Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ III của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí của KTNN

16/10/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Ngày 14/10/2015, Ban Cán sự Đảng Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã ban hành Nghị quyết số 48-NQ/BCSĐ về “Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ III của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí của KTNN”.


Theo Nghị quyết, trong thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng của KTNN đã được các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các đơn vị tập trung triển khai thực hiện, từng bước đạt được một số kết quả, góp phần tích cực tăng cường kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu quả công tác của KTNN. Cán bộ, đảng viên, công chức, kiểm toán viên luôn phấn đấu giữ gìn phẩm chất đạo đức, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng; bộ máy giúp việc về công tác phòng chống tham nhũng của KTNN đã từng bước được hoàn thiện.
 
Thông qua công tác kiểm toán, một số vụ việc có dấu hiệu tham nhũng đã được KTNN phát hiện kịp thời, chuyển giao cho cơ quan điều tra xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật; một số hành vi vi phạm các quy định của KTNN đã được phát hiện và xử lý, góp phần ngăn chặn, hạn chế các hành vi tiêu cực, tham nhũng, dần từng bước tạo niềm tin của Đảng, Nhà nước và Quốc hội cùng cử tri cả nước vào hoạt động của KTNN.
 
Tuy nhiên, hiệu quả công tác phát hiện về hành vi tham nhũng trong hoạt động kiểm toán còn hạn chế, số vụ việc về tham nhũng, lãng phí được phát hiện còn chưa cao so với tình hình thực tế tại các đơn vị, địa phương được kiểm toán. Một số công chức, kiểm toán viên nhà nước còn chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; một số ít còn chưa thực hiện nghiêm túc trong việc chấp hành các quy định của Ngành trong việc thực thi công vụ.
 

Nguyên nhân của những hạn chế trên là do công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí đối với công chức, kiểm toán viên chưa được tổ chức thường xuyên; công tác quản lý, điều hành của một số đơn vị chưa thực sự sâu sát, chủ động và sáng tạo trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ này; công tác đào tạo, bồi dưỡng chưa có chương trình đào tạo về nghiệp vụ xác minh, điều tra để nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, kiểm toán viên trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của Đảng ủy KTNN về phòng, chống tham nhũng, lãng phí
 
Nghị quyết đã đề ra nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của Đảng ủy KTNN về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) và Kết luận Hội nghị lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”; Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng của KTNN.
 
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Tổ chức học tập, quán triệt đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị các Nghị quyết của Đảng về phòng, chống tham nhũng, lãng phí: Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức, Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi), nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động của KTNN đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
 
Nâng cao chất lượng kiểm toán toàn diện trên ba mặt: Năng lực, hiệu lực, hiệu quả kiểm toán; Nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài, lựa chọn tiếp thu những phương pháp kiểm toán hoạt động, kiểm toán môi trường, kiểm toán công nghệ thông tin để áp dụng trong hoạt động kiểm toán ở Việt Nam. Trong đó đặc biệt tăng cường công tác kiểm toán những lĩnh vực có nhiều khả năng xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; Những lĩnh vực dư luận quan tâm, nhân dân bức xúc, KTNN kịp thời phát hiện các hành vi tham nhũng, lãng phí, chuyển cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định.
 

Nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền triển khai kiểm toán trách nhiệm quản lý kinh tế của cán bộ lãnh đạo trong nhiệm kỳ công tác vào thời điểm thích hợp, trước mắt có thể quy định lồng ghép đánh giá trách nhiệm quản lý kinh tế của cán bộ lãnh đạo trong báo cáo kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động.

Tập trung công tác kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN trong quy định của pháp luật; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, báo cáo công khai, kịp thời tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán đối với các đơn vị được kiểm toán và cơ quan có kiến nghị liên quan; chú trọng kết quả thực hiện kiến nghị xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan đến sai phạm được phát hiện qua hoạt động kiểm toán.
 
Giải pháp thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí của KTNN
 
Để thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, Nghị quyết đề ra các giải pháp:
 

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, các đoàn thể, người đứng đầu đơn vị trong triển khai, thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Các đảng bộ, chi bộ trực thuộc KTNN phải nắm chắc việc thực hiện nhiệm vụ và quan hệ xã hội của đảng viên trong chi bộ; giáo dục, nhắc nhở và kịp thời kiểm tra, xử lý những trường hợp có dấu hiệu vi phạm, không dung túng, bao che tham nhũng, lãng phí. Đánh giá đảng viên hàng năm phải có nội dung về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Minh bạch tài sản, thu nhập của đảng viên, công chức, viên chức trong việc kê khai tài sản và trách nhiệm giải trình nguồn gốc tài sản khi có yêu cầu của tổ chức đảng có thẩm quyền. Gắn việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI)  “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) “Về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
 
Nâng cao chất lượng công tác tổng hợp, phân tích, đánh giá hoạt động phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán của toàn Ngành; Chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
 
Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ các giải pháp phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong tất cả các lĩnh vực tại đơn vị. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện chế độ công vụ. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng và đơn vị phải gương mẫu, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thường xuyên tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; chủ động phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm, kiên quyết, kịp thời, nghiêm minh về trách nhiệm hành chính và hình sự; đơn vị nào để xảy ra tiêu cực, tham nhũng nhưng có hành vi bao che, không kịp thời báo cáo, xử lý thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm và nhận hình thức kỷ luật.
 
Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quản lý, điều hành hoạt động kiểm toán nhà nước, sớm hoàn thiện hệ thống chuẩn mực kiểm toán của KTNN.
 
Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán; tăng cường giáo dục, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên; tăng cường đào tạo, trang bị cho kiểm toán viên kiến thức pháp luật trong hoạt động kiểm toán; kỹ năng, nghiệp vụ điều tra, phát hiện hành vi tham nhũng. Nghiên cứu đề xuất chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng kiểm toán, đặc biệt là kiểm toán tổng hợp.
 
Báo Kiểm toán và Website KTNN xây dựng chuyên trang, chuyên mục thường xuyên tuyên truyền, giáo dục các chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thường xuyên cập nhật, kịp thời đưa tin tức, sự kiện liên quan đến hoạt động của KTNN, nhằm tuyên truyền, thông tin về các hoạt động của toàn Ngành, đồng thời công khai những phát hiện thông qua công tác kiểm toán, nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình phòng, chống tham nhũng của KTNN. Phát hiện, biểu dương kịp thời những tấm gương người tốt, việc tốt, tích cực đấu tranh, phê phán những hành vi, vụ việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
 
Ban Cán sự đảng phối hợp với Đảng ủy KTNN chỉ đạo các cấp ủy đảng, các tổ chức đoàn thể, các đơn vị trực thuộc KTNN tổ chức phổ biến, học tập, quán triệt Nghị quyết đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của KTNN; Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc KTNN, các tổ chức đoàn thể quần chúng căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện Nghị quyết, định kỳ báo cáo kết quả về Ban Cán sự đảng KTNN. Văn phòng Đảng – Đoàn KTNN theo dõi, đôn đốc các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc KTNN triển khai thực hiện Nghị quyết; tổng hợp kết quả thực hiện, giúp Ban Cán sự đảng tiến hành sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết./.
 
PV
 

Xem thêm »