Kiểm toán nghĩa vụ nộp NSNN để tăng cường hiệu quả thu ngân sách

10/11/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Một trong những điểm mới trong Dự thảo Luật KTNN (sửa đổi) đó là quy định bổ sung nhiệm vụ của KTNN thực hiện kiểm toán nghĩa vụ nộp NSNN. Bên hành lang kỳ họp Quốc hội, PV Báo Kiểm toán đã trao đổi với một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) xung quanh nội dung này.


ĐBQH Đặng Đình Luyến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Kiểm toán thuế để làm cơ sở chỉ đạo, giám sát việc thu ngân sách

Tôi cho rằng, việc sửa đổi Luật KTNN lần này là hết sức cần thiết để đảm bảo sự phù hợp, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về vai trò, địa vị pháp lý của KTNN. Đồng thời, việc sửa đổi Luật lần này cũng phải khắc phục được những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện của Luật KTNN hiện hành.

Đối với quy định về kiểm toán nghĩa vụ nộp NSNN. Đây là một điểm mới và là nội dung quan trọng của dự thảo Luật KTNN (sửa đổi) lần này. Bởi vì, thực tế trong những năm qua, công tác thu thuế bên cạnh những mặt được thì vẫn còn hạn chế nhất định, nhất là việc thu chưa đảm bảo quy định. Có không ít các DN, tổ chức nợ thuế, trốn thuế. Vì vậy, tôi cho rằng, việc kiểm toán nghĩa vụ nộp NSNN là rất cần thiết. Qua công tác kiểm toán, KTNN sẽ xem xét, phát hiện kịp thời ra các DN, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm đóng thuế mà chây ì, trốn tránh nghĩa vụ, nợ thuế, qua đó làm cơ sở để các cơ quan thẩm quyền có trách nhiệm đôn đốc, chỉ đạo, giám sát để công tác thu thuế đạt hiệu quả tốt hơn.


 
ĐB Đặng Đình Luyến (Ảnh: Đăng Khoa)

ĐBQH Khúc Thị Duyền (Thái Bình): Kiểm toán để chống thất thu thuế

Việc sửa đổi Luật KTNN trong giai đoạn hiện nay là hoàn toàn phù hợp. Bởi vì trong giai đoạn vừa qua, việc thực hiện Luật KTNN, mặc dù có rất nhiều đổi mới trong công tác quản lý cũng như thực hiện các nội dung, định hướng kiểm toán. Tuy nhiên, trong thực tế còn rất nhiều bất cập như trong báo cáo của KTNN cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách đã nêu. Hơn nữa, Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên đã hiến định địa vị pháp lý của KTNN nên việc sửa đổi Luật KTNN còn để phù hợp với tinh thần của Hiến pháp.

Riêng đối với quy định về kiểm toán nghĩa vụ nộp NSNN, cá nhân tôi hoàn toàn đồng tình với quy định này trong dự thảo Luật. Theo quan điểm của tôi, bất cứ đơn vị, tổ chức nào có liên quan đến nghĩa vụ nộp thuế, không phân biệt DN tư nhân hay DNNN đều phải được kiểm toán thuế. Bởi thực tế trong giai đoạn vừa qua, đã có không ít DN, hoặc là lợi dụng cơ chế, chính sách của Nhà nước; hoặc là dựa vào điều kiện kinh doanh khó khăn…để trốn thuế, nợ đọng thuế; một số đơn vị chưa chấp hành nghiêm quy định nộp thuế đối với Nhà nước. Vì vậy, với vai trò của mình, KTNN không chỉ kiểm toán ở những đơn vị quản lý Nhà nước về thuế mà phải kiểm toán đối với những đơn vị có trách nhiệm đóng thuế, xem họ thực hiện có đúng hay không để có biện pháp điều chỉnh kịp thời. Tôi cho rằng,  đây là một hình thức để chống thất thu thuế trong giai đoạn hiện nay.


ĐB Khúc Thị Duyền (Ảnh: Đăng Khoa)

ĐB Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Kiểm toán thuế sẽ là kênh quan trọng giúp Quốc hội đánh giá sát hơn việc thu ngân sách.

Việc kiểm toán nghĩa vụ nộp NSNN là theo thông lệ Quốc tế và ở mỗi nước có những cách tổ chức thực hiện khác nhau. Đối với Việt Nam, thời gian vừa qua chúng ta thấy rằng kỷ luật ngân sách của chúng ta còn nhiều vấn đề đáng bàn, việc thực hiện kỷ luật ngân sách còn chưa nghiêm. Cá nhân tôi nhìn Luật KTNN với tư cách KTNN là một công cụ của Quốc hội, giúp cho Quốc hội trong việc kiểm soát thu, chi. Do đó, việc đưa quy định kiểm toán nghĩa vụ nộp NSNN vào Luật là hợp lý so với cơ cấu tổ chức của bộ máy Nhà nước ta, giúp cho Quốc hội vừa kiểm soát được cái chi, vừa kiểm soát được nguồn thu ngân sách, để tránh tình trạng chúng ta đặt ra kế hoạch thu NSNN hàng năm nhưng thực tế thu vượt ngân sách khá cao. Việc vượt thu đó một mặt nó thể hiện nhiệt tình và hiệu quả làm việc của đội ngũ công vụ nhưng đồng thời nó cũng phản ánh một điểm yếu là dự báo của chúng ta chưa sát.

Khi chúng ta dự báo không sát như thế thì sẽ dẫn đến tình trạng chúng ta đưa ra dự toán thu thấp xuống để tỷ lệ thu vượt ngân sách lên cao, và như vậy thì lại phải giữ lại những thẩm quyền về phân chia ngân sách theo Luật NSNN hiện hành. Cho nên thông qua kiểm toán nguồn thu NSNN có thể là một kênh quan trọng giúp Quốc hội đánh giá sát hơn được tình hình thu ngân sách.


ĐB Nguyễn Đức Kiên (Ảnh: Đăng Khoa)

Theo Báo Kiểm toán số 45/2014

 

Xem thêm »