UBTCNS của Quốc hội thẩm tra việc ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết 387/2003/NQ-UBTVQH11

10/09/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Chiều ngày 09/9/2016, tại nhà Quốc hội, Ba Đình, Hà Nội, dưới sự chủ trì của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội (UBTCNS) Đinh Văn Nhã, UBTCNS tổ chức phiên họp toàn thể cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về Quy chế lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa dự và phát biểu tại phiên họp.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa phát biểu tại phiên họp

 
Phát biểu khai mạc, ông Đinh Văn Nhã khẳng định đây là nội dung quan trọng, là căn cứ để QH xem xét dự toán NSNN năm 2017. "Đề nghị các Bộ, ngành liên quan đóng góp ý kiến chi tiết để UBTCNS hoàn thiện Báo cáo thẩm tra có chất lượng, báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 13/9 tới” - Phó Chủ nhiệm UBTCNS đề nghị.
 
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải, Dự thảo "Nghị quyết quy định về Quy chế lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách Trung ương và phê chuẩn quyết toán NSNN hàng năm" gồm 5 chương, 20 Điều, được xây dựng trên quan điểm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về hoàn thiện pháp luật về tài chính, NSNN. Quán triệt và cụ thể hóa các quy định của Luật NSNN năm 2015 liên quan đến nhiệm vụ của Chính phủ trong việc lập kế hoạch tài chính 05 năm, dự toán NSNN, phân bổ NSTW và quyết toán NSNN hàng năm; nhiệm vụ của UBTCNS của Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các cơ quan có liên quan của Quốc hội trong việc thẩm tra các báo cáo do Chính phủ trình; thẩm quyền của UBTV Quốc hội trong lĩnh vực tài chính - NSNN. Đồng thời kế thừa và phát huy những mặt tích cực, phù hợp với thực tiễn hiện nay và khắc phục những mặt hạn chế của Nghị quyết số 387/2003/NQ-UBTVQH11 về ban hành Quy chế lập, thẩm tra, trình Quốc hội quyết định dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách Trung ương và phê chuẩn quyết toán NSNN (Nghị quyết số 387/2003/NQ-UBTVQH11).
 
Dự thảo Nghị quyết được xây dựng để làm rõ hơn cơ chế phối hợp, tham gia giữa các cơ quan của Quốc hội với các cơ quan của Chính phủ trong quá trình lập dự toán NSNN, xây dựng phương án phân bổ NSTW, tổ chức điều hành dự toán NSNN, lập báo cáo quyết toán NSNN; đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện.
 
Tại phiên họp, đại diện Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội các địa phương đánh giá cao Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của UBTVQH quy định về quy chế lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách Trung ương và phê chuẩn quyết toán NSNN hàng năm. Các đại biểu phát biểu ý kiến tập trung vào một số nội dung còn nhiều ý kiến chưa thống nhất của dự thảo Nghị quyết như: Nội dung thẩm tra, hình thức thẩm tra, thời gian gửi các báo cáo, hệ thống mẫu biểu...
 
Thẩm tra về việc ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 387/2003/NQ-UBTVQH11, UBTCNS cơ bản nhất trí với đề nghị của Chính phủ về sự cần thiết phải sửa đổi Nghị quyết số 387/2003/NQ-UBTVQH11, về kết cấu và tên gọi của dự thảo Nghị quyết, đối tượng áp dụng... UBTCNS cũng đưa ra một số ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu, khắc phục về việc gửi tài liệu đến các Ủy ban khác của Quốc hội, thời hạn gửi tài liệu; Căn cứ để phân bổ ngân sách trung ương hàng năm; Sự phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội, Kiểm toán nhà nước (KTNN) trong việc lập, xây dựng các báo cáo do Chính phủ trình UBTVQH và Quốc hội; Về nội dung thẩm tra, tổ chức thẩm tra, các biểu mẫu...
 
         
 Phó Chủ tịch UBTCNS của Quốc hội Đinh Văn Nhã phát biểu tại phiên họp
 
UBTCNS đề nghị dự thảo cần thể hiện rõ hơn về quyền và trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, KTNN trong việc tham dự các cuộc họp có liên quan về tài chính ngân sách của Bộ Tài chính, Chính phủ. UBTCNS cho rằng, dự thảo đã bổ sung nhiều quy định đối với KTNN. Tuy nhiên, nếu quy định KTNN ngoài việc tham gia với UBTCNS còn phải tham gia với Hội đồng dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội trong thẩm tra các báo cáo dự toán, phân bổ, quyết toán ngân sách nhà nước thì khó khả thi và không thực hiện được. Do đó, chỉ nêu quy định KTNN tham gia với UBTCNS trong thẩm tra loại báo cáo trên là hợp lý.
 
Nhận xét dự thảo còn quy định khá chung chung về việc tham gia ý kiến bằng văn bản của KTNN trong việc xem xét, thẩm tra các báo cáo về dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTW, phương án điều chỉnh dự toán NSNN, UBTCNS đề nghị Cơ quan soạn thảo quy định cụ thể hơn về nội dung, phạm vi và thời hạn gửi văn bản tham gia ý kiến của KTNN...
 
Phát biểu tại phiên họp về ý kiến của KTNN, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa đề nghị Cơ quan soạn thảo nên xem xét lại một số nội dung quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 17 về báo cáo của KTNN tham gia ý kiến đối với các báo cáo dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương để đảm bảo phù hợp với Luật KTNN 2015, Luật NSNN. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc về điểm b, khoản 3, Điều 14 về thời gian Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến đối với quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm; thời gian gửi báo cáo kiểm toán, báo cáo quyết toán ngân sách để đảm bảo được thời gian kiểm toán cũng như chất lượng của các cuộc kiểm toán...
 
* Chiều cùng ngày, phiên họp cũng thảo luận và cho ý kiến về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên giai đoạn 2016 - 2020./.
 
M. Thuý




Xem thêm »