Hội thảo khoa học "Cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện công lập - Vấn đề đặt ra và vai trò KTNN"

18/01/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) – Sáng 18/01/2019, tại Trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN), 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, KTNN tổ chức Hội thảo khoa học "Cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện công lập - Vấn đề đặt ra và vai trò KTNN".

Toàn cảnh Hội thảo

Ban Điều hành Hội thảo gồm: GS.Ts Đoàn Xuân Tiên - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước; PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y Tế; PGS. TS Nguyễn Đình Hòa - Quyền Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán.

Tham gia Hội thảo có trên 200 đại biểu, đại diện cho các cơ quan của Quốc hội, các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, các Trường đại học, các Viện nghiên cứu, các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và Sở Y tế, và các đơn vị trực thuộc KTNN, các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan thông tấn, báo chí, đài phát thanh, truyền hình.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên cho biết: Cơ chế tự chủ đối với các Bệnh viện công lập thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song còn không ít những tồn tại, vướng mắc. Công tác kiểm toán trong lĩnh vực Y tế mới chú trọng kiểm tra đánh giá việc quản lý, sử dụng dụng tài chính công, tài sản công, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước mà chưa đánh giá toàn diện tính hiệu lực, hiệu quả đối với cơ chế tự chủ trong các bệnh viện công lập, để từ đó có đánh giá, kiến nghị sâu về thay đổi cơ chế, chính sách của Nhà nước. Vì vậy, Hội thảo được tổ chức với mục đích phân tích, đánh giá, trao đổi quan điểm và làm rõ bức tranh, nhận diện hạn chế trong cơ chế tự chủ đối với các Bệnh viện công lập và vai trò của KTNN đối với việc góp phần hoàn thiện cơ chế tự chủ tài chính trong các bệnh viện công lập, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các bệnh viện công lập.
 
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên phát biểu khai mạc

Thứ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, Bộ Y tế được Chính phủ đánh giá là một trong các Bộ tiên phong trong việc đổi mới cơ chế tài chính, cơ chế Hoạt động của các đơn vị sự nghiệp. Mục tiêu của đối mới cơ chế quản lý đối với đơn vị sự nghiệp trong việc tổ chức công việc, sắp xếp lại bộ máy, sử dụng nguồn lực tài chính để hoàn thành nhiệm vụ được giao; phát huy khả năng của đơn vị để cung cấp dịch vụ với chất lượng chuyên môn cao; tăng nguồn thu nhằm từng bước giải quyết thu nhập cho người lao động; huy động sự đóng góp của cộng đồng xã hội để phát triển các hoạt động sự nghiệp, từng bước giảm dần bao cấp từ NSNN. Thứ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Trường Sơn thừa nhận bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn những hạn chế trong việc giao tự chủ cho các bệnh viện như gia tăng chỉ định dịch vụ cận lâm sàng, kéo dài thời gian nằm điều trị, có xu hướng tiết kiệm nhân lực, giảm chi phí tối thiếu để tăng chênh lệch thu chi...

“Tại Hội thảo này chúng tôi mong muốn các quý vị đại biểu thảo luận kỹ các vấn đề đưa ra, muốn nghe ý kiến tư vấn của KTNN để giúp Bộ Y tế trong việc xây dựng và hoạch định chính sách, ban hành văn bản nhằm đổi mới cơ chế tài chính, tạo hành lang pháp lý cho các đơn vị y tế công thực hiện cơ chế tự chủ hiệu quả hơn” - Thứ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu.
  
Tham luận về “Cơ chế tự chủ tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập – Thực trạng và giải pháp hoàn thiện’ TS. Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III cho biết, kết quả kiểm toán của KTNN tại Bộ Y tế một số năm gần đây cho thấy, tại nhiều đơn vị còn hiện tượng thu vượt, thu ngoài quy định hoặc lạm dụng dịch vụ y tế kỹ thuật cao, cung ứng thuốc và dịch vụ không cần thiết... làm tăng gánh nặng lên vai người bệnh, đặc biệt là những người nghèo, người không tham gia BHYT, làm giảm cơ hội được điều trị của những đối tượng không đủ điều kiện về tài chính. Để tăng doanh thu một số bệnh viện tuyến Trung ương thay vì tập trung vào nghiên cứu khoa học và các kỹ thuật chuyên sâu, đóng vai trò là bệnh viện tuyến cuối lại có xu hướng mở rộng dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu và các dịch vụ y tế thông thường mà bệnh viện tuyến dưới có thể thực hiện, phần nào ảnh hưởng đến thành công của việc thực hiện chính sách tự chủ. Hơn nữa nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến phá vỡ kế hoạch phát triển y tế cơ sở vốn đã được Nhà nước đầu tư bằng nguồn vốn tương đối lớn trong nhiều năm qua.

Cơ chế thanh toán bảo hiểm giữa BHXH và các bệnh viện công lập hiện nay cũng còn nhiều bất cập, việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT chủ yếu thực hiện theo chi phí phát sinh các dịch vụ kỹ thuật y tế, thuốc, hóa chất, vật tư y tế đã được sử dụng cho người bệnh tại cơ sở y tế, điều này làm gia tăng những khoản chi phí không kiểm soát được. Thậm chí có tình trạng các cơ sở khám, chữa bệnh lạm dụng dịch vụ kỹ thuật cao do đó ảnh hưởng tới cân đối của quỹ BHYT. Việc thanh toán theo mức giá mà liên Bộ Tài chính - Y tế ban hành hay theo mức thực tế sau khi BHXH kiểm tra kiểm soát và thanh toán. là vấn đề gây tranh cãi trong thời gian qua…

Đánh giá về cơ chế tự chủ, xã hội hóa, giá dịch vụ khám, chữa bệnh tại cơ sở ý tế công lập, Ths. Nguyễn Nam Liên- Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Bộ Y tế cho biết, đến nay, 100% số đơn vị sự nghiệp y tế trong cả nước đã được phân loại, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính. Các đơn vị trong Bộ đã huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư, mua sắm trang thiết bị phát triển các hoạt động sự nghiệp; tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật y tế tiên tiến hiện đại đồng thời tăng nguồn thu cho bệnh viện. Số đơn vị tự chủ được chi thường xuyên ngày càng tăng, giảm số người hưởng lương từ NSNN và giảm ngân sách cấp cho các đơn vị...

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương Trịnh Ngọc Hải và GS TS. BS Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện TW Huế đều cho rằng, trao quyền tự chủ cho các đơn vị y tế công lập sẽ tăng hiệu quả hoạt động, tiết kiệm chi phí, tăng nguồn thu cho bệnh viện, đồng thời nâng cao khả năng đáp ứng của cơ sở y tế đối với nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân.

Để việc triển khai thực hiện cơ chế tự chủ được hiệu quả, ThS. Trương Bá Tuấn Phó Viện trưởng Viện chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính cho rằng, cần cải cách căn bản phương thức chi NSNN, bao gồm chi NS cho các đơn vị tự chủ; Đẩy mạnh hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan tới tự chủ (NĐ 16/2015 ngày 14/02/2015 quy định cơ chế tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công luật và xây dựng quy định về  cơ chế tự chủ theo từng ngành; Thực hiện tốt sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập (trong đó có y tế); Đẩy mạnh tự chủ dịch vụ công; Hoàn thiện khuôn khổ đánh giá, nâng cao trách nhiệm giải trình của đơn vị sự nghiệp công lập trong việc thực hiện chính sách tự chủ; Tăng cường tính công khai, minh bạch của các đơn vị trong thực hiện tự chủ trong các dịch vụ công.

Ngoài ra để nâng cao hiệu quả của cơ chế tự chủ, các ý kiến cũng cho rằng cần nhanh chóng xây dựng, ban hành giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu  với sự tham gia của các cấp, ngành có liên quan bởi xây dựng giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu là nội dung cực kỳ quan trọng trong thực hiện tự chủ tài chính. Các đơn vị thực hiện tự chủ cũng cần tập trung: Đẩy mạnh xã hội hoá, huy động các nguồn lực phát triển hệ thống y tế; Đa dạng hoá các hình thức hợp tác công - tư, bảo đảm minh bạch, công khai, cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt công - tư trong cung cấp dịch vụ y tế; Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở y, tập trung vào cung cấp dịch vụ cao cấp, theo yêu cầu…

Phát biểu tại Hội thảo Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VII Đào Thu Vĩnh Qua cho biết, qua công tác kiểm toán tại BHXH Việt Nam và công tác quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế (BHYT), KTNN đã kiến nghị với Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan, rà soát và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về BHYT, về giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT, về chính sách xã hội hóa trang thiết bị y tế để đảm bảo các quy định được xây dựng đầy đủ, phù hợp. Ngoài ra, KTNN cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ xem xét chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu cho thí điểm xác định mức giá trần của một số loại thuốc để tạo điều kiện cho các cơ sở y tế mua sắm với các công ty cung ứng thuốc, đảm bảo không cao hơn mức giá trần nhằm khắc phục những hạn chế của việc thực hiện đấu thầu hiện nay.

Các đại biểu dự Hội thảo cũng tập trung thảo luận những vấn đề: Thực hiện cơ chế tự chủ tài chính và công tác quản lý điều hành và phối hợp của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương; Thực trạng về cơ chế tự chủ tài chính, những bất cập, hạn chế của cơ chế chính sách và nhận diện những nguyên nhân của chúng; Vai trò của Kiểm toán nhà nước đối với việc góp phần hoàn thiện cơ chế tự chủ tài chính trong các bệnh viện công lập nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các bệnh viện công lập…

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên cho biết,  Hội thảo nhận được 33 bài viết đăng trong Kỷ yếu, 7 bài tham luận được trình bày và 6 ý kiến trao đổi, phát biểu thảo luận trực tiếp tại Hội trường hết sức sôi nổi. Nội dung các bài tham luận và các ý kiến phát biểu đã tập trung thảo luận để tìm ra các giải pháp có tính khả thi cao nhằm giúp cho các cơ quan nhà nước có thêm luận cứ khoa học và thực tiễn, nhằm hoàn thiện cơ chế tự chủ cho các cơ sở y tế công lập, đồng thời cũng giúp cho KTNN hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ  trong việc đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả việc quản lý, sử dụng nguồn lực công phục vụ nhiệm vụ khám, chữa bệnh của nhân dân một cách tốt nhất.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, các ý kiến trao đổi, thảo luận tại Hội thảo sẽ được KTNN nghiên cứu, tiếp thu tối đa để có nhiều đổi mới, sáng tạo và khoa học, xây dựng các giải pháp hữu hiệu, nhằm đáp ứng tốt hơn với những kỳ vọng, niềm tin và sự mong đợi của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân./.
 
Ngọc Bích
   
   

 

Xem thêm »