Hết năm 2015: Đưa nợ xấu về mức khoảng 3%; Hoàn thành CPH 432 DNNN

21/10/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Báo cáo tình hình kinh tế- xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015 do Thủ tướng Chính phủ trình bày trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII cho thấy, việc thực hiện Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước được đẩy mạnh và đạt hiệu quả thiết thực. 9 tháng đầu năm 2014, Chính phủ đã cơ bản hoàn thành tái cơ cấu các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém; dự kiến cả năm 2014, Chính phủ sẽ cổ phần hóa khoảng 200 doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015 tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII

Hết năm 2015 đưa nợ xấu về mức khoảng 3%

9 tháng đầu năm 2014, Chính phủ đã đẩy mạnh thực hiện Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng. Cơ bản hoàn thành tái cơ cấu các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém, giảm 7 tổ chức tín dụng, năng lực tài chính của ngân hàng thương mại tăng lên, an toàn hệ thống được bảo đảm. Đã xử lý 53,6% tổng số nợ xấu được xác định trong Đề án bằng thu hồi nợ, tái cơ cấu nợ, sử dụng dự phòng rủi ro và mua lại nợ xấu qua Công ty quản lý tài sản (VAMC)

  
Đến hết tháng 9/2014 đã xử lý trên 53,6% tổng số nợ xấu thông qua thu nợ, bán phát mại tài sản đảm bảo, bán nợ, cơ cấu lại nợ và sử dụng dự phòng rủi ro; trong 9 tháng VAMC đã mua trên 50 nghìn tỷ đồng (tổng số nợ xấu đã mua lũy kế đến nay khoảng 90 nghìn tỷ đồng).
    
Số dư quỹ dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng tính đến tháng 8/2014 là 78,5 nghìn tỷ đồng để tiếp tục xử lý nợ xấu. Tính bình quân chung, giá trị tài sản bảo đảm cao gấp hơn 2 lần số nợ vay. Tỷ lệ an toàn vốn của hệ thống các tổ chức tín dụng tại thời điểm tháng 8/2014 là 12,42% (quy định pháp luật tối thiểu là 9%).
    
Cơ cấu nguồn vốn của các tổ chức tín dụng dịch chuyển theo hướng ổn định hơn và ít phụ thuộc vào thị trường liên ngân hàng; trong đó tỷ lệ huy động trên thị trường liên ngân hàng trong tổng huy động giảm từ 17,9% vào tháng 12/2012 còn 15,6% vào tháng 12/213 và 13,73% vào tháng 9/2014.
    
Năm 2015, Chính phủ sẽ tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị và chất lượng tín dụng; giảm thiểu rủi ro, bảo đảm an toàn hệ thống. Hoàn thành Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng. Đẩy mạnh xử lý nợ xấu, phát triển thị trường mua bán nợ. Có cơ chế phù hợp để hoàn thiện chức năng, tăng thêm nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động của Công ty quản lý tài sản (VAMC). Bảo đảm đến hết năm 2015 đưa nợ xấu về mức khoảng 3% như kế hoạch đề ra.
 
Năm 2014 sẽ cổ phần hóa khoảng 200 doanh nghiệp
    
Từ đầu năm 2014 đến nay, Chính phủ đã tăng cường quản lý và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Tập trung vào cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Ban hành các cơ chế chính sách tháo gỡ vướng mắc trong cổ phần hóa và thoái vốn.
    
Trong kế hoạch cổ phần hóa 432 doanh nghiệp giai đoạn 2014 - 2015, qua 9 tháng đã cổ phần hóa 71 doanh nghiệp (gần bằng cả năm 2013 là 74 doanh nghiệp) và đã công bố giá trị 123 doanh nghiệp, dự kiến cả năm sẽ cổ phần hóa khoảng 200 doanh nghiệp. Thoái vốn đầu tư ngoài ngành 9 tháng đạt 3.500 tỷ đồng, gấp 3,6 lần cả năm 2013.
    
Hầu hết các tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm ăn có lãi, vốn chủ sở hữu được bảo toàn và phát triển, đóng góp vào ngân sách nhà nước tăng. Đang triển khai thực hiện tái cơ cấu các công ty nông, lâm nghiệp theo Nghị quyết của Bộ Chính trị
    
Trong 9 tháng đã sắp xếp 92 doanh nghiệp nhà nước, trong đó cổ phần hóa 71, giải thể 2, bán 1, sáp nhập 15 và đề nghị phá sản 3 doanh nghiệp. Trong kế hoạch cổ phần hóa 432 doanh nghiệp giai đoạn 2014-2015, đã có 368 doanh nghiệp thành lập được Ban chỉ đạo, 257 doanh nghiệp đang xác định giá trị doanh nghiệp, 123 doanh nghiệp đã có quyết định công bố giá trị doanh nghiệp,  71 doanh nghiệp đã được cổ phần hóa, trong đó có 35 doanh nghiệp đã bán đấu giá cổ phần lần đầu trên sàn giao dịch chứng khoán.
    
Năm 2013, tổng tài sản của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tăng 10,4% so với năm 2012; vốn chủ sở hữu tăng 15%; doanh thu tăng 5%; 101/108 tập đoàn, tổng công ty nhà nước có lãi; lợi nhuận trước thuế tăng 21%; tỷ suất lợi nhuận bình quân trên vốn chủ sở hữu 17,6%; nộp ngân sách nhà nước tăng 25%; hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 1,59 lần (theo quy định của pháp luật không quá 3 lần). Trong 6 tháng đầu năm 2014, tổng doanh thu của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đạt 50,5%; tổng lợi nhuận trước thuế đạt 57,1%; tổng số nộp ngân sách nhà nước đạt 54,1% kế hoạch cả năm.
    
Năm 2015, Chính phủ sẽ tập trung thực hiện khẩn trương, chặt chẽ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Bán phần vốn nhà nước trong các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần giữ cổ phần chi phối. Nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước. Khuyến khích xã hội hóa trong sản xuất kinh doanh; phát triển nhanh doanh nghiệp tư nhân và kinh tế hợp tác.
    
Dự kiến đến hết năm 2015, sẽ hoàn thành việc cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo Đề án đã được phê duyệt./.
 
Khánh Vy

Xem thêm »