Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 11 năm 2015

30/11/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Ngày 27/11/2015, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 11 năm 2015 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.


Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận về Báo cáo tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2015; dự thảo Nghị định quy định cơ quan thuộc Chính phủ.    

Tăng trưởng cả năm 2015 có thể đạt 6,5%
Các thành viên Chính phủ nhất trí cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2015 tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 0,07% so với tháng trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 11 tháng ước tăng 9,7%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm 2014, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục phục hồi mạnh mẽ (IIP tăng 10,1%), tiếp tục là động lực chủ yếu của tăng trưởng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng tăng 9,4%, thể hiện niềm tin của người tiêu dùng và cầu của nền kinh tế tiếp tục tăng lên. Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 11 tăng 12,9% (so với tháng 10/2015), 11 tháng đạt 7,07 triệu lượt khách.

Tuy nhiên, một số vấn đề tồn tại như sản xuất và tiêu thụ nông sản còn nhiều khó khăn; một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chiến lược giảm cả về lượng và giá trị; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn trở ngại; tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng từ đầu năm đến nay luôn tăng thấp hơn mức tăng của tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế; giải quyết việc làm, đời sống của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm còn hạn chế; tệ nạn xã hội một số nơi còn diễn biến phức tạp; nhiều biểu hiện xấu về đạo đức, lối sống gây bức xúc trong nhân dân…
    
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá kết quả đạt được rất đáng mừng trong bối cảnh nền kinh tế đối diện không ít khó khăn, thách thức. “Nếu không có gì đột biến thì nhiều khả năng đạt mức tăng trưởng cao hơn 6,5% trong năm nay” - Thủ tướng nhận định, đồng thời yêu cầu các Bộ, Ngành, địa phương cần tiếp tục nỗ lực để đạt kết quả cao nhất, tạo tiền đề, điều kiện để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2016 ngay từ những ngày đầu, tháng đầu. Cuối tháng 12, Chính phủ sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến với tất cả 63 tỉnh thành trên cả nước để triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016.
     
Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tiếp tục tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo mọi thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Chủ động điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ, tỷ giá, bảo đảm an toàn hệ thống. Tăng trưởng tín dụng gắn với bảo đảm chất lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý; bảo đảm cung ứng vốn cho nền kinh tế, nhất là dịp cuối năm. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Bộ Tài chính tập trung chỉ đạo thu ngân sách trong tháng 12, cố gắng làm tốt công tác thu khoản nợ đọng 70.000 tỷ đồng tiền thuế để bảo đảm cân đối ngân sách, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cuối năm; phối hợp với các bộ ngành liên quan giải quyết các trường hợp trốn thuế, nợ thuế kéo dài, đồng thời khẩn trương xây dựng phương án hướng dẫn phân bổ ngân sách 2 chương trình mục tiêu Quốc gia vừa được Quốc hội thông qua.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đầu tư phát triển kế hoạch năm 2015, phấn đấu hoàn thành theo đúng kế hoạch được giao. Tăng cường các giải pháp huy động mọi nguồn lực, khuyến khích đầu tư xã hội, góp phần tăng tổng cầu, phát triển kinh tế - xã hội tạo đà cho năm sau. Thực hiện quyết liệt các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tích cực huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các đột phá chiến lược. Cho rằng thời gian qua, việc thực hiện Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã có kết quả tích cực nhưng không được hài lòng, thỏa mãn mà phải làm quyết liệt hơn. Thủ tướng nhận định năm 2016 phải tiếp tục đà cải cách của năm 2015, đưa môi trường kinh doanh của Việt Nam vào nhóm đầu trong ASEAN.

Tại cuộc họp, Thủ tướng cũng lưu ý các Bộ, Ngành, UBND các tỉnh tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, bên cạnh việc tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thì cũng cần bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước, bảo vệ lợi ích của cộng đồng.

Liên quan đến vấn đề tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, năm 2016 dự báo kinh tế đã có bước phục hồi, đây là điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước. Riêng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cần tập trung tái cơ cấu các nông lâm trường quốc doanh, trên cơ sở đánh giá đúng tình hình thực tế một cách khách quan, công bằng và xây dựng, trình phương án tái cơ cấu đối với từng nông, lâm trường.

Thủ tướng cũng lưu ý các Bộ, Ngành, địa phương chuẩn bị tốt hàng hoá phục vụ nhân dân dịp tết Dương lịch và tết Nguyên đán gắn với đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông; kiểm soát chặt chẽ, tăng cường phòng chống tội phạm, tệ nạn, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Các Ngành, các cấp chủ động cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo điều hành của Chính phủ cũng như các cam kết quốc tế trong các Hiệp định Thương mại tự do, cả những cơ hội, điều kiện thuận lợi và khó khăn, thách thức khi Việt Nam tham gia các Hiệp định này. Để cạnh tranh được trên thị trường trong và ngoài nước những năm tới, Thủ tướng nêu rõ không có cách nào khác, Việt Nam phải nâng cao năng lực cạnh tranh của từng mặt hàng, từng lĩnh vực, tập trung đầu tư phát triển những lĩnh vực có lợi thế.

Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và cho ý kiến đối với Tờ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân; thảo luận về báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về thời gian quyết định đầu tư dự án khởi công năm 2016, dự thảo Nghị định quy định cơ quan thuộc Chính phủ do Bộ Nội vụ trình./.

Hà Linh

Xem thêm »