Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn năm 2018-2022

27/02/2018
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Ngày 26/ 2/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký và ban hành Quyết định số 242/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Đề án Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật” giai đoạn năm 2018-2022.

Theo đó, mục tiêu chung của Đề án nhằm triển khai thực hiện một số giải pháp cơ bản đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật, hướng đến mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tăng cường hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật; từng bước khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay trong tổ chức thi hành pháp luật, tạo tiền đề cho sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động tổ chức thi hành pháp luật.

Đối tượng áp dụng Đề án gồm: Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Phạm vi áp dụng: Tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp trong hệ thống các cơ quan hành chính Nhà nước ở trung ương và địa phương.

Thời gian thực hiện  Đề án được triển khai từ năm 2018 đến hết năm 2022.

Để thực hiện tốt các mục tiêu của Đề án, Thủ tướng Chính phủ đề ra các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện, cụ thể: Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong công tác tổ chức thi hành pháp luật; Hoàn thiện thể chế về tổ chức thi hành và theo dõi thi hành pháp luật; Đổi mới công tác theo dõi, đánh giá tình hình thi hành pháp luật; Tăng cường năng lực phản ánh chính sách trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật; Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tổ chức thi hành pháp luật; Tăng cường theo dõi, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước trong công tác tổ chức thi hành pháp luật; Bảo đảm các điều kiện cho công tác tổ chức thi hành pháp luật.

Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về tổ chức thi hành pháp luật theo hướng, quy định rõ ràng về trách nhiệm, thẩm quyền và nội dung tổ chức thi hành pháp luật; quy định cụ thể cách thức, biện pháp theo dõi, đánh giá tình hình thi hành pháp luật trên phạm vi cả nước và trong từng ngành, lĩnh vực, phạm vi quản lý của các Bộ, ngành và địa phương.

Theo Quyết định, trong năm 2018 - 2019, Bộ Tư pháp chủ trì nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

Về đổi mới công tác theo dõi, đánh giá tình hình thi hành pháp luật, cần nghiên cứu, xây dựng các tiêu chí cụ thể, định lượng để xác định được mức độ thực thi pháp luật, cũng như đánh giá được chính xác, toàn diện hiệu quả, tác động của văn bản quy phạm pháp luật trong thực tiễn.

Quyết định nêu rõ, Từ năm 2018 - 2022, Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng, hoàn thiện và tổ chức áp dụng thí điểm Khung theo dõi thi hành pháp luật và hệ thu thập dữ liệu phục vụ công tác theo dõi thi hành pháp luật; Bộ trưởng Bộ Tư pháp xây dựng, ban hành Thông tư hướng dẫn tiêu chí đánh giá tình hình thi hành pháp luật trên cơ sở kết quả áp dụng thí điểm.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành khác có liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì xây dựng quy trình chung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương trong việc tiếp nhận, xử lý kiến nghị, phản ánh của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về tình hình thi hành pháp luật.

Về kinh phí thực hiện Đề án: Nguồn kinh phí do ngân sách Nhà nước bảo đảm và nguồn kinh phí huy động tài trợ khác (nếu có); Căn cứ nhiệm vụ Đề án này, các Bộ, ngành, địa phương xây dựng dự toán thực hiện nhiệm vụ được giao, tổng hợp vào dự toán chi ngân sách Nhà nước hàng năm, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt./.

Thanh Trang
 
 

Xem thêm »