Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn

17/11/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Sáng ngày 15/11/2014, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ tọa và điều hành phiên họp.

Các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đồng thời là các đại biểu Quốc hội thực hiện quyền bỏ phiếu đánh giá tín nhiệm các chức danh lãnh đạo chủ chốt (Ảnh: Internet)


Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Trưởng Đoàn thư ký kỳ họp, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội về những vấn đề liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm; Bầu Ban kiểm phiếu; Nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Trưởng Đoàn thư ký kỳ họp, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình của Chủ tịch Quốc hội về danh sách Ban kiểm phiếu lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; Biểu quyết thông qua danh sách Ban kiểm phiếu và tiến hành lấy phiếu tín nhiệm.

Theo đó, danh sách 50 chức danh được lấy phiếu tín nhiệm gồm:

1. Ông Trương Tấn Sang – Chủ tịch Nước

2. Bà Nguyễn Thị Doan – Phó Chủ tịch Nước

3. Ông Nguyễn Sinh Hùng – Chủ tịch Quốc hội

4. Ông Uông Chu Lưu – Phó Chủ tịch Quốc hội

5. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân – Phó Chủ tịch Quốc hội

6. Bà Tòng Thị Phóng – Phó Chủ tịch Quốc hội

7. Ông Huỳnh Ngọc Sơn – Phó Chủ tịch Quốc hội

8. Ông Phan Xuân Dũng – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường Quốc hội

9. Ông Nguyễn Văn Giàu – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội

10. Ông Trần Văn Hằng – Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội

11. Ông Nguyễn Đức Hiền – Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội

12. Ông Phùng Quốc Hiển – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách

13. Ông Nguyễn Văn Hiện – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội

14. Ông Nguyễn Kim Khoa – Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Quốc hội

15. Ông Phan Trung Lý – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội

16. Bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội

17. Bà Nguyễn Thị Nương – Trưởng ban Công tác đại biểu Quốc hội

18. Ông Nguyễn Hạnh Phúc – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

19. Ông Ksor Phước – Chủ tịch Hội đồng Dân tốc Quốc hội

20. Ông Đào Trọng Thi – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội

21. Ông Nguyễn Tấn Dũng – Thủ tướng

22. Ông Vũ Đức Đam – Phó Thủ tướng

23. Ông Hoàng Trung Hải – Phó Thủ tướng

24. Ông Phạm Bình Minh – Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

25. Ông Vũ Văn Ninh – Phó Thủ tướng

26. Ông Nguyễn Xuân Phúc – Phó Thủ tướng

27. Ông Hoàng Tuấn Anh – Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch

28. Ông Nguyễn Thái Bình – Bộ trưởng Nội vụ

29. Ông Nguyễn Văn Bình – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

30. Bà Phạm Thị Hải Chuyền – Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội

31. Ông Hà Hùng Cường – Bộ trưởng Tư pháp

32. ông Trịnh Đình Dũng – Bộ trưởng Xây dựng

33. Ông Đinh Tiến Dũng – Bộ trưởng Tài chính

34. Ông Vũ Huy Hoàng – Bộ trưởng Công thương

35. Ông Phạm Vũ Luận – Bộ trưởng Giáo dục – Đào tạo

36. Ông Nguyễn Văn Nên – Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

37. Ông Cao Đức Phát – Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

38. Ông Giàng Seo Phử – Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc

39. Ông Trần Đại Quang – Bộ trưởng Công an

40. Ông Nguyễn Minh Quang – Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường

41. Ông Nguyễn Quân – Bộ trưởng Khoa học Công nghệ

42. Ông Nguyễn Bắc Son – Bộ trưởng Thông tin truyền thông

43. Ông Phùng Quang Thanh – Bộ trưởng Quốc phòng

44. Ông Đinh La Thăng – Bộ trưởng Giao thông Vận tải

45. Bà Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Y tế

46. Ông Huỳnh Phong Tranh – Tổng Thanh tra Chính phủ

47. Ông Bùi Quang Vinh – Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư

48. Ông Trương Hòa Bình – Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao

49. Ông Nguyễn Hòa Bình – Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao

50. Ông Nguyễn Hữu Vạn – Tổng Kiểm toán nhà nước.

Cũng trong buổi sáng ngày 15/11/2014, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Trong buổi làm việc, đã có 17 đại biểu Quốc hội phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung: Sự cần thiết ban hành Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; quan điểm xây dựng Luật; Vị trí pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức của Hội đồng bầu cử quốc gia và các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương; Cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân được bầu; xác định rõ tiêu chuẩn của người ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân, nhất là người tự ứng cử; bảo đảm tính đại diện của các nhóm nghề nghiệp, độ tuổi, dân tộc thiểu số…; quy định tỉ lệ đại biểu nữ để bảo đảm yêu cầu bình đẳng giới; công tác kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập của những người ứng cử; Việc hiệp thương, giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; Vấn đề tuyên truyền, vận động bầu cử; quy trình bầu cử, ngày bầu cử, thời gian kết thúc bầu cử; việc bảo đảm và phân bổ kinh phí bầu cử; giám sát hoạt động bầu cử; Bổ sung quy định về quyền hạn, trách nhiệm của cử tri trong việc tham gia bầu cử, các hành vi bị cấm ở các công đoạn bầu cử khác nhau; quy định để khắc phục tình trạng bỏ phiếu hộ.

Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế. Trong buổi làm việc, đã có 14 đại biểu Quốc hội phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung: Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt: Sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật; phạm vi sửa đổi Luật; Việc điều chỉnh biểu thuế tiêu thụ đặc biệt, nhất là thuế suất đối với một số mặt hàng như thuốc lá, rượu, bia, casino, trò chơi có thưởng,…; sự tác động của việc điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các mặt hàng này và nguồn thu ngân sách nhà nước; lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá; xem xét bổ sung vào đối tượng chịu thuế các mặt hàng, dịch vụ: nước ngọt và nước ngọt có ga, trò chơi trên mạng (game online)…; Tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống buôn lậu hàng hóa; định hướng sản xuất, tiêu dùng sau khi có sự điều chỉnh thuế suất tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng.

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế: Sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều tại các luật về thuế nhằm khắc phục những tồn tại ở các luật thuế, phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; Bổ sung quy định ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với công nghiệp hỗ trợ, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, các dự án quy mô vốn lớn, các doanh nghiệp và dự án tại địa bàn khó khăn; quy định danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong Luật; rà soát tiêu chí xác định sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; bổ sung danh mục cụ thể các ngành công nghệ cao; khuyến khích các dự án có chuyển giao công nghệ, đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, miền núi; đưa mặt hàng phân bón, thức ăn chăn nuôi công nghiệp sang đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng; Quy định chặt chẽ việc hạch toán chi phí quảng cáo nhằm khắc phục hiện tượng gian lận, trốn thuế, chuyển giá tại doanh nghiệp FDI; Tăng cường công tác quản lý thuế, chống thất thu thuế; cân nhắc giải pháp xóa tiền phạt chậm nộp thuế cho doanh nghiệp… 

Trong nửa buổi chiều ngày 15/11/2014, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Quốc hội đã nghe Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu; Nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Trưởng Đoàn thư ký kỳ họp, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đọc dự thảo Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; Biểu quyết thông qua Nghị quyết.
Kết quả bỏ phiếu tín nhiệm được Trưởng ban Kiểm phiếu Huỳnh Văn Tý công bố lúc hơn 16h chiều 15/11 theo thứ tự “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp”. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đạt số phiếu lần lượt là 380, 84, 20; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng có số phiếu 340, 93, 52; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đạt 320, 96, 68.
Đến 16h23, Ban Kiểm phiếu đã làm việc xuyên trưa để kịp công bố toàn bộ kết quả đánh giá về 50 chức danh. Nghị quyết xác nhận kết quả được thông qua ngay sau đó với 100% đại biểu tham gia biểu quyết tán thàn.

Nhận xét về kết quả thực hiện lấy phiếu tín nhiệm 50 chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng Quốc hội đã làm rất nghiêm túc, đáp ứng quy trình, việc lấy phiếu tín nhiệm đã thành công. Đại biểu đã thực hiện trọng trách cao cả, vừa có ý nghĩa chính trị, pháp lý, khách quan, công tâm và chính xác đối với việc lấy phiếu./.

Xem thêm »