Quy định về đánh giá, phân loại công chức, viên chức và người lao động của Kiểm toán Nhà nước

03/12/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Ngày 26/11/2015, Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Hữu Vạn đã ký Quyết định số 1636/QĐ-KTNN về việc ban hành Quy định đánh giá, phân loại công chức, viên chức và người lao động của Kiểm toán Nhà nước.


Quy định này quy định về đánh giá, phân loại công chức từ Vụ trưởng và tương đương trở xuống, viên chức và người lao động hợp động theo Nghị định số 68/2000/N Đ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2000 của Chính phủ, làm việc tại các các đơn vị trực thuộc KTNN.

Theo Quy định, việc đánh giá phải bảo đảm đúng thẩm quyền, tính khách quan, công bằng, chính xác, toàn diện, trên cơ sở thực hiện tự phê bình và phê bình; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ và công khai đối với công chức, viên chức được đánh giá; kiên quyết khắc phục hiện tượng nể nang, hình thức trong đánh giá công chức, viên chức. Việc đánh giá phải căn cứ vào chức trách, nhiệm vụ được giao và kết quả thực hiện nhiệm vụ: Đối với công chức, viên chức lãnh đạo quản lý căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị; Mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu không được cao hơn mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị; Mức độ hoàn thành nhiệm vụ của công chức, viên chức phải phù hợp với kết quả đánh giá, phân loại đảng viên hàng năm (đối với công chức, viên chức là đảng viên).

Trách nhiệm và thẩm quyền đánh giá, phân loại
Công chức, viên chức căn cứ chức trách, nhiệm vụ được giao tự nhận xét, đánh giá quá trình công tác và chịu trách nhiệm về kết quả tự nhận xét, đánh giá, phân loại của mình.

Thủ trưởng đơn vị trực tiếp đánh giá, phân loại và thông báo kết quả phân loại đối với Phó Vụ trưởng và tương đương trở xuống thuộc thẩm quyền quản lý; chịu trách nhiệm về kết quả nhận xét, đánh giá, phân loại đối với công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý.

Tổng KTNN đánh giá, phân loại và thông báo kết quả phân loại đối với công chức lãnh đạo là Vụ trưởng và tương đương.

Nội dung đánh giá, phân loại công chức
Đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, nội dung đánh giá công chức thực hiện theo những tiêu chí sau: Chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc; Năng lực trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; Tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ; Tinh thần trách nhiệm và phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ; Thái độ phục vụ nhân dân.

Đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo cấp vụ và tương đương, cấp phòng và tương đương, Trưởng (Phó) Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán: Ngoài các tiêu chí nêu trên, việc đánh giá còn dựa trên: Năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ; Kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, bộ phận (khối lượng công việc đã hoàn thành, chất lượng công việc, tiến độ giải quyết công việc; Trách nhiệm trong việc để xảy sai sót, vi phạm, khuyết điểm của công chức, viên chức trong đơn vị (nếu có); Thực hiện chế độ thông tin báo cáo; Năng lực tập hợp, đoàn kết trong tập thể đơn vị.

Phân loại đánh giá công chức gồm: Công chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; Công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ; Công chức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực; Công chức không hoàn thành nhiệm vụ.

Nội dung đánh giá viên chức

Đối với viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thực hiện đánh giá theo các nội dung: Kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết; Việc thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp; Tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân, tinh thần hợp tác với đồng nghiệp và việc thực hiện nội quy, quy tắc ứng xử của viên chức; Việc thực hiện các nghĩa vụ khác của viên chức.

Đối với viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: Ngoài các nội dung nêu trên còn được đánh giá theo các nội dung sau: Năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ; Trách nhiệm trong việc tổ chức triển khai thực hiện công việc thuộc quyền quản lý; Việc kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện nhiệm vụ của phòng, ban, bộ phận và của cá nhân; Năng lực tập hợp, đoàn kết trong tập thể đơn vị; Kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, bộ phận (khối lượng công việc đã hoàn thành, chất lượng công việc, tiến độ giải quyết công việc; Trách nhiệm trong việc để xảy sai sót, vi phạm, khuyết điểm của công chức, viên chức trong đơn vị (nếu có); Thực hiện chế độ thông tin báo cáo.

Phân loại đánh giá viên chức gồm: Viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; Viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ; Viên chức hoàn thành nhiệm vụ; Viên chức không hoàn thành nhiệm vụ.

Quy định cũng nêu rõ tiêu chí đánh giá, phân loại công chức và viên chức; Trình tự, thủ tục đánh giá, phân loại công chức, viên chức.

Tại Quy định này, Tổng Kiểm toán nhà nước giao Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với thủ trưởng các đơn vị trực thuộc tổ chức đánh giá, lấy ý kiến phân loại đánh giá hàng năm đối với thủ trưởng các đơn vị trực thuộc; tổng hợp ý kiến nhận xét, đánh giá, xin ý kiến lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước và tổng hợp trình Tổng Kiểm toán nhà nước, hoàn thành xong trước ngày 10/01 hàng năm.

Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc có trách nhiệm: Phổ biến Quy định này đến toàn thể công chức, viên chức và người lao động thuộc đơn vị; Đăng ký với Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước (qua Vụ Tổ chức cán bộ) về thời gian tổ chức đánh giá, phân loại đối với thủ trưởng đơn vị trực thuộc (đăng ký trước ngày 30/11 hàng năm); Trực tiếp tổ chức thực hiện việc nhận xét, đánh giá, phân loại đối với công chức lãnh đạo là Phó vụ trưởng và tương đương, lãnh đạo cấp phòng và tương đương trở xuống thuộc đơn vị; Báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước (qua Vụ Tổ chức cán bộ) kết quả nhận xét đánh giá, phân loại công chức, viên chức thuộc đơn vị quản lý trước ngày 31/12 hàng năm./.

Hà Linh




Xem thêm »