Kỳ họp lần thứ tám, Quốc hội Khóa XIII: Quốc hội xem xét nhiều vấn đề quan trọng về kinh tế-xã hội trước khi bước vào năm 2015

21/10/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - 8h sáng ngày 20/10/2014, Quốc hội khoá XIII nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 8 tại Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình mới - Thủ đô Hà Nội. Phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII được Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam tường thuật trực tiếp để cử tri và đồng bào cả nước cùng theo dõi.

Khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 8 tại Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình mới - Thủ đô Hà Nội.

Dự phiên khai mạc có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư: Lê Khả Phiêu, Nông Ðức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch nước Trần Ðức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; nhiều vị khách mời, các bậc lão thành cách mạng, các vị đại biểu Quốc hội, đại diện Đoàn ngoại giao và các tổ chức quốc tế tại Hà Nội. Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn đã dự Phiên khai mạc.       

Đoàn Chủ tịch phiên khai mạc gồm: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; các Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Nguyễn Thị Kim Ngân, Uông Chu Lưu, Huỳnh Ngọc Sơn.     

Nỗ lực phấn đấu , thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014     

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội diễn ra trong lúc kinh tế thế giới đang có dấu hiệu phục hồi, nhưng còn chậm; an ninh chính trị, xung đột vũ trang, dịch bệnh ở một số nơi diễn biến phức tạp tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế-chính trị khu vực và toàn cầu. Ở trong nước, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiềm chế, kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng trưởng đang trên đà phục hồi, thu ngân sách đạt khá; an sinh xã hội, các chính sách giảm nghèo được quan tâm triển khai đồng bộ; quốc phòng được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác cải cách tư pháp, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội được tích cực triển khai. Công tác đối ngoại tiếp tục được mở rộng, vị thế của nước ta trong khu vực và trên thế giới được nâng cao.
        
Mặc dù vậy, tình hình kinh tế-xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, yếu kém, đe dọa tới sự phát triển bền vững của đất nước; việc tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế còn nhiều lúng túng và thực hiện khó khăn, tổng cầu của nền kinh tế tăng chậm; tồn kho hàng hóa còn ở mức cao, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu; năng suất lao động, hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; an ninh tài chính, tiền tệ chưa vững chắc; nợ công, nợ doanh nghiệp, cân đối ngân sách chưa có giải pháp xử lý hiệu quả, bền vững; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn. Tình hình tội phạm, tệ nạn, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục diễn biến phức tạp làm lòng dân bất an. Tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
        
"Tình hình đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải quyết tâm cao hơn nữa, có các chủ trương, giải pháp căn cơ, đồng bộ để tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phục hồi đà tăng trưởng, phát triển hạ tầng, nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải cách tư pháp và hoàn thiện thể chế; toàn dân đoàn kết một lòng nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 và 5 năm 2011-2015, tạo đà phát triển nhanh, bền vững trong các năm tiếp theo." - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị.   

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII dành khoảng 2/3 thời gian cho công tác xây dựng pháp luật       

Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét nhiều vấn đề quan trọng về kinh tế-xã hội trước khi bước vào năm 2015, năm cuối cùng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015. Quốc hội sẽ thông qua 18 dự án luật và 3 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến về 12 dự án luật khác. "Đây là số lượng dự án luật lớn nhất được xem xét thông qua, cho ý kiến tại một kỳ họp từ trước đến nay; trong đó có nhiều dự án quan trọng, liên quan đến việc tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế, tổ chức bộ máy nhà nước, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cải cách hành chính, cải cách tư pháp... theo tinh thần và nội dung của Hiến pháp mới" - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết.

                          
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc kỳ họp
    
Được biết, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII sẽ xem xét các báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014; kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015 và ban hành các Nghị quyết của Quốc hội về các nội dung quan trọng này.  
    
Đặc biệt, kỳ họp này còn tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là lần thứ hai Quốc hội thay mặt cử tri và đồng bào cả nước thực hiện việc đánh giá tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy nhà nước. Với ý thức trách nhiệm và sự chuẩn bị chu đáo, kỹ càng, Quốc hội tin tưởng sẽ hoàn thành tốt trách nhiệm hệ trọng này trước Nhân dân, trước Đảng và Nhà nước.
    
Tại kỳ họp, Quốc hội tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015”; nghe báo cáo tổng hợp ý kiến kiến nghị của cử tri, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7, báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, thi hành án, phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, tệ nạn xã hội...; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Quốc hội cũng sẽ dành thời gian xem xét Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.
 
Quốc hội nghe nhiều báo cáo kinh tế - xã hội quan trọng; dự án Luật kiểm toán nhà nước (sửa đổi) trong ngày khai mạc phiên họp

                          
Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn trình bày Tờ trình về dự án Luật kiểm toán nhà nước (sửa đổi)     

Trong phiên khai mạc sáng nay, Quốc hội đã nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015; Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri.
    
Tiếp đó, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, thay mặt Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế-xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015; Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014; Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014; Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo Phạm Vũ Luận, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi trình bày Báo cáo thẩm tra về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
    
Buổi chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2014; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015; Chủ nhiệm Uỷ ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2014; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015.
    
Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt; Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt.
    
Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi).
    
Cũng trong buổi chiều ngày 20/10/2014, Quốc hội đã nghe Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn trình bày Tờ trình về dự án Luật kiểm toán nhà nước (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật kiểm toán nhà nước (sửa đổi).
    
Thứ ba, ngày 21-10-2014, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Tình hình kinh tế-xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015; Kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2014; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015./.

Khánh Vy

Xem thêm »