KTNN tọa đàm chuyên đề nâng cao đạo đức Kiểm toán viên và kỹ năng đối phó với hành vi tiêu cực

23/03/2018
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Sáng 22/3/2018, tại Trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) – 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, KTNN tổ chức tọa đàm trực tuyến chuyên đề nâng cao đạo đức Kiểm toán viên(KTV) và kỹ năng đối phó với hành vi tiêu cực. Vụ Trưởng Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán Ngô Minh Kiểm, Phó Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán (Trường) Nguyễn Đình Hòa đồng chủ trì Tọa đàm.Tọa đàm có sự tham dự của lãnh đạo cấp vụ, phòng và KTV các đơn vị của KTNN.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Giám đốc Trường Nguyễn Đình Hòa cho biết, theo khảo sát nhanh thực hiện đối với khách mời tại Hội thảo kinh tế Việt Nam thường niên lần thứ 10, “Liêm chính” là nội dung khó thực hiện nhất trong phương châm hoạt động năm 2018 của Việt Nam. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của việc nâng cao đạo đức công vụ trong các cơ quan Nhà nước. KTNN nhận rõ tầm quan trọng của việc nâng cao đạo đức KTV trong triển khai nhiệm vụ của KTNN, cũng như đóng góp trong việc xây dựng Chính phủ “Liêm chính và hành động”. Vì vậy tọa đàm được tổ chức tại thời điểm trước khi các đơn vị của KTNN tiến hành kiểm toán theo kế hoạch kiểm toán 2018.

Vụ Trưởng Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán Ngô Minh Kiểm cho rằng, trong những năm qua lãnh đạo KTNN luôn rất quan tâm tới việc nâng cao đạo đức và kỹ năng đối phó với hành vi tiêu cực cho KTV. KTNN xây dựng riêng Chuẩn mực KTNN số 30- Bộ Quy tắc đạo đức nghề nghiệp quy định toàn diện về các giá trị và các nguyên tắc hướng dẫn công việc của Kiểm toán viên nhà nước, được xây dựng phù hợp với những quy định, yêu cầu chung về đạo đức của công chức nhà nước và đặc thù nghề nghiệp kiểm toán. Vụ Trưởng Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán đề xuất, tại Tọa đàm, các diễn giả nên tập trung vào các nội dung: Thực trạng và các nguy cơ ảnh hưởng tới đạo đức KTV trong hoạt động kiểm toán; Các giải pháp nhằm nâng cao đạo đức KTV, đặc biệt là các kỹ năng ứng phó với các hành vi tiêu cực.

Vụ Trưởng Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán Ngô Minh Kiểm phát biểu
 
Tọa đàm về các nguy cơ ảnh hưởng tới đạo đức KTV trong hoạt động kiểm toán, Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực I Lê Thị Hồng Hạnh cho rằng, vì đặc thù nghề nghiệp kiểm toán cùng với những thách thức của điều kiện kinh tế xã hội hiện nay, KTV nhà nước đối diện với không ít nguy cơ ảnh hưởng đến đạo đức KTV như các nguy cơ: Tư lợi khi KTV nhận được lợi ích tài chính hoặc lợi ích khác từ đơn vị được kiểm toán; Quan hệ ruột thịt khi KTV được thực hiện kiểm toán tại các đơn vị có những mối quan hệ thân thích; Bị đe doạ; Bị mua chuộc; Từ chính lối sống buông thả, thiếu lành mạnh của KTV. Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực I cho rằng, nguyên nhân của những nguy cơ trên là do một bộ phận KTV chưa nhận thức được vai trò và trách nhiệm của mình, bị một số nguy cơ, lợi ích về vật chất, tài chính, lợi ích khác… ảnh hưởng làm mất đi tính độc lập, đạo đức hành nghề cần thiết của mỗi KTV.

Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV Trần Văn Hồng đánh giá, trên thực tế các hành vi tiêu cực vi phạm đạo đức KTV có thể rất đa dạng như: Sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đơn vị được kiểm toán;  Che đậy, báo cáo sai lệch, không đầy đủ các sai phạm của đơn vị được kiểm toán; Thiên vị,bênh vực, dễ dàng chấp nhân nhận, dễ dàng thông cảm với đơn vị được kiểm toándo có mối quan hệ thân quen hoặc trước đây đã từng làm việc tại đơn vị được kiểm toán; Lợi dụng nhiệm vụ công việc của mình để tiết lộ thông tin về tình hình và kết quả kiểm toán chưa được công bố chính thức hoặc các thông tin của đơn vị được kiểm toán cho mục đích riêng…

Thảo luận các giải pháp nâng cao đạo đức KTV, Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán Bùi Thanh Lâm cho rằng, KTV nhà nước phải chấp nhận và có nghĩa vụ: Tuân thủyêu cầu về tính liêm chính, độc lập và khách quan nhằm đảm bảo các kết luận và kiến nghị kiểm toán xác thực và hợp lý; , thường xuyên trau dồi, nâng cao trình độ, năng lực và kỹ năng chuyên môn nhằm đảm bảo khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao; tăng cường tính thận trọng nghề nghiệp và bảo mật thông tin nhằm bảo đảm sự đúng đắn, khách quan của các kết quả, kết luận, kiến nghị kiểm toán; đảm bảo thực hiện trách nhiệm bảo mật trong hoạt động kiểm toán.

Bàn về kỹ năng đối với với hành vi tiêu cực trong  hoạt động kiểm toán, Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI Lê Minh Nam đề xuất cần quan tâm đến một số biện pháp: Tăng cường công tác tăng cường giáo dục, đào tạo, nâng cao nhận thức, ý thức cho KTV; Các đơn vị phải xây dựng môi trường làm việc tích cực, thuận lợi cho việc xây dựng văn hóa tự giá chấp hành quy định về đạo đức, có cơ chế thi đua, thưởng, phạt trong việc chấp hành quy định về đạo đức; Xây dựng và cụ thể hóa các quy định về đạo đức nghề nghiệp gắn với công việc và đối tượng kiểm toán; Nâng cao vai trò gương mẫu của cán bộ lãnh đạo; Tăng cường công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán…

Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành Ia Đào Văn Dũng cho rằng “Công khai – Minh bạch” trong mọi hoạt động kiểm toán là gốc rễ để các đơn vị hạn chế những tiêu cực, những nguy cơ ảnh hưởng tới đạo đức nghề nghiệp KTV. Cần nâng cao vai trò gương mẫu của người lãnh đạo từ cấp Tổ trưởng, Trưởng đoàn đến Kiểm toán trưởng.

Giám đốc Trường Lê Đình Thăng thì cho rằng, để đối phó với hành vi tiêu cực, dự phòng rủi ro nghề nghiệp, mỗi KTV cần luôn thận trọng trong hành động; luôn ghi nhớ rằng “phía sau hành động của mình là danh dự của gia đình, đồng nghiệp, của Ngành và chính bản thân mình”.

Phát biểu kết luận Tọa đàm, Vụ Trưởng Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán Ngô Minh Kiểm đánh giá cao ý kiến tham luận của các diễn giả -  những cán bộ lãnh đạo có nhiều kinh nghiêm thực tế trong các hoạt động nâng cao đạo đức KTV và kỹ năng đối phó với hành vi tiêu cực. Ông Ngô Minh Kiểmcho rằng việc tuân thủ và áp dụng những quy định về đạo đức đối với các KTV nhà nước sẽ làm tăng uy tín và độ tin cậy của KTV nói riêng và toàn Ngành nói chung, quyết định đến sự tồn tại và phát triển của KTNN. “Các giải pháp, kỹ năng được bàn thảo tại Tọa đàm là những kiến thức, bài học quan trọng để các đơn vị tham khảo, học hỏi để nâng cao hơn nữa đạo đức nghề nghiệp KTV nhà nước, tạo điều kiện quan trọng để KTNN hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ của mình” – ông Ngô Minh Kiểm nhấn mạnh. /.

Ngọc Bích
 
 
 
 
 
 
 

Xem thêm »