Tập huấn đề cương kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020

06/03/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) – Ngày 06/3/2019, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) – 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán phối hợp với KTNN chuyên ngành V tổ chức tập huấn đề cương kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 cho 41 công chức, kiểm toán viên đến từ 15 đơn vị trực thuộc KTNN.

Phát biểu khai mạc chương trình tập huấn, Quyền Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Nguyễn Đình Hòa cho biết, kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 là chuyên đề kiểm toán có phạm vi rộng, số lượng các đơn vị được kiểm toán nhiều và đa dạng. Hàng năm, KTNN đã triển khai lồng ghép nội dung này trong các cuộc kiểm toán ngân sách bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên quá trình tổ chức thực hiện, vẫn còn có nhiều khó khăn vướng mắc, nhiều vấn đề phát sinh. Để thống nhất cách thức triển khai cuộc kiểm này, năm 2019, KTNN chuyên ngành V đã chủ trì xây dựng đề cương kiểm toán Chương trình và gửi xin ý kiến các đơn vị trước khi tổ chức tập huấn trong toàn Ngành. Để chương trình tập huấn đạt hiệu quả, Ông Nguyễn Đình Hòa đề nghị các học viên tham gia nghiêm túc, tích cực trao đổi xung quanh các nội dung trong chương trình đào tạo, tập huấn.

Tại buổi tập huấn, Ông Vũ Trí Hiền – Phó Trưởng phòng Kiểm toán doanh nghiệp 1, KTNN chuyên ngành V đã trình bày một số thông tin khái quát về tình hình thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Theo đó, Chương trình thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin), góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết Quốc hội đề ra.

 Chương trình gồm 05 dự án: Chương trình 30a (Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các huyện nghèo, Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, Hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); Chương trình 135 (Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn, Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn, Nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, thôn bản đặc biệt khó khăn); Chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135; Dự án Truyền thông và giảm nghèo về thông tin và Dự án nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình.
 


Đồng thời, Ông Vũ Trí Hiền giới thiệu, cập nhật các văn bản liên quan thực hiện Chương trình; Trách nhiệm của các cơ quan tham gia chương trình; Công tác chỉ đạo điều hành; Kết quả thực hiện chương trình; Tinh hình phân bổ vốn trung hạn thực hiện Chương trình...

Trong phần tập huấn, hướng dẫn đề cương kiểm toán, Ông Vũ Trí Hiền đã nhấn mạnh những vấn đề cần lưu ý khi khảo sát và thu thập thông tin kiểm toán và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu, từ đó xác định rõ trọng tâm kiểm toán, mục tiêu kiểm toán, nội dung, phương pháp và thủ tục kiểm toán.

Theo Kế hoạch kiểm toán 2019, KTNN chuyên ngành V chủ trì cuộc kiểm toán CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị cùng tham gia kiểm toán đối với chuyên đề; tổng hợp, lập báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán cho cả chuyên đề. Cụ thể: KTNN chuyên ngành V thành lập Đoàn kiểm toán thực hiện kiểm toán tại Bộ Lao động - Thương binh và xã hội và 14 tỉnh/thành phố (Cao Bằng, Hà Giang, Điện Biên, Lào Cai, Sơn La, Gia Lai, Lạng Sơn, Lai Châu, Yên Bái, Bắc Kạn, Phú Thọ, Tuyên Quang, Bắc Giang, Đắk Lắk. Kết thúc kiểm toán, Đoàn sẽ lập 01 BCKT chung toàn Đoàn và tại mỗi Bộ, ngành địa phương lập BCKT. Việc tổ chức thẩm định, xét duyệt, thông báo kết quả kiểm toán và phát hành BCKT theo quy định của KTNN. KTNN chuyên ngành V có trách nhiệm tổng hợp kết quả kiểm toán đối với chuyên đề này từ kết quả kiểm toán của các KTNN khu vực và chuyên ngành (nếu có) và các Bộ, ngành, địa phương do KTNN chuyên ngành V thực hiện kiểm toán; lập báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán cho cả chuyên đề.

Các KTNN chuyên ngành, khu vực thành lập các Đoàn kiểm toán riêng biệt hoặc lồng ghép để thực hiện kiểm toán chuyên đề tại Bộ/tỉnh; tổng hợp lập BCKT chuyên đề (đối với đoàn kiểm toán riêng biệt); lập Biên bản kiểm toán và Phụ lục BCKT (đối với đoàn kiểm toán lồng ghép).

Được biết, KTNN chuyên ngành V sẽ triển khai kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-202 vào giữa tháng 3.2019.

Hà Linh
 

Xem thêm »