Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh tiếp xã giao Đoàn chuyên gia đánh giá dự án EU-PFMO

16/01/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Ngày 16/1/2019, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN), Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh đã tiếp Đoàn chuyên gia đánh giá dự án “Hỗ trợ KTNN cải thiện trách nhiệm giải trình, lập báo cáo, tính minh bạch và công tác giám sát hoạt động quản lý tài chính công” (EU-PFMO) do ông Johannes Vrolijk - chuyên gia đánh giá người Hà Lan, Trưởng nhóm đang có chuyến công tác và làm việc tại Việt Nam.

Toàn cảnh buổi tiếp

Cùng tiếp đoàn có Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng Kiểm toán, Q. Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (HTQT) và đại diện lãnh đạo cấp phòng, chuyên viên vụ Hợp tác Quốc tế.

Đây là chuyến công tác đánh giá độc lập giữa kỳ đối với Dự án EU-PFMO do hai chuyên gia độc lập được Liên minh châu Âu thuê thực hiện. Khác với đánh giá cuối kỳ (chủ yếu là để gói lại và rút kinh nghiệm về đối với các Dự án khác), đánh giá giữa kỳ (MTR) được trông đợi là giúp chỉ ra tình trạng hiện tại của Dự án, những khó khăn, vướng mắc và biện pháp nhằm giúp Dự án đạt được mục tiêu đã thống nhất.

Bày tỏ vui mừng đón đoàn Chuyên gia đánh giá giữa kỳ đối với Dự án EU-PFMO đến thăm và làm việc với KTNN Việt Nam, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh hy vọng Đoàn chuyên gia đã có các buổi làm việc, thảo luận hiệu quả với hai Nhóm Công tác và Vụ HTQT trong thời gian làm việc tại Việt Nam. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho rằng, kết quả các buổi làm việc sẽ mang lại những kết quả và thông tin đầy đủ, trung thực và có chất lượng cho EU, góp phần hoàn thiện hơn nữa cơ chế triển khai Dự án trong thời gian tới.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuân Anh đề nghị các Nhóm công tác và Vụ HTQT phối hợp chặt chẽ, cung cấp đầy đủ thông tin làm cơ sở đánh giá cho Đoàn chuyên gia, qua đó cung cấp, đánh giá cấu trúc, cách thức dự án được triển khai; đưa ra các gợi ý xác đáng, đảm bảo KTNN nhận được nhiều lợi ích từ dự án.

Phát biểu tại buổi tiếp, Chuyên gia Johannes Vrolijk cho biết: Mục tiêu của việc đánh giá độc lập đối với việc triển khai Dự án EU-PFMO lần này là chỉ ra kết quả đạt được so với mục tiêu đề ra, và nguyên nhân đưa đến các kết quả đó. Đồng thời, đưa ra các kiến nghị khả thi cho từng vấn đề được xác định, bao gồm các kiến nghị sửa đổi đối với thiết kế dự án hiện tại cũng như các bài học rút ra cho thời gian còn lại của Dự án.

Về mô hình triển khai, Đoàn sẽ đánh giá các vấn về của Dự án đã được thảo luận nhiều lần giữa các Bên liên quan trong quá trình xây dựng, thực hiện và đến thời điểm hiện tại. Đoàn sẽ thực hiện việc đánh giá tại chỗ nhằm thu thập các dữ liệu thứ cấp và tiến hành thực địa nhằm thu thập dữ liệu sơ cấp thông qua các buổi phỏng vấn hoặc thảo luận nhóm với các Bên liên quan; Xử lý dữ liệu nhằm đưa ra các bằng chứng từ các dữ liệu trên trước khi hoàn thành dự thảo và hoàn thiện báo cáo đánh giá.
 

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh chụp ảnh lưu niệm với Đoàn

Theo Kế hoạch của Đoàn chuyên gia, trước khi kết thúc chuyến công tác vào ngày 18/1/2019, Đoàn sẽ có buổi làm việc với đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam. Báo cáo đánh giá sau khi  hoàn thiện sẽ được gửi đến Phái đoàn Liên minh châu Âu và KTNN vào khoảng tháng 2 hoặc tháng 3/2019.

Dự án “Hỗ trợ KTNN cải thiện trách nhiệm giải trình, lập báo cáo, tính minh bạch và công tác giám sát hoạt động quản lý tài chính công” có thời gian thực hiện là 5 năm và chính thức được triển khai từ cuối năm 2017 với cơ quan chủ quản và chủ dự án là KTNN. Mục tiêu của Dự án là cải thiện trách nhiệm giải trình, lập báo cáo, tính minh bạch và công tác giám sát hoạt động quản lý tài chính công nhằm góp phần cải thiện hoạt động quản lý và giám sát tài chính công tại Việt Nam.

Nội dung và các sản phẩm đầu ra của Dự án đã được Tổng Kiểm toán nhà nước thông qua  gồm:

Trụ cột 1: Tăng cường công tác quản lý nhân sự của KTNN tập trung vào đào tạo và tăng cường năng lực cho cán bộ KTNN. Các sản phẩm cụ thể: Báo cáo đánh giá về hoạt động nhân sự của KTNN so với INTOSAI và các thông lệ quốc tế và các khuyến nghị; Bộ tiêu chí về tính chuyên nghiệp và hướng dẫn về cơ chế quản lí dựa trên hiệu quả hoạt động của cán bộ; Bộ mô tả công việc cho các Kiểm toán viên chuyên nghiệp; Báo cáo đánh giá về năng lực của Kiểm toán viên nhà nước và khuyến nghị về các tiêu chí năng lực (kiến thức, kĩ năng…); Báo cáo đánh giá về cơ chế đào tạo và tăng cường năng lực cán bộ của KTNN; hướng dẫn lập kế hoạch đào tạo và phân tích nhu cầu đào tạo; Bản phân tích đầy đủ về nhu cầu đào tạo được tính toán chi phí-lợi ích; hướng dẫn các phương pháp đánh giá nhu cầu đào tạo có thể áp dụng vào thực tiễn ở KTNN; Chương trình đào tạo, giáo trình đào tạo và kế hoạch triển khai đào tạo cập nhật; Chiến lược đào tạo đến năm 2030.

Trụ cột 2: Xây dựng công tác lập kế hoạch, phương pháp kiểm toán, báo cáo và quản lí kiểm toán hiện đại có chất lượng. Các sản phẩm cụ thể: Báo cáo tổng quan về việc áp dụng phân tích rủi ro của KTNN trong hoạt động kiểm toán, bao gồm các khuyến nghị để phù hợp với thông lệ tốt; Hướng dẫn về kế hoạch kiểm toán chiến lược trung hạn; Hướng dẫn sửa đổi về lập kế hoạch kiểm toán năm; Hướng dẫn sửa đổi về lập kế hoạch một cuộc kiểm toán; Cẩm nang kiểm toán tài chính/ tuân thủ; Các biểu mẫu, Hướng dẫn để đáp ứng mọi yêu cầu kiểm toán các lĩnh vực gồm: Doanh nghiệp nhà nước; Dự án đầu tư; Ngân sách (Trung ương và địa phương); Chính sách và hướng dẫn về kiểm soát và đảm bảo chất lượng; Phần mềm IDEA được mua và lắp đặt; Đào tạo và hướng dẫn áp dụng; Hướng dẫn về theo dõi sau kiểm toán; Chiến lược truyền thông toàn diện gắn với chiến lược chung của KTNN; Chính sách trao đổi thông tin với Quốc hội hiệu quả và hướng dẫn đi kèm; Chính sách và hướng dẫn thu thập ý kiến từ đơn vị được kiểm toán để thu được những bài học kinh nghiệm và nâng cao công tác kiểm toán; Khung đo lường hoạt động cho công tác truyền thông và báo cáo hoạt động một cách hiệu quả./.

Diệu Thúy
 

Xem thêm »