Tọa đàm về chống chuyển giá: Giải pháp linh hoạt và chính sách phù hợp

29/10/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Sáng ngày 29/10/2014, tại 16 Lê Hồng Phong - Ba Đình - Hà Nội, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức Tọa đàm trực tuyến về chủ đề: “Chống chuyển giá: Giải pháp linh hoạt - chính sách phù hợp”. Cuộc tọa đàm được tổ chức nhằm cung cấp thông tin chính xác cũng như giải pháp mà các cơ quan quản lý đang và sẽ áp dụng thực thi trong việc chống chuyển giá hiện nay tại Việt Nam; nhằm đưa ra những giải pháp chống thất thu ngân sách Nhà nước, mặt khác tạo tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ thể kinh tế.

Chương trình có sự tham gia của các khách mời - Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính; Ông Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế.

Có thể khẳng định vai trò của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong 26 năm qua là khá rõ nét. Các dự án FDI góp phần tăng thu ngân sách, là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho công cuộc phát triển kinh tế, đưa Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên những thông tin gần đây về việc hàng loạt doanh nghiệp FDI lỗ giả-lãi thật, chuyển giá, trốn thuế được xem là một dấu hiệu không tốt cho môi trường đầu tư kinh doanh hiện nay ở nước ta. 

Theo thông báo mới đây của Tổng cục Thuế, 8 tháng đầu năm 2014, cơ quan quản lý thuế đã tiến hành thanh tra 1.958 doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, truy thu 1.317 tỉ đồng, giảm lỗ 4.129 tỉ đồng và giảm khấu trừ thuế 82,8 tỉ đồng. Được biết, trong tháng 10/2014, Tổng cục thuế đã huy động lực lượng tiến hành thanh tra chuyển giá tại công ty Metro Cash&Carry Việt Nam. Việc thanh tra chuyển giá ở Metro được Tổng cục Thuế xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong chống chuyển giá. Dự kiến năm 2015, trong tổng số doanh nghiệp mà ngành thuế kiểm tra sẽ tập trung vào 15 - 20% doanh nghiệp kê khai lỗ và có dấu hiệu chuyển giá.

Đáng chú ý là hiện tượng chuyển giá hiện không chỉ tập trung chủ yếu ở khu vực doanh nghiệp FDI như trước mà đã có dấu hiệu lan sang cả một số doanh nghiệp trong nước, điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế, làm thất thu ngân sách Nhà nước và gây tác động xấu tới môi trường kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam.

Thực tế, trong thời gian qua, chuyển giá vẫn là vấn đề gây nhức nhối cho cơ quan quản lý khi hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế có thể đã thất thoát vì hành vi này. Mặc dù Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đã có những giải pháp, nhưng với lực lượng thanh tra còn mỏng, việc theo dõi, phát hiện và xử lý chuyển giá vẫn gặp những khó khăn. Các cơ quan quản lý nhà nước nói chung và ngành Thuế nói riêng đã nhận thức rõ tầm quan trọng phải tăng cường hoạt động chống chuyển giá trong quản lý thuế. Bởi vậy, trên cả phương diện tạo lập khuôn khổ pháp lý và tổ chức thực hiện pháp luật về chống chuyển giá những năm qua đều thể hiện những nỗ lực lớn của ngành Thuế và các cơ quan có liên quan. Thực tế cho thấy, số vụ chuyển giá được phát hiện và xử lý chưa được nhiều so với số lượng các doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá. Bên cạnh đó, có thể có một số không nhỏ các doanh nghiệp khác cũng đã thực hiện hành vi chuyển giá nội địa nhưng chưa được kiểm tra phát hiện và xử lý, bởi vì, thực tế đã có cơ sở để xuất hiện hành vi chuyển giá nội địa, đó là các quy định về thuế suất ưu đãi và miễn giảm thuế có thời hạn. 

Theo các chuyên gia, để chống chuyển giá, cần phải có hành lang pháp lý về chống chuyển giá hoàn thiện; thu hẹp các ưu đãi thuế; giao quyền điều tra cho cơ quan thuế; thành lập bộ phận tình báo thuế ở Tổng cục Thuế; cần phải có bộ phận chuyên trách về thu thập thông tin phục vụ hoạt động thanh tra thuế nói chung và chống chuyển giá nói riêng ở tầm quốc gia và trực tiếp xử lý các vấn đề về thông tin ở tầm quốc tế; hoàn thiện hệ thống thông tin, dữ liệu về người nộp thuế; cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong quản lý thuế nói riêng và quản lý nhà nước nói chung./.

Khánh Vy

 

 

Xem thêm »