Đoàn Giám sát việc quản lý sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách làm việc với Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

21/03/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

  (sav.gov.vn) – Ngày 20/3/2019, tại Nhà Quốc hội, Ba Đình, Hà Nội, dưới sự chủ trì của  Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách, Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách giai đoạn 2013-2018” và các thành viên Đoàn giám sát đã có buổi làm việc với Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXHVN).

Phó Tổng giám đốc BHXHVN Nguyễn Đình Khương trình bày báo cáo

Tham dự buổi làm việc có: Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp; Thứ trưởng Bộ Tài chính, Tổng Giám đốc BHXHVN Nguyễn Thị Minh; đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan và các thành viên Đoàn giám sát. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa đại diện Kiểm toán nhà nước (KTNN) tham dự buổi làm việc.
 
Thực hiện nội dung giám sát, Trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Đức Hải đề nghị BHXHVN làm rõ các nội dung liên quan đến tình hình ban hành chính sách, pháp luật về thành lập quản lý, sử dụng quỹ; đánh giá tình hình triển khai, tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng quỹ giai đoạn 2013-2018; đánh giá hiệu quả quản lý, sử dụng các quỹ; chỉ ra hạn chế tồn tại, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp kiến nghị.
 
Trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Đức Hải phát biểu tại buổi làm việc
 
Báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách giai đoạn 2013- 2018, Phó Tổng giám đốc BHXHVN Nguyễn Đình Khương cho biết, Quỹ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là quỹ tài chính ngoài ngân sách với tính chất đặc thù thực hiện mục tiêu an sinh xã hội theo chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước. Từ năm 2013 đến nay hoạt động đầu tư quỹ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp an toàn, hiệu quả, không rủi ro, lãi suất đầu tư cao hơn so với chỉ số giá tiêu dùng, bảo đảm nguyên tắc bảo toàn và tăng trưởng quỹ. Chi phí quản lý quỹ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp quy định nội dung, định mức chi tương đối đầy đủ, rõ ràng phù hợp với tình chất đặc thù của Ngành…
 
Đại diện BHXHVN cho biết, việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Hiện còn trên 34 triệu người trong độ tuổi lao động chưa tham gia BHXH; khoảng 1,3 triệu học sinh, sinh viên chưa tham gia BHYT, nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình mới đạt tỷ lệ khoảng 63%, trong đó có khoảng 10- 20% người có thu nhập cao chưa sẵn sàng tham gia BHYT mà lựa chọn KCB theo yêu cầu. Bên cạnh đó, dù số nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp có giảm nhưng vẫn tồn tại tình trạng nợ không còn khả năng thu hồi, nợ tại các DN đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ DN là người nước ngoài bỏ trốn. Số người nhận BHXH một lần gia tăng hàng năm dẫn tới mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người lao động bị ảnh hưởng. Tình trạng quỹ BHYT tiếp tục gia tăng chi phí khám chữa bệnh bất hợp lý, ảnh hưởng đến cân đối quỹ BHYT…

Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc BHXHVN Nguyễn Thị Minh cho biết, việc công đoàn khởi kiện doan nghiệp (DN) nợ BHXH thời gian qua vướng ngay từ khi Luật BHXH đi vào thực thi. Tuy nhiên, tội danh trốn đóng BHXH đã đưa vào Luật Hình sự nên khi có quyết định thanh tra các DN đã  đóng nộp. Việc ứng dụng CNTT đã giúp cơ quan BHXH đã quản lý đến từng DN. Để giải quyết vấn đề nợ đọng BHXH từ các DN trốn đóng, phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn, Tổng giám đốc BHXHVN đề nghị Ủy ban TVQH sớm cho ý kiến giải quyết vấn đề.
 
Ông Doãn Mậu Diệp- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, Việt Nam đang bước vào già hóa dân số, nên việc đảm bảo cân đối các quỹ cần tính đến yếu tố này. Nguy cơ mất cân đối quỹ trong tương lai có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì vậy cần chuẩn bị kỹ các điều kiện để đối phó…
 
Về vấn đề kiểm tra, thanh tra các quỹ, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa cho biết, theo quy định của Luật BHXH, định kỳ 3 năm KTNN thực hiện kiểm toán quỹ BHXH, BHYT, BHTN và báo cáo kết quả với Quốc hội. Liên quan đến quản lý các nguồn quỹ, đại diện của KTNN cho rằng “Việc quản lý cần đảm bảo an toàn. Tuy nhiên để có thể sinh lợi, Chính phủ và Bộ tài chính có thể cho phép mua trái phiếu hoặc gửi ngân hàng thương mại nhưng phải có uy tín để đảm bảo nguồn vốn”.
 
Đánh giá cáo các nội dung báo cáo của BHXHVN, các thành viên Đoàn giám sát cho rằng báo cáo của BHXHVN cơ bản đáp ứng đề cương, yêu cầu của Đoàn giám sát; đồng thời ghi nhận những kết quả đạt được trong quá trình quản lý, sử dụng các quỹ bảo hiểm như việc giảm nợ bảo hiểm xã hội, tăng trưởng quỹ ổn định… Các thành viên Đoàn giám sát đề nghị BHXHVN bổ sung thêm một số thông tin về: Nguyên nhân, các giải pháp để khắc phục tình  trạng hoạt động của bảo hiểm y tế thời gian qua thu không đủ chi; Công tác thanh tra kiểm tra việc sử dụng quỹ và thanh kiểm tra nội bộ trong tổ chức quản lý quỹ BHYT; Bổ sung dự báo về tình hình cân đối quỹ bảo hiểm trong dài hạn; Các giải pháp cụ thể xử lý khoản nợ bảo hiểm xã hội khó đòi.../.
 
Ngọc Bích
 
 
 

Xem thêm »