KTNN và ACCA đồng tổ chức Hội thảo cấp Bộ "Chuyển giá - Những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý hiện nay"

19/07/2018
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Sáng 19/7/2018, tại Hà Nội, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã phối hợp với Hiệp hội kế toán công chứng Vương Quốc Anh (ACCA) tổ chức Hội thảo cấp Bộ "Chuyển giá - Những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý hiện nay". Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên; Quyền Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Nguyễn Đình Hòa; Chủ tịch Ủy ban Hội viên ACCA Việt Nam Phan Vũ Hoàng đồng chủ trì Hội thảo.

Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu đề dẫn Hội thảo

Hội thảo thu hút sự tham dự của gần 200 đại biểu đến từ: Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; đại diện Cục thuế và Hải quan Hà Nội và TP. HCM; PGS.TS.Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam; bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam; đại diện Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư; Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Kinh tế Bộ Tài chính, Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam, Hội Khoa học kinh tế Việt Nam; đại diện các trường đại học Kinh tế quốc dân, Kinh tế TP. HCM, Học viện Tài chính, Fulbright; đại diện Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tập đoàn VNPT, Viettel; ông Phan Vũ Hoàng - Chủ tịch Uỷ ban hội viên ACCA Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Deloitte Việt Nam; bà Nguyễn Thị Minh Châu - Giám đốc ACCA khu vực Mê Kông; đại diện các công ty kiểm toán Deloitte, KPMG, EY Việt Nam...

Về phía KTNN có Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước TS. Hồ Đức Phớc; Phó Tổng Kiểm toán nhà nước GS.TS.Đoàn Xuân Tiên, cùng đại diện Lãnh đạo và Kiểm toán viên các đơn vị tham mưu, KTNN chuyên ngành, khu vực và Lãnh đạo các đơn vị sự nghiệp trực thuộc KTNN.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, nếu mười năm về trước, ở Việt Nam, “chuyển giá” vẫn là một khái niệm mới lạ thì hiện nay nó đã là hoạt động phổ biến không chỉ đối với các doanh nghiệp FDI mà còn xảy ra ở cả các doanh nghiệp trong nước. Mục đích của hoạt động chuyển giá là tối thiểu hóa nghĩa vụ tính nộp thuế trong Tập đoàn, Doanh nghiệp nhằm tối đa hóa lợi nhuận dựa vào chính sách ưu đãi hoặc sự khác biệt về thuế giữa các vùng, miền hay quốc gia. Quá trình hội nhập quốc tế thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của các quốc gia, nhưng cũng xuất hiện nhiều thách thức mới, đặc biệt là công tác chống thất thu ngân sách. "Chuyển giá không những là một hình thức thất thu ngân sách lớn mà còn làm méo mó môi trường kinh doanh, tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế và chứa đựng nhiều rủi ro khác" - Tổng Kiểm toán nhà nước khẳng định.

Việt Nam đã rất nỗ lực xây dựng và ban hành nhiều chủ trương và chính sách nhằm thiết lập và dần dần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chống chuyển giá, chống thất thu ngân sách nhà nước, tạo những cơ sở pháp lý nhất định cho hoạt động của ngành Thuế trong đấu tranh chống chuyển giá của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, hành lang pháp lý về chống chuyển giá ở Việt Nam hiện nay vẫn thiếu đồng bộ, chưa bịt kín lỗ hổng, hiệu lực thấp. Việc thực hành pháp luật trong việc chuyển giá chưa hiệu quả, hiệu lực chưa cao.
 

Toàn cảnh Hội thảo

Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, thời gian qua, KTNN đã tích cực thực hiện chức năng, nghĩa vụ của mình trong kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, đã thu hồi hàng trăm ngàn tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước. Trong đó, có các khoản kiến nghị tăng thu từ hoạt động chuyển giá của đối tượng kiểm toán. Không chỉ các doanh nghiệp FDI mà đến nay có cả nhiều doanh nghiệp nội địa đã có dấu hiệu rõ ràng của việc chuyển giá làm thất thu ngân sách Nhà nước, trong đó có vụ việc tiêu biểu là Sabeco. Dưới góc độ pháp lý, việc kiến nghị của KTNN truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với Sabeco có thể xem như đã gián tiếp chỉ ra một lỗ hổng trong việc quản lý thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, công tác kiểm toán chống chuyển giá chưa bao giờ được đưa ra bàn thảo và triển khai thực hiện một cách chính thức, hệ thống, đầy đủ đúng với bản chất của nó nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật, tăng cường vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước dẫn đến công tác quản lý nhà nước về chuyển giá còn nhiều bất cập và hạn chế.

Theo Tổng Kiểm toán nhà nước, Hội thảo "Chuyển giá - Những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý hiện nay" được KTNN phối hợp với ACCA tổ chức nhằm phân tích, trao đổi quan điểm và nhận diện hoạt động chuyển giá tại Việt Nam, đặc biệt là những bất cập trong việc xác định giá chuyển nhượng trong các giao dịch liên kết hiện nay và vai trò của KTNN. Đồng thời, nêu bật được thực trạng công tác kiểm toán thuế nói chung và kiểm toán chống chuyển giá nói riêng của KTNN, từ đó đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả kiểm toán chống chuyển giá, góp phần chống thất thu ngân sách Nhà nước.

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã đưa ra những nhận định nhận diện vấn đề chuyển giá ở Việt Nam hiện nay và tác động của chuyển giá đối với nền kinh tế; Đánh giá thực trạng công tác quản lý, kiểm soát chống chuyển giá trong những năm gần đây, hạn chế, bất cập và nguyên nhân trong quản lý, giám sát và triển khai thực hiện chống chuyển giá của doanh nghiệp từ góc nhìn pháp luật, chính sách và quản lý tổ chức thực hiện; Những vấn đề đặt ra đối với việc hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật qua thực trạng hoạt động chuyển giá.

Các ý kiến cũng trao đổi, chia sẻ những bài học kinh nghiệm quốc tế trong việc quản lý, kiểm soát chuyển giá của các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như vai trò của cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới trong công tác chống chuyển giá của các doanh nghiệp; Khẳng định vai trò quan trọng của KTNN trong kiểm soát hoạt động chuyển giá dựa trên những nền tảng pháp lý được hiến định trong Hiến pháp, trong Luật KTNN 2015 và những văn bản, quy định khác của Nhà nước; Xác định nội dung, phương pháp và cách thức tổ chức kiểm toán về chuyển giá, việc sử dụng kiến nghị kiểm toán của KTNN trong quản lý nhà nước về chuyển giá... Đồng thời đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp kiểm soát hoạt động chuyển giá...

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn - Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng do bản chất của hành vi chuyển giá rất phức tạp, nên khó khăn lớn nhất trong công tác chống gian lận chuyển giá hiện nay chính là nhiều người làm công tác kiểm toán, nghiên cứu về lĩnh vực này vẫn hiểu một cách khá sơ sài. Bên cạnh đó, hệ thống pháp lý về chuyển giá hiện nay vẫn chưa hoàn chỉnh cùng với thiết chế pháp lý chưa đủ mạnh khiến nhiều Doanh nghiệp, Tập đoàn lớn lợi dụng chuyển giá…

Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, đóng góp của khu vực FDI vào nền kinh tế Việt Nam tương đối lớn, nhưng chưa thực sự tương xứng với những ưu đãi mà Nhà nước Việt Nam đã tạo điều kiện cho khu vực doanh nghiệp này. Tình trạng doanh nghiệp FDI kê khai lỗ đang tương đối cao và liên tục tăng; nhóm doanh nghiệp báo lỗ, mất vốn và âm vốn chủ sở hữu cũng đang tăng lên, trong khi đó, các doanh nghiệp này lại mở rộng quy mô đầu tư. Để khắc phục tình trạng trên, Việt Nam không nên thu hút FDI bằng mọi giá, mà chỉ chọn những doanh nghiệp mang giá trị thực sự, đối với những doanh nghiệp không tuân theo chuẩn mực kinh doanh thì không chấp nhận, không ưu đãi, nhận nhượng quá mức với các Tập đoàn lớn.

Từ thực tế hoạt động chuyển giá của Công ty Hualon Corporation Việt Nam, Metro Việt Nam, PGS Lê Xuân Trường - Trưởng khoa Thuế - Hải quan, Học viện Tài chính cho rằng, chuyển giá tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh giữa các chủ thể kinh tế. Khi một doanh nghiệp được hưởng lợi về nghĩa vụ thuế thông qua hành vi chuyển giá, doanh nghiệp này sẽ thu lợi cao hơn những doanh nghiệp khác có cùng điều kiện nhưng không thực hiện hành vi chuyển giá.

Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán (KTNN) Ngô Minh Kiểm đề xuất: Để nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát chuyển giá, cần xây dựng và hoàn thiện pháp luật về chống chuyển giá và tiến tới ban hành Luật Chống chuyển giá; Xây dựng chính sách thuế đảm bảo công bằng về quyền lợi và nghĩa vụ thuế giữa các thành phần kinh tế, khu vực và địa bàn; Thu hẹp khoảng cách về các ưu đãi thuế giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương. Đồng thời, phải có chế tài xử phạt theo hướng tăng mức phạt và hình thức phạt đối với các trường hợp chuyển giá để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Bên cạnh đó, ông Ngô Minh Kiểm cho rằng, sửa đổi Luật KTNN theo hướng quy định rõ KTNN thực hiện chức năng kiểm toán thu ngân sách tại các đối tượng nộp thuế (kể cả các doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) sẽ là hết sức cần thiết để chống thất thu cho NSNN.

PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán – Kiểm toán Việt Nam nhấn mạnh, kiểm toán gian lận chuyển giá là loại hình kiểm toán đặc biệt không chỉ thuần túy là kiểm tra đánh giá, xác nhận độ tin cậy của các thông tin về hoạt động kinh doanh, hoạt động tài chính của doanh nghiệp, mà quan trọng hơn là đánh giá và xác nhận sự tuân thủ luật pháp trong việc định giá trong các giao dịch vốn, tài sản, hàng hóa giữa các thành viên trong nhóm liên kết, đánh giá tác động của các chính sách giá giao dịch nội bộ đến nghĩa vụ nộp thuế của các thành viên cũng như cả tập đoàn. Chính vì vậy, cần nhận thức kiểm toán chuyển giá có sự gắn kết chặt chẽ với kiểm toán báo cáo tài chính, nhưng hoàn toàn không giống với kiểm toán báo cáo tài chính. “Do đó kiểm toán về chuyển giá cần chú trọng kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động. Kiểm toán cần đánh giá sự tuân thủ luật pháp trên tất cả các khía cạnh của chuyển giá như đăng ký, thực hiện các giao dịch liên kết trong việc mua bán, trao đổi, thuê, cho thuê, chuyển giao hoặc chuyển nhượng hàng hóa, dịch vụ, việc định giá, giám sát và thẩm định chất lượng tài sản, hàng hóa, dịch vụ chuyển giao. Đồng thời, cần triển khai và đi sâu kiểm toán hoạt động, đánh giá tính kinh tế, tính hiệu quả và tính hữu hiệu của các hoạt động chuyển giao vốn, tài sản, hàng hóa, dịch vụ giữa các thành viên” – ông Đặng Văn Thanh nói.
 
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên phát biểu bế mạc Hội thảo

Để tăng cường hoạt động KTNN đối với gian lận chuyển giá, PGS.TS Đặng Văn Thanh đề nghị: Cần xác định rõ đối tượng kiểm toán đối với hoạt động gian lận chuyển giá chính là các giao dịch giữa các doanh nghiệp có quan hệ liên kết nhằm thực hiện mục tiêu, chiến lược kinh doanh. Đồng thời, đối tượng kiểm toán gian lận chuyển giá còn là các chủ thể có nghĩa vụ kiểm soát đối với hoạt động chuyển giá ở Việt Nam như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước.

Phát biểu bế mạc, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước GS.TS Đoàn Xuân Tiên cảm ơn và đánh giá cao các bài tham luận, các ý kiến đóng góp chất lượng tại Hội thảo. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước khẳng định, Lãnh đạo KTNN và Lãnh đạo các đơn vị nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến trao đổi, thảo luận tại Hội thảo để KTNN có nhiều đổi mới, sáng tạo và khoa học, xây dựng các giải pháp hữu hiệu, đạt được nhiều thành tựu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao phó, nhằm đáp ứng tốt hơn với những kỳ vọng, niềm tin và sự mong đợi của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và của nhân dân./.

M.Thúy
 

Xem thêm »