Nâng cao chất lượng hoạt động phối hợp công tác: Kết quả và bài học từ triển khai quy chế phối hợp công tác giữa KTNN với các địa phương Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế

06/10/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Xác định vai trò quan trọng của công tác phối hợp giữa KTNN và HĐND, UBND các tỉnh trong việc triển khai những nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của KTNN, đến nay KTNN đã ký Quy chế phối hợp công tác (QCPH) với 75 Bộ ngành, Thường trực HĐND và UBND các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Mới đây tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã tổ chức Hội nghị sơ kết, ký Quy chế phối hợp công tác (QCPH) giữa KTNN với Thường trực HĐND, UBND tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Tại Hội nghị, các Bên đã thảo luận, đánh giá, nêu lên những ưu điểm, chỉ ra những tồn tại, bất cập, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm nhằm đảm bảo việc triển khai hoạt động phối hợp công tác giữa KTNN và HĐND, UBND các tỉnh ngày càng hiệu quả.

Những kết quả đạt được
 
Đánh giá về những kết quả đã đạt được sau gần 5 năm thực hiện QCPH giữa KTNN và 05 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Hồng Thái, Kiểm toán trưởng KTNN Khu vực II cho biết, việc ký kết và tổ chức thực hiện QCPH đã tạo cơ sở quan trọng để HĐND tỉnh cùng với KTNN kiểm soát, giám sát các hoạt động quản lý tài chính, ngân sách ở địa phương. “Các địa phương đã có cơ sở đề nghị KTNN thực hiện kiểm toán những nội dung mà địa phương thấy cần thiết để phục vụ cho việc quản lý, giám sát ngân sách của địa phương. Việc ký QCPH cũng đã giúp nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán tại các địa phương; đồng thời tăng cường mối quan hệ giữa KTNN với HĐND, UBND 05 tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng hoạt  động của mỗi cơ quan”, ông Thái nhấn mạnh.

Ông Lê Xuân Đại, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho rằng những thông tin, dữ liệu trao đổi giữa KTNN và thường trực HĐND, UBND Nghệ An đã có tác dụng tích cực cho các cấp chính quyền, cơ quan chức năng của tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, lập dự toán ngân sách, phòng chống tham nhũng, lãng phí; đồng thời, phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân được giao quản lý, sử dụng tiền và tài sản nhà nước.
 
Đại diện UBND tỉnh Hà Tĩnh,  ông Nguyễn Thiện - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng QCPH góp phần nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, thẩm tra, xây dựng nghị quyết của HĐND tỉnh và công tác chỉ đạo, điều hành ngân sách của UBND; đặc  biệt là khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý, điều hành tài chính ngân sách trên địa bàn, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương.
 
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình ghi nhận báo cáo kết quả kiểm toán đã cung cấp những thông tin quan trọng để HĐND tỉnh quyết định nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách cho năm sau. “Kết quả kiểm toán cũng là cơ sở pháp lý để Ban Pháp chế của HĐND tỉnh thẩm tra báo cáo về tình hình phòng chống tham nhũng, lãng phí trình HĐND tại các kỳ họp thường lệ theo quy định của pháp luật”, bà Hương nói.  

Ông Nguyễn Duy Tân, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Quảng trị nhận xét thông qua việc kiểm tra tài chính, KTNN đã chỉ ra những điểm bất hợp lý trong việc xác định những chỉ tiêu thu, nhiệm vụ chi NSNN và tình hình chấp hành dự toán thu-chi ngân sách; góp phần tạo lập căn cứ để xây dựng dự toán NSNN cho những năm sau nhằm thu đúng, thu đủ, chống thất thu cho NSNN; đồng thời kiến nghị việc phân bổ NSNN cho các ngành, lĩnh vực, địa phương một cách hợp lý, thực hành tiết kiệm và nâng cao hiệu quả trong việc sử dụng nguồn lực tài chính.

Ông Lê Trường Lưu – Phó Bí thư tỉnh ủy – Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết UBND tỉnh và các đơn vị được kiểm toán trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của KTNN với Thường trực HĐND - UBND tỉnh trong việc công bố Quyết định kiểm toán, bao gồm nội dung, phạm vi; thời gian, đơn vị được kiểm toán, thành phần Đoàn Kiểm toán, đường dây nóng của Lãnh đạo Đoàn Kiểm toán, Lãnh đạo kiểm toán Nhà nước Khu vực II... để cùng kiểm tra, giám sát chung hoạt động của các đơn vị cũng như của bản thân Đoàn kiểm toán.
 
Những hạn chế, tồn tại

Ghi nhận các kết quả đạt được nhưng Hội nghị cũng đã thẳng thắn thừa nhận những hạn chế, tồn tại trong quá trình triển khai QCPH giữa các Bên thời gian qua.

Ông Nguyễn Hồng Thái, Kiểm toán trưởng KTNN Khu vực II cho rằng hoạt động công khai kết quả kiểm toán và phối hợp trong việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán thời gian qua của các địa phương vẫn còn hạn chế.  Việc tham dự các cuộc họp của HĐND tỉnh và phối hợp, góp ý vào các văn bản, chính sách của địa phương của KTNN vẫn còn khá “khiêm tốn” do các tỉnh chưa chú trọng tới công tác này. Việc triển khai các cuộc kiểm toán ở địa phương đôi khi còn có sự trùng lặp giữa các cuộc kiểm toán (do khu vực và chuyên ngành tiến hành); trùng lắp giữa kiểm toán và thanh tra dẫn tới tình trạng các địa phương phải dành nhiều thời gian cho các hoạt động này.
 
Đồng quan điểm với ông Thái, ông Nguyễn Duy Tân, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Quảng trị cũng cho biết hiện nay còn quá nhiều cơ quan thanh tra, kiểm tra lĩnh vực tài chính Nhà nước, dẫn đến tình trạng trùng lặp, chồng chéo, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra, kiểm tra.

Ý kiến của Thường trực HĐND Tỉnh Nghệ An thì cho rằng mặc dù đã có sự phối hợp trong việc lựa chọn nội dung, đơn vị kiểm toán nhưng kết quả còn hạn chế. HĐND chưa chủ động yêu cầu KTNN về nội dung, đơn vị cần được kiểm toán, chưa chủ động phối hợp với KTNN để kiểm tra, đánh giá hoạt động ngân sách, tài chính – tài sản ở địa  phương. Mặt khác, do báo cáo kết luận của kiểm toán cuối năm thường có sau các kỳ họp HĐND cuối năm nên việc sử dụng báo cáo kiểm toán trong thẩm tra và quyết định phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương hàng năm và làm cơ sở cho quyết định dự toán ngân sách năm sau của HĐND kết quả chưa như mong đợi”.
 
Ông Lê Trường Lưu – Phó Bí thư tỉnh ủy – Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thừa nhận sự phối hợp giữa các Bên trong công tác xây dựng dự toán ngân sách địa phương thời gian qua còn khá “khiêm tốn”. Thời gian tới, các Bên cần phối hợp tốt hơn nữa trong công tác này và trong trường hợp cần thiết tỉnh cần gửi dự thảo dự toán ngân sách địa phương cho KTNN để KTNN tham gia ý kiến.
 
Sự hạn chế trong công tác trao đổi thông tin phục vụ cho thực hiện kế hoạch kiểm toán tại địa phương cũng là một trong những nguyên nhân khiến hoạt động phối hợp công tác giữa KTNN và HĐND tỉnh còn có kết quả chưa đạt như kỳ vọng, bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình phát biểu.
 
Một số giải pháp đề xuất
 
Để tăng cường mối quan hệ giữa KTNN với HĐND, UBND 05 tỉnh, theo đề xuất của ông Nguyễn Hồng Thái, Kiểm toán trưởng KTNN Khu vực II  thì về phía KTNN cần tập trung vào một số nhiệm vụ như hoàn thiện các quy định của pháp luật điều chỉnh mối quan hệ giữa KTNN với HĐND, UBND các cấp trong hoạt động kiểm toán, đặc biệt là cần tập trung vào việc tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật KTNN (sửa đổi) để xây dựng các chế định pháp luật nhằm thực hiện nhiệm vụ của từng cơ quan hiệu quả hơn. “KTNN cũng cần tập trung đổi mới hoạt động kiểm toán ngân sách địa phương theo hướng đi sâu vào kiểm toán hoạt động đối với công tác quản lý tài chính ngân sách trên địa bàn từ đó giúp cho HĐND, UBND một cách thiết thực hơn. Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu có sự kết hợp trong việc chỉ đạo, điều hành hoạt động kiểm toán để giảm thiểu sự phiền hà đối với địa phương” ông Thái bổ sung.

Về phía các tỉnh, ông Thái đề nghị UBND các tỉnh tăng cường chỉ đạo, điều hành các cơ quan quản lý tài chính tổng hợp ở địa phương phối hợp chặt chẽ với đoàn kiểm toán nhằm cung cấp kịp thời, đầy đủ số liệu, tình hình và thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra; Chỉ đạo các đơn vị thụ hưởng ngân sách, ban quản lý dự án thuộc kế hoạch kiểm toán của KTNN thực hiện nghiêm túc kế hoạch về thời gian. Bố trí đầy đủ nhân lực, chuẩn bị đầy đủ tài liệu, số liệu và những nội dung liên quan đến cuộc kiểm toán;  Đề nghị HĐND sớm cung cấp cho KTNN những thông tin, vấn đề cơ bản về ngân sách địa phương đến những đặc thù ngân sách trong niên độ kiểm toán; tăng cường công tác đôn đốc, chỉ đạo việc thực hiện kiến nghị kiểm toán.
 
Ông Nguyễn Thiện, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng để nâng cao chất lượng của hoạt động phối hợp công tác hai Bên cần tăng cường phối hợp trong công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức về lĩnh vực tài chính, ngân sách cho đại biểu HĐND tỉnh hoạt động chuyên trách; công tác tuyên truyền một số Dự án Luật, văn bản quy phạm pháp luật. Các Bên cũng cần chú trọng hơn nữa sự phối hợp trong hoạt động giám sát, thẩm tra, quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách, quản lý và điều hành ngân sách địa phương.
 
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình đề xuất hoạt động kiểm toán ngân sách địa phương nên hoàn thành trước khi HĐND phê chuẩn quyết toán Ngân sách địa phương (kỳ họp thường kỳ cuối năm). “KTNN nên quan tâm thực hiện kiểm toán hoạt động trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách, chương trình mục tiêu, kịp thời phát hiện các hạn chế, tồn tại để kiến nghị sửa đổi, điều chỉnh, bãi bỏ cho phù hợp” bà Hương bổ sung.
 
Ông Nguyễn Duy Tân, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Quảng trị kiến nghị “Cần xác định rõ đối tượng, phạm vi hoạt động, quyền hạn và trách nhiệm của KTNN; đồng thời, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của KTNN với các cơ quan thanh tra, kiểm tra lĩnh vực tài chính Nhà nước và có sự phối kết hợp chặt chẽ trong hoạt động của các cơ quan này, đảm bảo tính đồng bộ và hiệu lực trong quản lý kinh tế - tài chính của địa phương”.  Đối với hoạt động của KTNN, ông Tân đề xuất KTNN nên tham gia kiểm toán trong lĩnh vực lập dự toán ngân sách hàng năm của địa phương thay vì chỉ chủ yếu tập trung vào hậu kiểm, kiểm tra tính đúng đắn, tính hợp pháp của báo cáo quyết toán ngân sách như hiện nay.
 
Tổng Kiểm toán Nguyễn Hữu Vạn cho biết trong năm 2015, KTNN sẽ tăng cường công tác kiểm toán báo cáo ngân sách của các địa phương, qua đó cung cấp thông tin làm căn cứ để HĐND thông qua quyết toán ngân sách hàng năm. Trong năm 2015, KTNN cũng sẽ lựa chọn các chuyên đề mang tính toàn quốc để kiểm toán chuyên sâu ở các địa phương, tập trung vào một số lĩnh vực như: chi cho sự nghiệp khoa học, chi cho sự nghiệp giáo dục, chương trình xây dựng nông thôn mới…Năm 2015, KTNN tập trung đổi mới về xây dựng kế hoạch kiểm toán trên cơ sở đánh giá rủi ro để xác định các trọng yếu kiểm toán. Điều này sẽ giúp đơn giản hóa các kế hoạch kiểm toán và giảm bớt các đầu mối kiểm toán đang phân tán như hiện nay ở các địa phương.

“Để KTNN và Thường trực HĐND và UBND các tỉnh nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, công tác phối hợp giữa các bên rất quan trọng. KTNN rất mong nhận được sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa của các tỉnh từ khâu xây dựng kế hoạch kiểm toán, thực hiện các hoạt động kiểm toán đến các hoạt động thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, cũng như các hoạt động giám sát, thẩm tra, quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách, quản lý và điều hành ngân sách địa phương; giám sát hoạt động của đoàn kiểm toán và của kiểm toán viên nhà nước” Tổng Kiểm toán Nguyễn Hữu Vạn nói./.

Ngọc Bích

Xem thêm »