Bế mạc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII

30/11/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Sau hơn 1 tháng làm việc với tinh thần dân chủ, đoàn kết, trách nhiệm và trí tuệ, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã bế mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội vào chiều ngày 27/11/2015.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu bế mạc Kỳ họp


Tới dự phiên bế mạc Kỳ họp có Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt, các vị lãnh đạo cấp cao khác của Đảng và Nhà nước, các vị lão thành cách mạng, nhiều vị đại biểu Quốc hội các khóa trước và đông đủ các vị đại biểu Quốc hội khóa XIII.

Quốc hội đã nghe Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII. Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: “Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã kết thúc tốt đẹp, hoàn thành chương trình nghị sự đề ra với việc xem xét và quyết định nhiều nội dung quan trọng về công tác lập pháp, giám sát và các vấn đề quan trọng của Đất nước. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã dành thời gian xem xét, thảo luận, thông qua 16 luật, 15 nghị quyết và cho ý kiến về 10 dự án luật khác. Việc thông qua các đạo luật có vị trí rất quan trọng trong hệ thống pháp luật nước nhà đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về tư pháp, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tổ chức và hoạt động của Quốc hội và đẩy mạnh hội nhập quốc tế”.

Một trong những điểm nổi bật quan trọng của kỳ họp thứ 10 là việc Quốc hội tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát. Lần đầu tiên Quốc hội đã tiến hành chất vấn trực tiếp những người đứng đầu bộ máy các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay. “Các phiên chất vấn đã diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn và xây dựng. Đa số thành viên Chính phủ nắm rõ vấn đề và trả lời đúng yêu cầu của đại biểu Quốc hội. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được phát thanh truyền hình trực tiếp qua đó đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và đồng bào cả nước” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định.

Trong 2,5 ngày làm việc, phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã diễn ra sôi nổi, dân chủ thẳng thắn, đã có 18 đại biểu Quốc hội đặt 27 câu hỏi cho Thủ tướng Chính phủ, 01 đại biểu đặt câu hỏi cho Chủ tịch Quốc hội, 06 đại biểu đặt câu hỏi với các Phó Thủ tướng, 07 đại biểu với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và khoảng 140 câu hỏi đối với các Bộ trưởng, Trưởng ngành.  

Nhiều vấn đề bức xúc của đời sống kinh tế - xã hội được cử tri và dư luận đặc biệt quan tâm đã được đưa ra phân tích, xem xét dưới nhiều góc độ. Quốc hội đã ra nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề và hoạt động chất vấn, yêu cầu Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành tiếp tục thực hiện có kết quả những cam kết về trách nhiệm đã hứa trước Quốc hội và cử tri cả nước, làm cơ sở để Quốc hội khóa XIV tiếp tục giám sát việc thực hiện, đáp ứng yêu cầu của Nhân dân.

            
Toàn cảnh phiên bế mạc

Quốc hội cũng đã xem xét các báo cáo công tác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác thi hành án; công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015; tiến hành giám sát tối cao và ban hành Nghị quyết về tăng cường quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng…

Quốc hội tập trung xem xét, cho ý kiến, đánh giá khách quan, toàn diện kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, đồng thời thông qua một số Nghị quyết quan trọng như Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016; Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2016; Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020; Phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), thông qua nghị quyết về công tác tư pháp và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, tại Kỳ họp, Quốc hội đã dành thời gian thảo luận các Dự thảo Văn kiện trình Đại hội lần thứ XII của Đảng với những định hướng lớn về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước 5 năm 2016-2020. Các vị đại biểu Quốc hội đã góp nhiều ý kiến tâm huyết với Đảng, nhất là những vấn đề về chủ trương, chính sách, biện pháp đổi mới có tầm chiến lược, có tính đột phá để góp phần hoàn thiện các Dự thảo văn kiện quan trọng này.

Để triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 và để chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp khóa tới, Quốc hội cũng xem xét, quyết định nhân sự Chủ tịch, Phó Chủ tịch, các thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng thư ký Quốc hội; quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 sẽ diễn ra vào Chủ nhật, ngày 22 tháng 5 năm 2016. “Nhằm phát huy kết quả của Kỳ họp, Quốc hội yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử Quốc gia, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong phạm vi, nhiệm vụ quyền hạn của mình tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm thi hành Hiến pháp, các luật, nghị quyết mới được thông qua; chuẩn bị các điều kiện cần thiết tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, bảo đảm để sự kiện chính trị trọng đại này thực sự  là ngày hội lớn của toàn dân” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh./.

NB

Xem thêm »