Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

21/11/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Trong phiên họp toàn thể tại hội trường ngày 20-11-2014, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Quốc hội đã biểu quyết thông qua các điều 2, 54, 62 và toàn văn Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) với 71,43% đại biểu tán thành.

Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) - Ảnh: Internet


Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có 9 Chương 125 Điều, quy định chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội; quyền và trách nhiệm của người lao động, của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm xã hội, tổ chức đại diện tập thể lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động; cơ quan bảo hiểm xã hội; quỹ bảo hiểm xã hội; thủ tục thực hiện bảo hiểm xã hội và quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội. Dự kiến Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2016.
Theo đó, cách tính lương hưu hàng tháng được sửa đổi theo hướng tăng dần số năm đóng. Cụ thể, từ 1/1/2018, mức lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 15 năm với lao động nữ và 16 năm với lao động nam. Với lao động nam, từ năm 2019 mức này tương tứng với 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm, lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Luật cũng quy định về trợ cấp một lần khi nghỉ hưu cho: Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa 75%, khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần; Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa 75%, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Luật quy định về thời gian hưởng chế độ thai sản, lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng. Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 5 ngày làm việc kể từ 30 ngày đầu vợ sinh con. Đối với trường hợp vợ sinh con phải phẫu thuật lao động nam được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 7 ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. 

Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) mở rộng thêm 2 đối tượng tham gia bảo hiểm xã bắt buộc gồm: Người lao động có hợp đồng lao động 1-3 tháng; Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn. Cơ quan bảo hiểm xã hội cũng được giao thêm chức năng thanh tra việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, nhằm khắc phục tình trạng trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp./.

Xem thêm »