Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng "Mong muốn Kiểm toán nhà nước làm tròn trách nhiệm"

15/01/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Sáng 14/01, tại Hà Nội, Kiểm toán nhà nước tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2019. Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Cổng thông tin điện tử Kiểm toán nhà nước trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng tại Hội nghị.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết năm 2018 của KTNN

Thưa đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban tổ chức Trung ương,

Thưa các đồng chí,

Hôm nay, tôi rất vui mừng được đến dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2019 của Kiểm toán nhà nước. Trước hết, tôi xin chuyển tới các đồng chí lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất của đồng chí Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, chúc các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Kiểm toán nhà nước, các vị đại biểu, cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Kiểm toán nhà nước sức khỏe, hạnh phúc và thành công, chúc hội nghị của chúng ta thành công tốt đẹp.

Thưa các đồng chí,

Sau khi nghiên cứu Báo cáo, được lắng nghe trực tiếp, tôi bày tỏ sự nhất trí với Báo cáo tổng kết công tác năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2019 mà đồng chí Phó Tổng kiểm toán nhà nước đã trình bày và cho rằng: trong năm 2018, Kiểm toán nhà nước đã bám sát các nghị quyết, các chủ trương của Đảng và pháp luật của nhànước, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, đánh giá, xác nhận đúng đắn, trung thực, góp phần tích cực vào việc siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng; với sự nỗ lực bảo đảm nguyên tắc độc lập, chỉ tuân theo pháp luật, trung thực, khách quan, công khai, minh bạch, Kiểm toán nhà nước đã hỗ trợ tích cực cho hoạt động của Quốc hội về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, trong đó có việc Quốc hội đã dựa vào các kết quả kiểm toán để xem xét, quyết định và giám sát việc thực hiện dự toán ngân sách nhà nước hàng năm, các kế hoạch tài chính, đầu tư công ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Những kết quả, thành tích và các khó khăn, hạn chế của Kiểm toán nhà nước trong năm 2018 đã được các đồng chí phân tích, đánh giá cụ thể trong báo cáo với thái độ thẳng thắn, cầu thị, xây dựng, hợp tác, tôi thấy nổi bật một số vấn đề đáng chú ý sau đây:

Thứ nhất, mặc dù kết quả kiểm toán chưa tổng hợp hết, nhưng có thể nói con số kiến nghị về xử lý tài chính trong năm 2018 của Kiểm toán nhà nước là rất cao (89.600 tỷ đồng), riêng kiến nghị về tăng thu, giảm chi NSNN là 44.466 tỷ đồng,cao nhất từ trước đến nay. Với kết quả này, Kiểm toán nhà nước đã góp phần tích cực vào việc quản lý hiệu quả ngân sách, tài sản Nhà nước và việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm trong các cơ quan, đơn vị được kiểm toán. Cùng với kiến nghị xử lý tài chính, thì việc kiến nghị hoàn thiện pháp luật về sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 115 văn bản và nhiều văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp với thực tiễn là hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, năm 2018, KTNN đã chuyển sang Cơ quan Cảnh sát điều tra 05 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cung cấp 146 báo cáo kiểm toán, hồ sơ, tài liệu liên quan cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền (như: Ủy ban kiểm tra TW; Ban Nội chính; các cơ quan Quốc hội…) để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát và đã gửi nhiều Báo cáo Chuyên đề cung cấp thông tin phục vụ kịp thời các phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các Đoàn giám sát của Quốc hội.

Haihoạt động kiểm toán đã tập trung đi sâu vào việc đánh giá các vấn đề vĩ mô, đã bám sát các nghị quyết, chủ trương của Đảng và Nhà nước để thực hiện kiểm toán các lĩnh vực nhạy cảm, tiềm ẩn nhiều rủi ro, những vấn đề mà xã hội quan tâm; đã tập trung đánh giá về cơ chế, chính sách để qua đó kịp thời kiến nghị khắc phục, hoàn thiện, chống thất thoát, lãng phí. Chủ động phối hợp với Thanh tra Chính phủ và các ngành hữu quan kiến nghị hoàn thiện công tác quản lý và sử dụng đất đai; việc quản lý và thực hiện các công trình, dự án đầu tư xây dựng; quản lý, sử dụng vốn ODA; nhất là trong công tác cổ phần hóa, việc thoái vốn tại các Doanh nghiệp Nhà nước và đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước; công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng... từ đó, Kiểm toán nhà nước đã phục vụ ngày càng tốt hơn công tác quản lý, điều hành ngân sách nhà nước, dự trữ quốc gia, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, tài chính các cơ quan nhà nước, các đơn vị vũ trang, các đơn vị sự nghiệp công lập và cả đất đai, tài nguyên, khoáng sản và các tài sản khác do nhà nước nắm giữ, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thống nhất tài chính, tài sản của Đảng, Nhà nước.

Ba, Kiểm toán nhà nướcđã tập trung, quyết liệt triển khai có hiệu quả công tác xây dựng và hoàn thiện các văn bản thi hành Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 làm cơ sở pháp lý nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán, cải cách hành chính, giảm bớt các thủ tục rườm rà, hình thức.Các văn bản này phần nào đã đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, tăng thêm tính minh bạch, chính quy, thống nhất trong toàn ngành Kiểm toán nhà nước. Đồng thời, KTNN đã nhanh chóng triển khai các kế hoạch của Đảng đoàn Quốc hội, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015.

Bốn là, Kiểm toán nhà nước cũng đã chủ động hội nhập sâu rộng với các nước và các tổ chức đa phương, trong đó đã có quan hệ hợp tác với nhiều tổ chức, cơ quan kiểm toán có uy tín trên thế giới và đã tổ chức rất thành công Đại hội các cơ quan kiểm toán tối cao Châu Á (ASOSAI) lần thứ 14 diễn ra tại Hà Nội trong tháng 9 năm 2018 và đảm nhiệm vai trò là Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021, đây là điểm nhấn quan trọng của Kiểm toán nhà nước trong hoạt động hợp tác quốc tế.

Với những kết quả đạt được, Kiểm toán nhà nước đã ngày càng có uy tín với quốc tế và tạo được niềm tin với Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Nhân dân. Kiểm toán nhà nước đã thể hiện ngày càng rõ hơn vai trò của mình, giúp cho Quốc hội, Chính phủ nắm được tình hình kịp thời, sát thực tế để tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành trong hoạt động lập pháp và hành pháp. Thay mặt lãnh đạo lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, tôi đánh giá cao và biểu dương những kết quả, thành tích của Kiểm toán nhà nước đã đạt được trong năm 2018. Bản thân tôi học tập ở các đồng chí rất nhiều về quyết tâm chính trị, về trách nhiệm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

Thưa các đồng chí,

Công cuộc đổi mới của chúng ta đang ở giai đoạn quan trọng, bên cạnh thành tựu đạt được chúng ta cũng có những nguy cơ và không ít thách thức. Tình hình thế giới và khu vực đang tiếp tục biến động rất nhanh, tính bất ổn, khó lường gia tăng. Các nước lớn đều có sự điều chỉnh chính sách một cách linh hoạt, đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu chiến lược tập hợp lực lượng, tạo sự cạnh tranh, cọ xát quyết liệt cả về chính trị, quân sự và kinh tế. Với quyết tâm cao, tuy ta đã phấn đấu đạt chỉ tiêu đặt ra nhưng chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế vẫn còn hạn chế, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đã và đang đặt ra nhiều thách thức lớn, đời sống của người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn còn nhiều khó khăn, công tác xây dựng Đảng còn nhiều việc phải làm tiếp, phải làm tốt hơn.

Cho nên: Năm 2019 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020; chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng. Phải phát huy những thành quả đã đạt được, nhưng phải gắn với tình hình thực tế, nhằm khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo, do vậy để thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng và của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019 cũng như cả nhiệm kỳ, trong đó: tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tạo chuyển biến thực chất hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học – công nghệ tiên tiến và tận dụng có hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhằm góp phần thực hiện cá nhiệm vụ quan trọng đó, Kiểm toán Nhà nước cần chủ động, sáng tạo, kiên quyết hơn trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ được giao, đồng thời quan tâm đến một số nội dung trọng tâm như sau:

Một là, phải luôn bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quán triệt và thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào hoạt động của Kiểm toán nhà nước, để đảm bảo hoạt động đúng định hướng, xác định đúng mục tiêu, trọng tâm kiểm toán nhằm cung cấp thông tin xác thực, kịp thời; chủ động phối hợp và kịp thời cung cấp các thông tin, phát hiện kiểm toán nổi bật phục vụ các hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ.

Hai là, khẩn trương nghiên cứu, soạn thảo và trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán nhà nước theo Kế hoạch 735-KH/ĐĐQH14 ngày 18/01/2018 của Đảng đoàn Quốc hội và Nghị quyết số 613/2018/ UBTVQH14 ngày 13/12/2018 về điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2019. Đồng thời, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Kiểm toán nhà nước một cách đầy đủ, hiệu quả, có chất lượng, trong đó chú trọng đến việc sửa đổi, bổ sung các quy trình, phương pháp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, rút ngắn thời gian kiểm toán gắn với công tác cải cách thủ tục hành chính.

Ba là, tăng tường và phát huy tính độc lập của Kiểm toán nhà nước, cũng như của Kiểm toán viên nhà nước, bảo đảm hoạt động công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, chính quy, từng bước hiện đại hóa; đồng thời bảo đảm công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ để không ngừng tăng cường năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động.

Bốn là, kiện toàn công tác cán bộ và không ngừng nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức; quan tâm xây dựng, đào tạo đội ngũ công chức, kiểm toán viên trong sạch, vững mạnh, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, có kiến thức, kinh nghiệm, tính chiến đấu cao; có kỹ năng nghiệp vụ thuần thục, phương pháp công tác khoa học, sâu sát, thận trọng. Đồng thời, phải đề cao đạo đức nghề nghiệp, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ; kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm những cá nhân liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật, những biểu hiện sai trái, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.

Năm là, tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế, khẳng định vai trò  Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021 nhằm tiếp cận, bồi dưỡng cán bộ kiểm toán Việt Nam về nội dung, phương pháp, kỹ thuật kiểm toán hiện đại, tiên tiến trên thế giới, nâng cao vị trí, hình ảnh của cơ quan Kiểm toán nhà nước nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung trên trường quốc tế.

Hiện nay, vị thế của Kiểm toán nhà nước đang được đề cao; quyền hạn, trách nhiệm đã được mở rộng; Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm, ủng hộ, nhưng cũng đòi hỏi, mong muốn Kiểm toán nhà nước làm tròn trách nhiệm của mình là: đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý,sử dụng tài chính công, tài sản công kịp thời, chính xác, minh bạch.

Với kỳ vọng vào chất lượng hoạt động của Kiểm toán nhà nước, Quốc hội mong rằng Kiểm toán nhà nước không để kiểm toán viên Nhà nước, cộng tác viên Kiểm toán nhà nước có những hành vi sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho các đơn vị kiểm toán hoặc can thiệp trái pháp luật vào hoạt động bình thường của các đơn vị được kiểm toán, hoặc báo cáo sai lệch, hoặc không đầy đủ, hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi như đưa – nhận – môi giới hối lộ hoặc tiết lộ bí mật nhà nước.

Với trách nhiệm giám sát tối cao hoạt động của tổ chức bộ máy nhà nước, tới đây, Quốc hội phải tăng cường tạo điều kiện để Kiểm toán thực hiện tốt nhiệm vụ, nhưng cũng sẽ tăng cường nghe báo cáo kết quả kiểm toán và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, có thể sẽ có những phiên giải trình về kết quả kiểm toán với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội theo quy định của pháp luật.

Với tấm lòng tin tưởng, yêu quý với đội ngũ Kiểm toán nhà nước Việt Nam, tôi rất tự hào về sự trưởng thành của đội ngũ kiểm toán Việt Nam. Tôi tin rằng: với khí thế mới, niềm tin mới, các đồng chí sẽ phát huy truyền thống đoàn kết, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, gian khổ, chung sức, chung lòng, phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó cho các đồng chí.

Nhân dịp chuẩn bị đón Xuân mới Kỷ Hợi, thay mặt lãnh đạo Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, tôi xin chúc các vị đại biểu, cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Kiểm toán Nhà nước luôn có nhiều sức khỏe, gia đình hạnh phúc và thành công nhiều hơn trong công tác cũng như trong cuộc sống.

Xin trân trọng cảm ơn.
 

Xem thêm »