Thẩm định tài liệu đào tạo, bồi dưỡng chuyên đề “Kỹ năng xác định rủi ro và trọng yếu kiểm toán trong kiểm toán tài chính tại các doanh nghiệp”

22/02/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Ngày 21/2/2017, tại Hà Nội, Hội đồng Thẩm định tài liệu đào tạo, bồi dưỡng của Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã tổ chức họp Hội đồng thẩm định tài liệu Chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng kiểm toán doanh nghiệp, chuyên đề “Kỹ năng xác định rủi ro và trọng yếu kiểm toán trong kiểm toán tài chính tại các doanh nghiệp”. Dự họp có các thành viên Hội đồng thẩm định. TS. Lê Đình Thăng - Giám đốc trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định.

Toàn cảnh buổi thẩm định

 
Dự họp có đại diện lãnh đạo đơn vị chủ trì soạn thảo: Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI Nguyễn Anh Tuấn, Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI Lê Minh Nam, Kiểm toán viên Ngô Xuân Tuấn - KTNN chuyên ngành VI chủ trì biên soạn tài liệu.
 
Theo dự thảo tài liệu giảng dạy, chuyên đề “Kỹ năng xác định rủi ro và trọng yếu kiểm toán trong kiểm toán tài chính tại các doanh nghiệp” được biên soạn với thời lượng dự kiến là 16 tiết, tập trung vào các đối tượng là công chức được phân công kiểm toán trong lĩnh vực doanh nghiệp có từ 4-8 năm kinh nghiệm, các đối tượng khác cần bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán tài chính trong lĩnh vực doanh nghiệp.
 
Chuyên đề “Kỹ năng xác định rủi ro và trọng yếu kiểm toán trong kiểm toán tài chính tại các doanh nghiệp” được xây dựng nhằm trang bị cho học viên kỹ năng xác định rủi ro và trọng yếu phục vụ công tác lập kế hoạch kiểm toán, thực hiện kiểm toán trong kiểm toán tài chính tại doanh nghiệp.
 
Nội dung của chuyên đề gồm: Các kiến thức và kỹ năng về xác định rủi ro trong kiểm toán doanh nghiệp; Khái niệm rủi ro; Sự cần thiết của việc xác định rủi ro; Nội dung xác định rủi ro trong kiểm toán doanh nghiệp; Kỹ năng xác định trọng yếu trong kiểm toán doanh nghiệp; Khái niệm trọng yếu; Sự cần thiết của việc xác định trọng yếu trong kiểm toán doanh nghiệp; Nội dung xác định trọng yếu trong kiểm toán doanh nghiệp.
 
                
 Các Kiểm toán viên đang thực hiện nghiệp vụ chuyên môn
 
Nhận xét về chuyên đề, đa số các thành viên trong Hội đồng cho rằng: Về nội dung tài liệu, chuyên đề cơ bản đã bám sát Đề cương được duyệt, bao quát được các vấn đề để truyền tải cho đối tượng học viên đào tạo. Về tính khoa học của tài liệu, chuyên đề được xây dựng có luận cứ khoa học của lý thuyết kiểm toán nói chung, các quy định của KTNN nói riêng đối với các đơn vị kiểm toán trong lĩnh vực doanh nghiệp. Về giá tri ứng dụng của tài liệu, chuyên đề sau khi được nghiêm thu sẽ giúp cho Trường triển khai cho các lớp đào tạo đối với học viên.
 
Góp ý hoàn thiện chuyên đề, theo các thành viên Hội đồng thẩm định, Ban biên soạn cần rà soát lại thời lượng (lý thuyết, thực hành, ôn tập, kiểm tra) của chuyên đề cho phù hợp với Đề cương chi tiết của Chương trình bồi dưỡng; cân đối về dung lượng tài liệu sao cho phù hợp với thời lượng đào tạo chuyên đề; bổ sung thêm một số kinh nghiệm thực tế, kết quả kiểm toán của các cuộc kiểm toán làm ví dụ minh chứng cho lý thuyết, kỹ năng xác định rủi ro và trọng yếu kiểm toán trong kiểm toán tài chính tại các doanh nghiệp; cần làm nổi bật kỹ năng xác định rủi ro và trọng yếu kiểm toán được áp dụng trong kiểm toán tài chính tại các doanh nghiệp và bổ sung thêm những kinh nghiệm thực tiễn trong xác định rủi ro, trọng yếu để thực hiện công việc có chất lượng và tiết kiệm thời gian, nhân sự…
 
Kết luận buổi thẩm định, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Lê Đình Thăng đánh giá cao sự chuẩn bị của Ban soạn thảo, đồng thời yêu cầu Ban biên soạn tiếp thu các ý kiến của Hội đồng thẩm định để hoàn thiện chuyên đề. Theo TS. Lê Đình Thăng vì chuyên đề được xác định là tài liệu phục vụ công tác đào tạo, giảng dạy và tài liệu tham khảo cho học viên, nên tài liệu cần đảm bảo về dung lượng và thời lượng giảng dạy; bên cạnh đó, tài liệu cần tham khảo, cập nhật thêm những nội dung có liên quan để làm phong phú và sâu sắc hơn các nội dung được đưa ra; Tài liệu cần bổ sung thêm Lời nói đầu cũng như lựa chọn ví dụ điển hình để làm ví dụ xuyên suốt của tài liệu... Hội đồng thẩm định đánh giá tài liệu đạt yêu cầu nhưng cần bổ sung, sửa đổi theo ý kiến của các thành viên Hội đồng và ý kiến kết luận của Chủ tịch Hội đồng./.
 
Phương Vân

Xem thêm »