Tổng số nợ phải trả của doanh nghiệp Nhà nước là hơn 1,6 triệu tỷ đồng

28/05/2018
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Tiếp tục Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội dành 01 ngày 28/5/2018 thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước (TSNN) tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011-2016. Trong đầu buổi sáng ngày 28/5/2018, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (UBKT) của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, TSNN tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011-2016.

Toàn cảnh phiên họp

Theo Chủ nhiệm UBKT của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Đoàn giám sát nhận thấy hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, TSNN tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011-2016 đã từng bước được hoàn thiện trong thời gian qua. DNNN tiếp tục góp phần quan trọng trong xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Hoạt động của các DNNN đã có những bước chuyển biến tích cực.
 
Cuối 2016 cả nước còn 583 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, 273 doanh nghiệp cổ phần. Tổng tài sản tại DNNN giữ 100% là hơn 3,05 triệu tỷ đồng (tăng 45,8%), trong đó vốn Nhà nước gần 1,4 triệu tỷ. Hầu hết các doanh nghiệp đều có lãi và số lãi tăng; có những Tập đoàn tỷ suất lợi nhuận cao như Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội (Viettel) là 43,5%, Tập đoàn Cao su Việt Nam là 30,4%, Tổng công ty Mía đường là 29,9%...
 
Qua 11 năm triển khai bán vốn Nhà nước, công tác bán vốn của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) từng bước được chuẩn hóa và mang tính chuyên nghiệp, đến 30/9/2017 kết quả bán vốn thu được gấp 3,4 lần giá vốn. 
 
Chủ nhiệm UBKT của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo

Tổng số nợ phải trả của DNNN tăng từ gần 1,3 triệu tỷ đồng năm 2011 lên hơn 1,6 triệu tỷ đồng năm 2016

Đoàn giám sát chỉ rõ những mặt còn tồn tại, hạn chế của DNNN như: Hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư; vẫn còn những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, thất thoát, tham nhũng, lãng phí, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Tổng số nợ phải trả của DNNN tăng 26% so với năm 2011, từ gần 1,3 triệu tỷ đồng lên hơn 1,6 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2016; hiệu suất sinh lời trên vốn kinh doanh của các DNNN đạt 2,1% năm 2015, thấp hơn nhiều so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (năm 2015 là 5,5%). Một số doanh nghiệp hoạt động yếu kém, làm ăn thua lỗ, tỷ lệ nợ phải trả trên tổng tài sản cao, như Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Than & Khoáng sản Việt Nam (TKV) hay Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)...

Lũy kế tính đến 31/12/2016, DNNN đã đầu tư ra nước ngoài trên 7 tỷ USD, có 25,5% dự án báo lỗ, 29% dự án lỗ lũy kế. Lợi nhuận được chia cho bên Việt Nam năm 2016 là 145 triệu USD - tương đương trung bình 2% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện. Nhiều dự án đang tiềm ẩn rủi ro về pháp lý tại nước sở tại (như bị rút ngắn thời gian triển khai dự án, tranh chấp đất đai) và rủi ro thị trường (như giá đầu ra giảm mạnh) ảnh hưởng lớn đến hiệu quả dự án...

Trước những bất cập trong quản lý tài sản, vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước, Đoàn giám sát của Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục chấn chỉnh hoạt động của các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước theo nghị quyết của Đảng và Quốc hội. Từ đó, chỉ đạo, xử lý nghiêm các trường hợp xác định giá trị doanh nghiệp không đúng quy định của pháp luật để trục lợi, gây thất thoát tài sản, vốn nhà nước.
 
Đoàn giám sát của Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ xây dựng chế tài xử lý đối với các trường hợp không hoặc chậm thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước. Báo cáo Quốc hội về trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong việc để xảy ra tồn tại, hạn chế và các vi phạm về quản lý sử dụng vốn, TSNN tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN, đồng thời làm rõ kết quả xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu.
 
Sai phạm trong xác định sai lệch giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá nhằm chiếm dụng vốn
 
Theo kết quả giám sát, đã có 571 doanh nghiệp cổ phần hoá trong 6 năm qua, các chỉ số kinh doanh tại hầu hết DNNN đều tăng sau bán vốn Nhà nước, tổng tài sản tăng 39%, doanh thu 29%, thu nhập bình quân của người lao động 33%... Đến cuối 2015, các tập đoàn TCT Nhà nước đã thoái vốn được gần 10.000 tỷ đồng.

Theo Chủ nhiệm UBKT của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, quan giám sát cho thấy, tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ ở các công ty cổ phần còn cao, lượng cổ phần chào bán ra công chúng đạt thấp so với phương án cổ phần hóa doanh nghiệp, có nhiều Tổng công ty tỷ lệ bán ra ngoài được rất nhỏ, chỉ khoảng 1% -2% vốn điều lệ, dẫn đến chưa đạt mục tiêu của cổ phần hóa là đổi mới quản trị và thu hút vốn từ bên ngoài

Đến tháng 8/2017, còn 747 doanh nghiệp cổ phần hóa chưa đăng ký lưu ký và giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán; chậm bàn giao các doanh nghiệp đã cổ phần hóa về SCIC. 
 
Theo Đoàn giám sát Quốc hội, tồn tại chủ yếu của DNNN trong cổ phần hoá là sai phạm trong xác định sai lệch giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá nhằm chiếm dụng vốn. Có trường hợp xác định giá trị doanh nghiệp vượt quá 18 tháng nhưng không thực hiện các thủ tục xác định lại giá trị doanh nghiệp.

Khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá, còn có trường hợp doanh nghiệp không tính hoặc tính thiếu giá trị quyền sử dụng đất, dẫn đến giá đất xác định thấp hơn giá thị trường. Sau cổ phần hoá, doanh nghiệp không đưa đất vào sử dụng mà tự ý chuyển mục đích sử dụng đất và không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo quy định, còn để tình trạng đất bị lấn chiếm...

Thay mặt Đoàn giám sát của Quốc hội, Chủ nhiệm UBKT của Quốc hội Vũ Hồng Thanh kiến nghị Quốc hội:
 
Tăng cường giám sát; ban hành Nghị quyết về nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn, TSNN và cổ phần hóa DNNN; cho phép nghiên cứu sự cần thiết luật hóa chính sách thu cổ tức, lợi nhuận từ vốn đầu tư và cổ phần hóa DNNN.
 
Quốc hội giao Kiểm toán nhà nước kiểm toán việc quản lý, sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp; giao Chính phủ trình Quốc hội Nghị quyết về “Việc quản lý và sử dụng nguồn thu từ thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp” và hàng năm báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện của Quỹ này.

Với Chính phủ, đề nghị chỉ đạo cấm và xử lý nghiêm các trường hợp xác định giá trị doanh nghiệp không đúng quy định của pháp luật để trục lợi, gây thất thoát tài sản, vốn nhà nước, cũng như làm rõ kết quả xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu.

Các Bộ được đề nghị bàn giao phần vốn hiện đang quản lý về Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp theo lộ trình; nộp đầy đủ các khoản thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp theo quy định./.

Nguyễn Dũng
 

Xem thêm »