Các đơn vị cho ý kiến về Đề án thành lập Báo Kiểm toán điện tử

07/09/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Chiều 6/9/2016, tại trụ sở Kiểm toán Nhà nước (KTNN) – 111 Trần Duy Hưng, Hà Nội, đại diện Lãnh đạo các đơn vị: Văn phòng KTNN, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Pháp chế, Trung tâm Tin học đã có buổi làm việc với Ban lãnh đạo Báo Kiểm toán, cho ý kiến về Đề án thành lập Báo Kiểm toán điện tử.

Tại buổi làm việc, Tổng biên tập Nguyễn Thắng cho biết việc thành lập Báo kiểm toán điện tử là bước triển khai Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 về “tăng cường và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nhằm quảng bá sâu rộng pháp luật đối với tổ chức và hoạt động kiểm toán, thực tiễn hoạt động kiểm toán…”, là chủ trương đã được Ban cán sự Đảng KTNN đồng thuận và thống nhất cao. Báo Kiểm toán điện tử ra đời sẽ tạo nên bước phát triển mới của KTNN trong lĩnh vực thông tin, truyền thông, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng thông tin một cách nhanh nhất của xã hội về KTNN và hoạt động KTNN.

Trình bày dự thảo Đề án, ông Nguyễn Thắng đã nêu thực trạng các kênh thông tin hiện có của KTNN, sự cần thiết phải thành lập Báo Kiểm toán điện tử, tôn chỉ, mục đích, nội dung chính của báo, quy trình xuất bản và vấn đề tổ chức thực hiện …

Theo Đề án, Báo Kiểm toán điện tử sẽ thực hiện nhiệm vụ: Thông tin, tuyên truyền về chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực kiểm toán, KTNN, hoạt động KTNN và những lĩnh vực có liên quan; Định hướng, hướng dẫn dư luận mỗi khi công luận có các luồng thông tin trái chiều hoặc chưa chính xác về KTNN và hoạt động KTNN; Giới thiệu, hướng dẫn thực hiện các chế độ, các quy định, quyết định của nhà nước và của KTNN về các lĩnh vực liên quan đến hoạt động kiểm toán; là kênh thông tin chính thức trong việc công khai kết quả kiểm toán và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN như Luật KTNN quy định; Là diễn đàn của các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp và xã hội về lĩnh vực kiểm toán; phản ánh việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của nhà nước nói chung, Luật KTNN nói riêng…

Tham gia thảo luận, góp ý các nội dung của Đề án, đại diện Lãnh đạo các đơn vị cho rằng Đề án đã thể hiện được rõ và tương đối đủ các nội dung cần thiết. Tuy nhiên để Báo Kiểm toán điện tử có thể ra đời và sớm đi vào hoạt động, đại diện các đơn vị đề nghị Ban Lãnh đạo Báo Kiểm toán ngoài việc nghiên cứu nội dung, hình thức thể hiện của Báo cần chuẩn bị tốt những điều kiện cần thiết như cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, kinh phí đầu tư, lộ trình thực hiện…

Sau buổi làm việc, ban lãnh đạo Báo Kiểm toán sẽ hoàn thiện Đề án, trình Lãnh đạo KTNN phê duyệt./.

 
Hà Linh

Xem thêm »