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân.

Việc tuân thủ quy hoạch đô thị và chấp hành pháp luật về đất đai có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về quy hoạch đô thị, quản lý, sử dụng đất đai được chú trọng. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai được các cấp chính quyền quan tâm; các vụ việc khiếu nại đông người, phức tạp đã được tập trung chỉ đạo xử lý, giảm dần qua từng năm. Hệ thống đô thị khang trang, hiện đại được hình thành, diện mạo đô thị thay đổi rõ rệt, cơ sở hạ tầng được cải thiện, chất lượng cuộc sống của người dân từng bước được nâng lên, góp phần thúc đẩy các hoạt động kinh tế - xã hội phát triển. Chính sách an sinh xã hội cũng được thực hiện đồng bộ với chính sách phát triển đô thị. Các địa phương đã quan tâm hơn đến việc bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, giải quyết nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp.

Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị vẫn còn những hạn chế, bất cập như: Chính sách, pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này còn có quy định chưa hợp lý, có sự chồng chéo, chưa thống nhất; Việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cấp tỉnh ở một số địa phương còn chậm; Chất lượng các quy hoạch còn thấp, thiếu đồng bộ, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội và tốc độ đô thị hóa, dẫn tới điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, có những trường hợp điều chỉnh còn tùy tiện, theo lợi ích của nhà đầu tư, ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan, kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, xã hội và các lợi ích hợp pháp của cộng đồng dân cư...

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, bất cập nêu trên trước hết là do: Tầm nhìn, dự báo và đánh giá tác động của các chính sách còn hạn chế. Việc thi hành pháp luật chưa tốt, còn nhiều sai phạm, làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đất đai, đô thị. Các công cụ để quản lý quy hoạch đô thị chậm được phê duyệt và ban hành. Một bộ phận cán bộ, công chức quản lý đất đai, quy hoạch đô thị phẩm chất đạo đức yếu kém, còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng buông lỏng quản lý, thiếu quyết liệt trong việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật. Để khắc phục những tồn tại, Nghị quyết cũng chỉ rõ các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Nghị quyết cũng giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chỉ đạo tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết. Chính phủ báo cáo QH về kết quả thực hiện Nghị quyết này tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/ 2020).

Đồng thời, UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu QH, đại biểu QH, Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này./.

Như Ý

Xem thêm »