Nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Nội dung, phương pháp đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong kiểm toán đầu tư công”

04/01/2018
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

 
Tham dự có các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu và thành viên của Ban đề tài.
 
Báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu của đề tài, PGS.TS Nguyễn Đình Hòa, Chủ nhiệm đề tài cho biết: Thời gian qua nguồn lực đầu tư công đã đóng vai trò quyết định đến việc hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam, song cũng bộc lộ nhiều tồn tại thách thức đòi hỏi tiếp tục phải đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư công, đặc biệt trong bối cảnh yêu cầu bền vững tài khoá. Để góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư công đòi hỏi phải có sự tham gia của hệ thống các cơ quan quan kiểm tra, kiểm toán, thanh tra để từ đó có những đánh giá nhận xét và kiến nghị đối với đầu tư công. Để giúp Quốc hội có cơ sở thực hiện giám sát việc thực hiện Đề án tái cơ cấu nền kinh tế và Chính phủ điều hành, quản lý đầu tư công một cách hiệu quả, KTNN với chức năng đánh giá việc quản lý tài chính công, tài sản công cần tổ chức kiểm toán đầu tư công để có những đánh giá và kiến nghị có giá trị với Quốc hội và Chính phủ.
 
Do vậy, trong bối cảnh này việc triển khai nghiên cứu đề tài “Nội dung và phương pháp đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong kiểm toán đầu tư công” là hết sức cần thiết.
 
Đề tài được kết cấu gồm 3 chương: Chương 1. Những vấn đề lý luận cơ bản về đầu tư công, quản lý đầu tư công và kiểm toán đầu tư công của KTNN; Chương 2. Thực trạng kiểm toán đầu tư công của KTNN trong thời gian qua và những vấn đề đặt ra; Chương 3. Nội dung và phương pháp đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong kiểm toán đầu tư công tại Việt Nam.
 
Mục tiêu nghiên cứu của đề tài nhằm xác định rõ nội dung và phương pháp đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong kiểm toán đầu tư công một cách hệ thống và khoa học phù hợp với thực tiễn Việt Nam, từ đó KTNN có cơ sở xây dựng chương trình kiểm toán đầu tư công nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng; có những ý kiến tư vấn cho Quốc Hội, Chính phủ trong giám sát, quản lý điều hành vĩ mô đầu tư công và tái cơ cấu đầu tư công phù hợp và hiệu quả.
 
Nhóm tác giả đã tiếp cận, phân tích nội dung đề tài thông qua: Phân tích, tổng hợp, so sánh; Phương pháp suy luận logic và phương pháp thống kê và mô hình kinh tế lượng; Phân tích những vấn đề lý luận cơ bản về đầu tư công, quản lý đầu tư công, kiểm toán hoạt động đầu tư công của KTNN; Đánh giá thực trạng quản lý đầu tư công của Chính phủ và kiểm toán đầu tư công của KTNN tại Việt Nam; Xác định mục tiêu, phạm vi, xây dựng nội dung, quy trình và phương pháp,đặc biệt xác định một số tiêu chí cơ bản đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong kiểm toán hoạt động đầu tư công tại Việt Nam và đưa ra các giải pháp và kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả kiểm toán hoạt động đầu tư công.
 
Đánh giá kết quả nghiên cứu của đề tài về tính lý luận, thực tiễn, giải pháp, kiến nghị, giá trị sử dụng, ứng dụng của đề tài, các thành viên Hội đồng cơ bản cho rằng: Đề tài hệ thống hóa những vấn đề lý luận cơ bản về đầu tư công, quản lý đầu tư công và kiểm toán đầu tư công của KTNN; đánh giá thực trạng kiểm toán trong lĩnh vực đầu tư công của Kiểm toán nhà nước trong thời gian qua; khảo sát kinh nghiệm kiểm toán đầu tư công ở một số nước tiên tiến và rút ra 03 bài học kinh nghiệm cho KTNN Việt Nam.
 
Bên cạnh đó, Đề tài đã trình bày nội dung và phương pháp đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong kiểm toán đầu tư công tại Việt Nam: Xây dựng các tiêu chí đánh giá khi tiến hành kiểm toán hoạt động đầu tư công tại Việt Nam (xác định tiêu chí đánh giá tính kinh tế; xác định tiêu chí đánh giá tính hiệu lực; xác định tiêu chí đánh giá tính hiệu quả); phạm vi và phương pháp kiểm toán đầu tư công; các kiến nghị và giải pháp thực hiện kiểm toán hoạt động đầu tư công.
 
Đề tài có giá trị thực tiễn, kết quả nghiên cứu có thể áp dụng trong quá trình xây dựng nội dung và phương pháp đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong kiểm toán đầu tư công tại Việt Nam.
 
Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa giá trị của đề tài, các thành viên trong Hội đồng khoa học đề nghị các tác giả nghiên cứu, xem xét một vài nội dung: Cần thống nhất trong đề tài về kiểm toán hoạt động trong kiểm toán đầu tư công (tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả); Lý giải rõ kiểm toán đầu tư công là gì, kiểm toán hoạt động trong kiểm toán đầu tư công để từ đó xác định đúng đối tượng, mục tiêu của kiểm toán hoạt động trong kiểm toán đầu tư công; Căn cứ nào để KTNN thực hiện kiểm toán nội dung này (tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả); Cần xác định phạm vi và phương pháp kiểm toán đầu tư công là phạm vi và phương pháp kiểm toán hoạt động trong kiểm toán đầu tư công; Làm rõ hơn về thực trạng công tác kiểm toán trong lĩnh vực đầu tư công của KTNN đảm bảo cân đối so với các nội dung khác của đề tài./.
 
D.Thúy

Xem thêm »