UBTVQH phiên họp 26 tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn

14/08/2018
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Ngày 13/8/2018, trong khuôn khổ Phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động giám sát qua hình thức chất vấn và trả lời chất vấn, UBTVQH tổ chức phiên chất vấn. Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến, kiến nghị cử tri và dư luận xã hội, UBTVQH tổ chức chất vấn lĩnh vực liên quan hoạt động của Ủy ban Dân tộc và Bộ Công an. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến và Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm chịu trách nhiệm trả lời chính. Một số thành viên Chính phủ khác sẽ tham gia làm rõ những vấn đề liên quan.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi rõ ràng, ngắn gọn; các Bộ trưởng trả lời cụ thể, xác định trách nhiệm và nêu giải pháp, lộ trình khắc phục những điểm còn hạn chế.
 
Các chính sách dân tộc toàn diện nhưng chưa thực sự đồng bộ

Báo cáo một số nội dung về tình hình thực hiện chính sách dân tộc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, giai đoạn từ năm 2016 đến nay, các Bộ, ngành đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 39 chương trình, chính sách, được thể chế qua 55 văn bản. Chính sách dân tộc tương đối toàn diện trên các lĩnh vực như: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020…Nội dung các chính sách giai đoạn 2016 - 2018 tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giảm nghèo; phát triển sản xuất trong nông lâm nghiệp, thủy sản; giáo dục đào tạo.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, khắc phục tình trạng chính sách dân tộc hiện còn chồng chéo, nhiều đầu mối quản lý, phân tán nguồn lực, khó khăn trong chỉ đạo thực hiện, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ ngành tích hợp, lồng ghép các chương trình, chính sách có cùng mục tiêu, đối tượng, địa bàn thành các chương trình, chính sách lớn nhằm tập trung nguồn lực, đảm bảo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả. Từ 16 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 - 2015, đến nay chỉ còn 2 Chương trình mục tiêu quốc gia và 21 chương trình có mục tiêu. Các Bộ, ngành đã tiến hành rà soát, đề xuất tích hợp, sửa đổi, bãi bỏ và ban hành mới các văn bản hướng dẫn theo hướng giảm bớt số lượng văn bản, tập trung chính sách, nguồn lực, khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp. Trong 03 năm đã tích hợp, sửa đổi, bãi bỏ và ban hành mới với tổng số 29 văn bản chính sách.

Giai đoạn 2016-2018, Ủy ban Dân tộc được giao quản lý, thực hiện 20 đề án, chương trình, chính sách. Kinh phí nhà nước đã cấp để thực hiện 14 chương trình đạt khoảng 56% nhu cầu vốn; đặc biệt chính sách rất quan trọng nhằm giải quyết những khó khăn bức xúc nhất cho đồng bào dân tộc thiểu số chưa được bố trí vốn thực hiện, đó là Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020.

Bên cạnh việc đánh giá những lĩnh vực đạt được kết quả tốt, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến cũng nhận định, hệ thống chính sách dân tộc hiện nay cũng bộc lộ các hạn chế như: Hệ thống chính sách chưa thực sự đồng bộ, thiếu kết nối, vẫn mang tính nhiệm kỳ, ngắn hạn, nội dung còn tản mạn ở nhiều văn bản khác nhau nên việc triển khai thực hiện đạt hiệu quả chưa cao. Việc xử lý chuyển tiếp chậm, lúng túng dẫn đến gián đoạn trong thực hiện chính sách. Công tác phối hợp giữa các cơ quan trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách chưa chặt chẽ. Một số chính sách được xây dựng còn mang tính  chủ quan, chưa sát với đặc điểm vùng miền, văn hóa đặc thù của đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển thiếu bền vững. Cơ chế phân bổ vốn, quản lý, thanh quyết toán các chương trình, chính sách còn nhiều bất cập, khó lồng ghép các nguồn vốn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu sô và miền núi. Chưa có cơ chế đặc thù để phát huy được nội lực người dân, người nghèo trong quá trình hội nhập. Nguồn lực bố trí cho các chính sách dân tộc chưa thể hiện rõ được tính ưu tiên theo đúng mục tiêu đề ra, phải kéo dài thời gian thực hiện….

Tại phiên chất vấn, các Đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc các vấn đề: Việc thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục-đào tạo, y tế…), hạ tầng xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số.

Trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội về giải pháp khắc phục tình trạng chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng miền,  Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đưa ra một số giải pháp như: Phát triển đồng bộ hạ tầng, đặc biệt là giao thông và thông tin; phát triển nguồn nhân lực và giáo dục đào tạo khu vực miền núi; tạo sinh kế, trong đó quan trọng là ổn định dân cư; tuyên truyền để bà con tự lực, tự vươn lên, không trông chờ ỷ lại vào Nhà nước.

Về các giải pháp để thực hiện chính sách dân tộc thời gian tới, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho rằng, về tổng thể các chính sách dân tộc bao phủ hầu hết các mặt từ y tế, văn hoá giáo dục, hạ tầng, sinh kế... Tuy nhiên, trên thực tế, chính sách này chưa thực sự hiệu quả vì một số nguyên nhân sau: có chính sách chỉ khung, chưa xác định rõ nguồn lực; có chính sách chưa cân đối hoặc cân đối thấp; chính sách kéo dài tương ứng nhiệm kỳ nên giữa hai nhiệm kỳ thì chính sách chưa được triển khai liên tục; đồng bào sinh sống ở nơi khó khăn về địa lý,  khí hậu, thiếu đất. Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các địa phương ủng hộ nghiên cứu tích hợp chính sách thành Chương trình mục tiêu Quốc gia 10 năm để khắc phục những điểm còn tồn tại và góp phần thực hiện tốt hơn nữa nhiều chính sách dân tộc.
 
 Toàn cảnh phiên chất vấn

An ninh trật tự cả nước tiếp tục được giữ vững nhưng vẫn còn phức tạp

Báo cáo một số nội dung về công tác an ninh trật tự, an toàn xã hội tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, thời gian qua, tình hình an ninh trật tự trên phạm vi cả nước nói chung và tại các thành phố lớn, các khu công nghiệp nói riêng tiếp tục được giữ vững; tuy nhiên, còn nhiều diễn biến phức tạp, nhất là tại các thành phố lớn và các khu công nghiệp.

Trước tình hình đó, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng Công an toàn quốc triển khai toàn diện các kế hoạch, biện pháp công tác bảo đảm an ninh trật tự chung trên phạm vi toàn quốc. Xác định các địa bàn trọng điểm cần ưu tiên là các thành phố lớn, các khu công nghiệp. Chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án chuyển hóa địa bàn phức tạp về trật tự xã hội; Đề án xây dựng xã, phường không có tệ nạn ma túy. Tại các khu công nghiệp, triển khai việc thành lập một số đồn Công an để đảm bảo phù hợp với tính chất, nhiệm vụ công tác bảo đảm an ninh trật tự tại các địa bàn đặc thù. Riêng về đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự đã xác định 18 địa bàn trọng điểm, trong đó có 10 địa bàn phức tạp nhất về tội phạm có tổ chức để tập trung chỉ đạo phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả...  

Để giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội trên các địa bàn cả nước trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng, ngoài việc tiếp tục chỉ đạo triển khai toàn diện các mặt công tác bảo đảm an ninh trật tự trên phạm vi toàn quốc, thì riêng ở các thành phố lớn, các khu công, lực lượng Công an cần làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo các ban, ngành đoàn thể và nhân dân tham gia, góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác bảo đảm an ninh trật tự. Bên cạnh đó, tăng cường công tác nắm tình hình, đấu tranh có hiệu quả với âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, bọn phản động; rà soát các kế hoạch, phương án phòng, chống khủng bố, bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu trọng điểm, các sự kiện lớn của đất nước; làm tốt công tác phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ đối với các loại tội phạm; xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến tại địa bàn cơ sở…

Sau phần báo cáo của Bộ trưởng Bộ Công an, các Đại biểu chất vấn Bộ trưởng về các nội dung: Công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhất là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp. Công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; tội phạm kinh tế; tội phạm về chức vụ; tội phạm sử dụng công nghệ cao; tội phạm ma túy. Công tác quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đồng tình với đánh giá của các đại biểu Quốc hội về tình trạng xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục đang rất phức tạp. Theo Bộ Trưởng Bộ Công an, nguyên nhân khiến tình trạng xâm hại trẻ em trở lên phức tạp trong thời gian vừa qua chủ yếu do công tác tuyên truyền kiến thức pháp luật hiệu quả chưa cao; phong trào toàn dân tham gia phòng chống tội phạm chưa sâu rộng; sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong giáo dục chưa chặt chẽ; nhiều gia đình chưa quan tâm, thiếu kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em gái; việc tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo tội xâm hại trẻ em chưa kịp thời; công tác thống kê kết quả xử lý tin tố giác tội phạm còn bất cập; kỹ năng xử lý thông tin xâm hại trẻ em còn hạn chế…

Kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét, sau một ngày làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, Phiên chất vấn đã hoàn thành theo đúng chương trình đề ra. Hai Bộ trưởng đã nắm chắc vấn đề, nắm chắc tình hình để giải đáp những câu chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, từng phiên chất vấn, các Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành đã có kết luận cụ thể. Trên cơ sở kết luận phiên chất vấn, Tổng Thư ký Quốc hội sớm có thông báo để làm cơ sở cho các cơ quan, tổ chức thực hiện, cũng là cơ sở để các cơ quan của Quốc hội tiến hành giám sát.

Bế mạc phiên họp 26 của UBTVQH, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá phiên họp đã hoàn thành yêu cầu đề ra. Tại phiên họp lần này, UBTVQH đã cho ý kiến về 08 dự án Luật và xem xét, cho ý kiến, quyết định nhiều nội dung quan trọng khác theo thẩm quyền… Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ, Thường trực Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến của UBTVQH, tiếp tục hoàn chỉnh các dự án Luật, bám sát theo kết luận của từng nội dung đã được UBTVQH thảo luận và cho ý kiến; hoàn thành các Nghị quyết đã được thông qua để ký ban hành.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong tháng 9/2018, UBTVQH sẽ họp phiên thứ 27, dự kiến kéo dài trong 08 ngày với rất nhiều nội dung quan trọng. Do vậy, đề nghị Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan liên quan chủ động, khẩn chương chuẩn bị các nội dung đã dự kiến trong Chương trình phiên họp./.
 
Ngọc Bích
 

Xem thêm »