Quốc hội thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016: GDP tăng 6,7%, CPI dưới 5%

10/11/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Với hơn 90% đại biểu tán thành, sáng 10/11/2015, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2016.

Theo đó, mục tiêu tổng quát của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2016 là:

Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn năn 2015, chú trọng cải thiện chất lượng tăng trưởng, bảo đảm phát triển bền vững.

Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân.

Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.

 Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính và xã hội; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tạo sự chuyển biến rõ nét về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Tăng cường quốc phòng, an ninh, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Các chỉ tiêu chủ yếu gồm: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2016 tăng 6,7%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 10%; Tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu dưới 5%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) dưới 5%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng 31% GDP; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%...

Nghị Quyết cũng nêu rõ, Quốc hội cơ bản tán thành nhiệm vụ, giải pháp do Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình và các cơ quan của Quốc hội kiến nghị trong báo cáo thẩm tra, các báo cáo giám sát chuyên đề, đồng thời yêu cầu tập trung thực hiện 9 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau: Điều hành linh hoạt, hiệu quả chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác để đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội thông qua; Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; Tiếp tục triển khai Hiến pháp 2013, hoàn thiện hệ thống pháp luật; Phát triển đồng bộ và nâng cao hiệu quả hoạt động các loại thị trường, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch; Tiếp tục hoàn thiện và tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người có công, người nghèo theo chuẩn nghèo mới, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và giải quyết tốt hơn cung cầu trên thị trường lao động; Tăng cường quản lý tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường; Nâng cao hiệu quả, hiệu lực nền hành chính công và cải cách hành chính; Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại; Dự báo và nắm chắc diễn biến tình hình trong và ngoài nước, kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại để chủ động giải quyết mọi tình huống xảy ra, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước./.

Ngọc Bích

Xem thêm »