Toàn văn bài phát biểu của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Kiểm toán Nhà nước

14/07/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google



Thưa toàn thể các quý vị đại biểu,
 
Thưa các đồng chí và các bạn,

Tôi rất vui mừng được đến dự Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Kiểm toán Nhà nước. Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi xin gửi tới các quý vị đại biểu, cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của Kiểm toán Nhà nước lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
 
Ngày kỷ niệm này nhắc chúng ta nhớ đến ý nghĩa của việc cách đây 20 năm, trong công cuộc đổi mới đất nước và tiến trình cải cách nền hành chính quốc gia, bộ máy nhà nước Việt Nam đã có thêm công cụ quyền lực đảm bảo việc giám sát một cách khách quan, minh bạch việc quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công, là cơ quan Kiểm toán Nhà nước; đồng thời cũng nhắc chúng ta phải không ngừng phấn đấu để xây dựng Kiểm toán Nhà nước với đội ngũ cán bộ kiểm toán có trình độ nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp để trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao vì nền tài chính quốc gia minh bạch và bền vững.

Trong 20 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước ngày càng được khẳng định, trong đó quan trọng nhất là đã chính thức được quy định trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội khóa XIII thông qua năm 2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2014. Điều này cho thấy Kiểm toán Nhà nước đã có những bước tiến quan trọng cả về chất lượng và quy mô.
 
Bên cạnh đó, với việc Uỷ ban thường vụ Quốc hội phê duyệt Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đã thể hiện sự phát triển của Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020 đã xác định rõ định hướng phát triển Kiểm toán Nhà nước cả giai đoạn trước mắt và lâu dài.
 
Thưa các đồng chí và các bạn,
 
Trong những năm qua, thông qua kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã cung cấp nhiều thông tin bổ ích cho Quốc hội trong quá trình xem xét phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước, quyết định dự toán ngân sách nhà nước; phục vụ cho hoạt động giám sát của Quốc hội; cung cấp thông tin có tính chuyên môn cao giúp Hội đồng nhân dân các cấp trong việc thực hiện giám sát và phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương; giúp các Bộ, ngành cải thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước.
 
Đặc biệt, các kết luận và kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước đã giúp Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành thấy rõ những bất cập trong hệ thống các văn bản pháp luật hiện hành cũng như những thiếu sót cần khắc phục trong việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước để có giải pháp cụ thể nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, thiết lập lại các trật tự, kỷ cương trong sử dụng ngân sách nhà nước, đảm bảo công khai, minh bạch trong quản lý tài chính, tài sản công, phát hiện và ngăn chặn những thất thoát, lãng phí trong chi tiêu Ngân sách nhà nước, đồng thời góp phần tích cực trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
 
Với việc công khai kết quả kiểm toán được thực hiện đúng quy định của Luật Kiểm toán nhà nước đã tạo được sự đồng thuận của các đơn vị được kiểm toán, cũng như dư luận xã hội. Đặc biệt, thời gian gần đây, với việc đẩy mạnh kiểm toán hoạt động, đánh giá việc thực hiện các chính sách, chủ trương, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đánh giá tính kinh tế, tính hiệu lực và hiệu quả trong việc quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công.
 
Bên cạnh đó, hoạt động đối ngoại, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế của Kiểm toán Nhà nước cũng ngày càng hiệu quả hơn và phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế của đất nước trong tình hình mới.
 
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được trên chặng đường xây dựng và phát triển của tập thể cán bộ, công chức, viên chức của Kiểm toán Nhà nước trong 20 năm qua.
 
Thưa các đồng chí và các bạn,
 
Quá trình xây dựng và phát triển của Kiểm toán Nhà nước là quá trình phát triển của một lĩnh vực mới, nên không tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót như các đồng chí đã thẳng thắn nêu trong báo cáo. Tuy 20 năm chưa phải là dài so với nhiều tổ chức, cơ quan khác ở trong nước, cũng như so với các cơ quan kiểm toán tối cao của các nước trên thế giới, nhưng cũng không phải là ngắn để Kiểm toán Nhà nước có thể nhìn lại quá trình hoạt động của mình. Nhân dịp này tôi muốn nhấn mạnh một số điểm để các đồng chí nghiên cứu thêm:
 
Thứ nhất, chúng ta đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước có nhiều thuận lợi, nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Với vị thế là thể chế độc lập được quy định trong Hiến pháp, do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, Kiểm toán Nhà nước cần tiếp tục không ngừng đổi mới, xây dựng và phát triển xứng đáng với vị thế mới, đồng thời thực hiện tốt Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020. Vì vậy, các đồng chí cần tiếp tục phấn đấu hơn nữa để nâng cao hiệu lực của các kiến nghị kiểm toán, mà muốn làm được điều này, thì các kết luận kiểm toán phải trung thực, đúng đắn, được đưa ra từ những kiểm toán viên có trình độ nghề nghiệp vững vàng, có đạo đức trong sáng, vô tư và khách quan.
 
Thứ hai, phải chú trọng đến việc đổi mới các loại hình kiểm toán, trong đó đi sâu vào việc đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công nhằm cung cấp thông tin tin cậy, trung thực, chính xác, kịp thời, đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành của Chính phủ, yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng nguồn lực Ngân sách nhà nước và sử dụng tài sản công.
 
Kiểm toán Nhà nước phải phát hiện và chỉ ra một cách khách quan những vấn đề đúng, sai, những ưu điểm, khuyết điểm để giúp các đơn vị được kiểm toán thấy rõ những ưu điểm cần phát huy, cùng những sai sót, khuyết điểm để khắc phục; đồng thời chỉ ra những hạn chế, bất cập của các cơ chế, chính sách hiện hành để kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
 
Muốn làm được điều này, bên cạnh sự ủng hộ và giám sát của Quốc hội, Chính phủ và nhân dân, còn cần tới sự tự giác và tinh thần trách nhiệm, sự tu dưỡng đạo đức của mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, kiểm toán viên nhà nước. Vì vậy, các đồng chí phải quan tâm, chú trọng đến việc nâng cao chất lượng, năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động kiểm toán, đổi mới phương pháp, cách thức tiến hành kiểm toán sao cho hiệu quả, chuyên nghiệp trên tinh thần cải cách hành chính, xác định đúng vấn đề cần kiểm toán, kiểm toán kịp thời; đồng thời phải thường xuyên tăng cường giáo dục, bồi dưỡng trình độ và đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên. Kiểm toán không chỉ tìm ra cái đúng, các sai của đơn vị khác, người khác, mà còn cần phải “kiểm” ngay chính bản thân mình để thường xuyên giữ gìn và nâng cao uy tín nghề nghiệp. Chú trọng công tác tuyển dụng, lựa chọn, đào tạo những cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ chuyên môn giỏi, gắn với việc củng cố tổ chức, bộ máy, làm tốt công tác xây dựng Đảng, thực hiện rộng rãi có chiều sâu cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
 
Thứ ba, cần tiếp tục mở rộng hơn nữa quan hệ phối hợp với các cơ quan hữu quan, trong đó có các cơ quan của Quốc hội để nâng cao hiệu quả công tác, hiệu lực của các kết luận và kiến nghị kiểm toán;  đồng thời góp phần tăng cường năng lực giám sát của Quốc hội. Các đồng chí cần chủ động và tích cực phát triển quan hệ hợp tác quốc tế, học tập có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài, thực hiện tốt các thỏa thuận hợp tác với các tổ chức quốc tế và cơ quan kiểm toán trên thế giới, tăng cường vị thế của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam trên trường quốc tế.
 
Thưa các đồng chí và các bạn,
 
Để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động Kiểm toán nhà nước, Quốc hội sẽ tiếp tục chỉ đạo sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh tổ chức và hoạt động của Kiểm toán nhà nước đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, trong đó trước mặt tập trung vào việc sửa đổi Luật Kiểm toán Nhà nước để trình Quốc hội vào tháng 10 theo đúng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.
 
Tôi mong các đồng chí - những người làm công tác kiểm toán và Kiểm toán Nhà nước sẽ tiếp tục phát huy truyền thống “công minh, chính trực, nghệ tinh, tâm sáng”, phát huy những thành tích đã đạt được, cố gắng nỗ lực cao nhất để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xây dựng cơ quan Kiểm toán Nhà nước uy tín, chuyên nghiệp và hiện đại, góp phần làm mạnh nền tài chính quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Chúc các đồng chí thành công nhiều hơn nữa trong trách nhiệm và vinh dự của mình./.

Xem thêm »