Khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII

20/05/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Sáng ngày 20/5, tại Hội trường Ba Đình, Quốc hội Khóa XIII đã khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 9.

Toàn cảnh phiên khai mạc

Dự phiên khai mạc có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư: Lê Khả Phiêu, Nông Ðức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch nước Trần Ðức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; nhiều vị khách mời, các bậc lão thành cách mạng, các vị đại biểu Quốc hội, đại diện Đoàn ngoại giao và các tổ chức quốc tế tại Hà Nội.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua nhiều dự án luật quan trọng nhằm triển khai thi hành Hiến pháp 2013; đồng thời giám sát, quyết định một số vấn đề quan trọng về  kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong bài phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, tiếp tục đà phát triển của Đất nước, 5 tháng đầu năm nay, kinh tế-xã hội nước ta có nhiều chuyển biến tích cực; kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối kinh tế lớn được bảo đảm; tăng trưởng có mức phục hồi rõ rệt, thu ngân sách đạt khá, tỷ lệ lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, lãi suất tiếp tục giảm; an sinh xã hội, các chính sách giảm nghèo được quan tâm triển khai đồng bộ; quốc phòng được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hoạt động đối ngoại song phương, đa phương được đẩy mạnh. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, kỳ họp thứ 9 có vị trí đặc biệt quan trọng để chúng ta nhìn lại chặng đường phát triển vừa qua, đánh giá đúng thực trạng tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tư pháp và các mặt công tác khác; xác định những việc cần làm ngay, những việc cần tiếp tục hoàn thành trong năm 2015 và chặng đường còn lại của kế hoạch 5 năm; phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế-xã hội mà Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra.     

Theo kế hoạch, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 11 dự án luật, trong đó có nhiều dự án luật quan trọng, có tác động lớn đến sự phát triển của đất nước và đời sống của nhân dân như: Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi, Luật Chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sửa đổi, Luật Kiểm toán Nhà nước, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Ban hành văn bản pháp luật... Quốc hội cũng tiến hành xem xét thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016.

Bên cạnh đó, 15 dự án luật cũng sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp lần này, trong đó có những dự luật được nhân dân quan tâm như: Bộ luật dân sự sửa đổi, Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi, Bộ luật hình sự sửa đổi và Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật phí và lệ phí, Luật trưng cầu dân ý...

Quốc hội sẽ xem xét các Báo cáo bổ sung của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2015; phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2013.

Quyết định chủ trương có đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành hay không sẽ được Quốc hội đưa ra bàn thảo kỹ tại Kỳ họp này. Đây là Dự án quan trọng đối với vùng động lực phát triển phía Nam và cả nước, tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực, được đông đảo cử tri quan tâm. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, trong quá trình xem xét, quyết định chủ trương đầu tư cần tính toán kỹ hiệu quả đầu tư, phân kỳ đầu tư, bảo đảm khả thi, phù hợp với tình hình phát triển của ngành hàng không Việt Nam và khả năng huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển của đất nước.   

Quốc hội sẽ xem xét kết quả giám sát tối cao chuyên đề “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự; tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”; các Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016; Báo cáo kết quả tổ chức IPU-132 và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thay mặt Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2014 và triển khai Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2015. Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015.

Tiếp đó, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri. Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng trình bày báo cáo về kết quả tổ chức Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132.

Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục làm việc với nội dung nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách về Tờ trình đề nghị QH phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013; Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về dự án Bộ luật Tố tụng dân sự; Tờ trình của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi)./.

Ngọc Bích




Xem thêm »