Một số điểm mới đáng lưu ý trong Quy chế đào tạo, bồi dưỡng của Kiểm toán nhà nước mới ban hành

29/09/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Quy chế đào tạo, bồi dưỡng công chức Kiểm toán nhà nước (KTNN) được ban hành kèm theo Quyết định số 459/QĐ-KTNN ngày 27/3/2012 của Tổng Kiểm toán nhà nước, trước những đổi mới trong hoạt động thực tiễn của Ngành, Quy chế đào tạo, bồi dưỡng ban hành đã bộc lộ một số hạn chế như: Chưa quy định bao quát đầy đủ các đối tượng đào tạo, bồi dưỡng; chưa cập nhật hết các nội dung đào tạo theo định hướng phát triển của KTNN về các loại hình kiểm toán như kiểm toán hoạt động, kiểm toán môi trường, kiểm toán công nghệ thông tin; chưa phân cấp mạnh và rõ ràng cho các đơn vị trực thuộc có chức năng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng của Ngành…

Xuất phát từ những hạn chế trên, cùng với việc triển khai Luật KTNN năm 2015, KTNN đã thực hiện sửa đổi Quy chế đào tạo, bồi dưỡng trên quan điểm nhất quán, xuyên suốt, bảo đảm sự lãnh đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước đối với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của KTNN. Đồng thời phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của từng cấp, phù hợp với thực tiễn hoạt động, chức năng, nhiệm vụ có tính khả thi và hiệu quả trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của toàn Ngành.

Quá trình tổ chức xây dựng Quy chế đào tạo, bồi dưỡng được thực hiện bài bản, khoa học và chặt chẽ từ chủ trương sửa đổi xin ý kiến của Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước và gửi lấy ý kiến các đơn vị trong toàn Ngành qua nhiều lần. Ngày 23/9/2016 Tổng Kiểm toán nhà nước đã ký Quyết định số 1616/QĐ-KTNN ban hành Quy chế đào tạo, bồi dưỡng của KTNN bao gồm 09 Chương và 51 Điều khoản. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23/9/2016 và thay thế Quy chế đào tạo, bồi dưỡng công chức Kiểm toán nhà nước được ban hành theo Quyết định số 459/QĐ-KTNN ngày 27/3/2012 của Tổng Kiểm toán nhà nước.

Quy chế đào tạo, bồi dưỡng của KTNN có những điểm mới nổi bật:

Đối với công tác xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng 

Vụ Tổ chức cán bộ là đơn vị chủ trì xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của KTNN, tham mưu cho Tổng Kiểm toán nhà nước xây dựng định hướng, thẩm định và phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng.

Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán có trách nhiệm tham gia xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của KTNN, phối hợp với các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, trong đó xác định chi tiết về đối tượng, thời gian, số lượng lớp, số lượng học viên, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng và gửi về Vụ Tổ chức cán bộ.

Xây dựng, thẩm định chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng

Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán là đơn vị chủ trì đề xuất các chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng cần xây dựng, tổ chức biên soạn và trình Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, phê duyệt. Đồng thời Trườngcó trách nhiệm tham mưu, trình Tổng Kiểm toán nhà nước qua Vụ Tổ chức cán bộ việc thành lập Hội đồng thẩm định giúp Tổng Kiểm toán nhà nước thẩm định các tài liệu đào tạo, bồi dưỡng của KTNN.

Về đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về lĩnh vực công nghệ thông tin và kiểm toán công nghệ thông tin

Ngoài các Chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo ngạch, bậc, kỹ năng và bồi dưỡng lãnh đạo quản lý cấp phòng, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán là đơn vị chủ trì tổ chức và quản lý các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về lĩnh vực công nghệ thông tin, kiểm toán công nghệ thông tin và kiểm toán môi trường; các đơn vị khác phối hợp theo chức năng nhiệm vụ được Tổng Kiểm toán nhà nước giao và theo đề nghị của đơn vị chủ trì tổ chức đào tạo, bồi dưỡng.

Về tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng có yếu tố nước ngoài

Quy chế đã bổ sung nội dung quy định về việc tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng có yếu tố nước ngoài. Theo đó, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán chủ trì, phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng do các chuyên gia, tổ chức nước ngoài giảng dạy tại KTNN hoặc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho người nước ngoài học tại KTNN. Vụ Hợp tác quốc tế chủ trì tổ chức thực hiện các lớp đào tạo, bồi dưỡng, các hội thảo do các tổ chức quốc tế tổ chức và giao cho KTNN Việt Nam đăng cai thực hiện. 

Về phối hợp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng

Quy chế đào tạo, bồi dưỡng mới ban hành đã làm rõ trách nhiệm của đơn vị chủ trì - chủ trì xây dựng kế hoạch, nội dung đào tạo, bồi dưỡng; chương trình tổ chức lớp; mời giảng viên; bố trí cơ sở vật chất và điều kiện phục vụ lớp học... và đơn vị phối hợp theo chức năng nhiệm vụ được Tổng Kiểm toán nhà nước giao và theo đề nghị của đơn vị chủ trì tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trong công tác tổ chức đào tạo, bồi dưỡng ở KTNN.

Về giảng viên

Quy chế mới đã được sửa đổi, bổ sung cụ thể các nội dung về giảng viên, tiêu chuẩn, trách nhiệm và quyền của cán bộ, công chức, viên chức tham gia giảng dạy.

Về đối tượng, điều kiện tiêu chuẩn và thủ tục chọn, cử đi học

Quy chế mới đã bổ sung thêm các nội dung phù hợp với Luật KTNN năm 2015 và thực tiễn hoạt động của Ngành như: Bổ sung thêm đối tượng đào tạo, bồi dưỡng là viên chức nhằm bao quát hết các đối tượng được đào tạo, bồi dưỡng; quy định về cam kết làm việc cho KTNN sau khi hoàn thành khóa học; cụ thể hóa các đối tượng và điều kiện đi đào tạo theo từng ngạch bậc chuyên môn (KTV, KTVC, KTVCC) theo chức vụ lãnh đạo, quản lý…; bổ sung điều kiện được cử đi đào tạo ở nước ngoài đồng thời thay đổi điều kiện đối với các đối tượng được cử đi đào tạo chứng chỉ kế toán, kiểm toán quốc tế (ACCA, CPA…) phải có tuổi đời dưới 40 tuổi, giảm 5 tuổi so với Quy chế cũ; trình độ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu của khóa học; bổ sung các quy định đầy đủ hơn về trình tự, thủ tục chọn, cử công chức, viên chức tham gia các khóa đào tạo bồi dưỡng; công chức, viên chức có nhu cầu đào tạo sau đại học và các khóa đào tạo, bồi dưỡng khác tự chi trả các khoản kinh phí học tập, học ngoài giờ hành chính và việc học tập không được ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan. 

Về xử lý vi phạm và đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng

Quy chế đào tạo, bồi dưỡng mới ban hành của KTNN đã tách riêng việc xử lý vi phạm và đền bù thành 01 chương độc lập, nhằm chi tiết từng trường hợp vi phạm trong công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức của KTNN làm cơ sở, căn cứ cho việc thực hiện như: Bổ sung nội dung về xử lý vi phạm đối với công chức, viên chức chưa hoàn thành việc đào tạo, bồi dưỡng tại Điều 46, đồng thời quy định về xác định gắn mức độ hoàn thành nhiệm vụ của công chức, viên chức với mức độ hoàn thành khóa học. Đối với các trường hợp không gia hạn khóa học và không trở về cơ quan báo cáo thì sẽ bị xử lý theo các quy định hiện hành về quản lý cán bộ, công chức của KTNN và quản lý công dân của Nhà nước Việt Nam; bổ sung quy định về đối tượng đền bù chi phí và các trường hợp phải đền bù chi phí đào tạo tại

Điều 47 và Điều 48 của Quy chế mới ban hành.

Về trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị trực thuộc KTNN trong công tác đào tạo, bồi dưỡng

Quy chế mới ban hành đã có quy định rõ hơn về trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc KTNN và được lồng ghép trong quy định tại từng Chương của Quy chế đào tạo, bồi dưỡng như công tác thẩm định chương trình tài liệu đào tạo, bồi dưỡng; phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán trong công tác xây dựng Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; trách nhiệm về việc xét, cử công chức, viên chức đi học… 

 Ngọc Vân

Xem thêm »