Ban Cán sự đảng KTNN làm việc với Đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo Đề án Trung Ương 6

12/04/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày 12/4/2017, tại Hà Nội, Ban Cán sự đảng Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã có buổi làm việc với Đoàn khảo sát số 5 của Ban Chỉ đạo Đề án TW6 nhằm trao đổi thông tin phục vụ Xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Trưởng Đoàn khảo sát phát biểu tại buổi làm việc

Dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư TW Đảng, Chánh Văn phòng TW Đảng, Trưởng Đoàn khảo sát; các đồng chí thành viên trong Đoàn khảo sát số 5. Về phía KTNN có các đồng chí: Hồ Đức Phớc, Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Ban cán sự, Bí thư Đảng ủy, Tổng Kiểm toán nhà nước; các đồng chí ủy viên Ban cán sự Đảng, Ban Thường vụ Đảng ủy KTNN, Chánh văn phòng Đảng – Đoàn thể.

Phát biểu quán triệt nội dung và phương pháp làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Nên cho biết: Theo Kế hoạch số 05-KH/BCĐ của Ban Chỉ đạo Đề án TW6, nội dung làm việc, khảo sát tập trung thảo luận các vấn đề về tình hình, kết quả thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, các văn bản pháp luật của Nhà nước về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác, cơ cấu tổ chức, biên chế của cơ quan, đơn vị.

Bên cạnh đó, các đại biểu cần tập trung phân tích, đánh giá những việc đã làm được; những việc chưa làm được; chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc, bất cập, hạn chế, yếu kém; nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong thực hiện. Chú trọng nêu những thuận lợi, khó khăn, sự chồng chéo về tổ chức và trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; xác định mối quan hệ công tác giữa các cơ quan, các cấp, các ngành. Đề xuất phương hướng, nhiệm vụ về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; định hướng sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế; sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thời gian tới. Ngoài các nội dung trên, các đại biểu tập trung làm rõ những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, bất hợp lý khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong điều kiện cùng một lúc có 2 tổ chức đảng (đảng ủy và đảng đoàn, ban cán sự đảng) thực hiện chức năng lãnh đạo đối với chính quyền và các tổ chức chính trị-xã hội trong cơ quan.

Tại buổi làm việc, thay mặt Ban Cán sự Đảng KTNN, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Quang Thành báo cáo tóm tắt về đặc điểm tình hình của KTNN; Thực trạng về vai trò lãnh đạo của Ban Cán sự Đảng và Đảng ủy đối với nhiệm vụ chính trị và xây dựng Đảng; Một số khó khăn vướng mắc trong vận hành chức năng nhiệm vụ của KTNN, về phương thức lãnh đạo của Đảng trong mối quan hệ giữa Ban Cán sự đảng với Ban Thường vụ, Đảng ủy KTNN; Một số đề xuất kiến nghị xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong thời gian tới. 

Báo cáo cho thấy, địa vị pháp lý của KTNN cũng như Tổng Kiểm toán nhà nước đã được Hiến định trong Hiến pháp. Tổ chức và hoạt động của KTNN thực hiện theo Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015. Theo đó, KTNN là cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kiểm tra tài chính, tài sản công do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Cơ cấu, tổ chức của KTNN hiện nay gồm 32 đơn vị trực thuộc, trong đó: 08 đơn vị tham mưu thuộc bộ máy điều hành, 08 KTNN chuyên ngành, 13 KTNN khu vực và 03 đơn vị sự nghiệp. 

Đảng bộ KTNN có 32 tổ chức đảng trực thuộc, trong đó có 12 đảng bộ cơ sở; 10 đảng bộ bộ phận; 04 chi bộ cơ sở; 06 chi bộ trực thuộc; tổng số đảng viên là 1.390 đồng chí. 

Bên cạnh sự lãnh đạo của Ban Chấp hành đảng bộ KTNN, Ban Cán sự đảng KTNN cũng được thành lập để thực hiện vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng đảng. Ban Cán sự đảng hiện nay có 07 đồng chí, đồng chí Tổng Kiểm toán nhà nước là Bí thư Ban Cán sự đảng và Bí thư Đảng ủy. Sự phối hợp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Cán sự đảng, Đảng ủy và lãnh đạo KTNN luôn được duy trì thông qua quy chế phối hợp công tác, góp phần lãnh đạo thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Ngành. 

Ban Cán sự Đảng và Đảng ủy KTNN đã lãnh đạo xây dựng hoàn thiện một bước hệ thống văn bản về tổ chức và hoạt động của KTNN; từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý, văn bản hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Ngành, tạo cơ sở pháp lý quan trọng và lâu dài cho tổ chức và hoạt động của KTNN.

Bên cạnh đó, Ban Cán sự đảng chỉ đạo thực hiện chủ trương về đổi mới và nâng cao chất lượng kiểm toán trên năng lực, hiệu lực, hiệu quả từ việc ban hành kế hoạch kiểm toán đến tổ chức thực hiện, kiểm soát chất lượng kiểm toán và kiểm tra tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. KTNN luôn coi con người là trung tâm, tổ kiểm toán là nền tảng chất lượng trong hoạt động kiểm toán, vì vậy cán bộ KTNN phải giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức phẩm chất hoàn thành nhiệm vụ.
Trong xây dựng kế hoạch kiểm toán hàng năm, Ban Cán sự đảng đưa ra định hướng, mục tiêu, trọng tâm kiểm toán và phương pháp kiểm toán của năm tới. Trên cơ sở chủ trương đã phê duyệt, các đơn vị tham mưu Tổng Kiểm toán nhà nước phối hợp các đơn vị trong và ngoài Ngành xây dựng, ban hành kế hoạch kiểm toán năm. Bên cạnh đó, Đảng ủy KTNN phối hợp với Ban Cán sự đảng ban hành các nghị quyết để lãnh đạo, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác... 

Đối với công tác tổ chức bộ máy, Ban Cán sự đảng cho chủ trương về tổ chức và kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy của toàn Ngành theo từng giai đoạn 2013-2017, định hướng chỉ đạo củng cố, kiện toàn các đơn vị trực thuộc đảm bảo hoạt động hiệu quả. 

Đối với công tác cán bộ, Ban Cán sự đảng quyết định các chủ trương về công tác cán bộ, bao gồm: Công tác quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật cán bộ và những vấn đề khác theo quy định của Trung ương. Trên cơ sở các chủ trương, định hướng về công tác cán bộ, Ban Thường vụ Đảng ủy tham gia ý kiến với Ban Cán sự đảng và Tổng Kiểm toán nhà nước về công tác quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật cán bộ theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ và những vấn đề khác theo quy định của Trung ương. 

Ban Cán sự đảng cho chủ trương về hệ thống chương trình đào tạo của KTNN, cho chủ trương, định hướng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức theo từng giai đoạn và hàng năm, trên cơ sở đó, Tổng Kiểm toán nhà nước triển khai thực hiện, ban hành chương trình bồi dưỡng kỹ năng kiểm toán và Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng năm…

Về công tác xây dựng Đảng, trong thời gian vừa qua Đảng ủy KTNN và Ban Cán sự đảng đã rất quan tâm, chú trọng trong việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, cụ thể hóa vai trò của đảng thông qua việc xây dựng các văn bản Đảng ủy và lãnh đạo KTNN lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng việc ban hành các nghị quyết, chỉ thị chỉ đạo của các cấp ủy đảng. Bên cạnh đó, trên cơ sở các nghị quyết của trung ương, Ban Cán sự đảng phối hợp với Đảng ủy KTNN triển khai thực hiện, từ việc quán triệt, lựa chọn các vấn đề, nội dung phù hợp để cụ thể hóa thành chương trình hành động, tổ chức kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết thực hiện nghị quyết…

Trong những năm qua, Ban Cán sự đảng phối hợp với Đảng ủy KTNN đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nhất là giáo dục về tư tưởng liêm chính, bản lĩnh vững vàng,văn hóa ứng xử, đạo đức nghề nghiệp là cốt lõi của vấn đề tư tưởng. Ban Cán sự đảng, Đảng ủy và Tổng Kiểm toán nhà nước đã đẩy mạnh tăng cường phân công, phân cấp trong công tác lãnh đạo, quản lý đối với trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ được giao và quản lý đội ngũ. Những đơn vị xảy ra vi phạm đều xem xét trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, đứng đầu cấp ủy. Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc phê bình và tự phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII); lãnh đạo, chỉ đạo việc tăng cường trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. 

Ban Cán sự đảng và Đảng ủy rất coi trọng công tác kiểm tra, giám sát trong toàn đảng bộ. Qua kiểm tra, giám sát đã thể hiện được vai trò lãnh đạo của cấp ủy trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Báo cáo cũng chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc trong vận hành chức năng, nhiệm vụ hiện nay, đặc biệt trong công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán và triển khai thực hiện nhiệm vụ kiểm toán như việc chồng chéo, trùng lắp với kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các Bộ, ngành, địa phương, nhất là trong việc kiểm toán các dự án đầu tư xây dựng cơ bản. 

Về xây dựng, phát triển hệ thống chính trị còn một số vướng mắc và thách thức, như: Đối tượng và phạm vi kiểm toán thay đổi, rộng hơn trong khi quy mô, tần suất kiểm toán chưa đáp ứng so với yêu cầu thực tiễn; Nội dung, loại hình kiểm toán chưa đáp ứng yêu cầu so với thực tiễn đặt ra và luật KTNN quy định, chưa tương đồng với thông lệ quốc tế và khu vực; Việc tổ chức thực hiện kiểm toán nợ công còn hạn chế, chưa đầy đủ và đáp ứng yêu cầu đặt ra; Tính hiệu lực, hiệu quả của các đánh giá, kết luận và kiến nghị kiểm toán chưa cao, nhất là việc kịp thời khai thác, sử dụng kết quả kiểm toán phục vụ cho công tác quản lý, giám sát ngân sách và xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia; Hiệu lực thực hiện các kết luận và kiến nghị kiểm toán về xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân đối với các sai phạm chưa đầy đủ và nghiêm minh; Khó khăn về nguồn nhân lực và tính chuyên nghiệp của đội ngũ kiểm toán viên còn khoảng cách so với yêu cầu của chuẩn mực quốc tế… 

Nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc trên là do việc hoàn thiện cơ sở pháp lý về tổ chức và hoạt động của KTNN chưa tương thích, đầy đủ và đồng bộ; Cơ cấu tổ chức bộ máy của KTNN chưa được kiện toàn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao do đối tượng và phạm vi kiểm toán rộng hơn; Đội ngũ nguồn nhân lực vừa thiếu về số lượng, vừa hạn chế về chất lượng và cơ cấu trình độ, chuyên môn nghiệp vụ còn bất cập…

Để xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong thời gian tới, Ban Cán sự Đảng KTNN đưa ra một vài đề xuất, kiến nghị: Đề nghị Bộ Chính trị kiến nghị với Chính phủ để chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, nhất là các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra ở các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Thông báo số 98/TB-VPCP ngày 22/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ để tránh sự trùng lắp, chồng chéo trong kế hoạch kiểm tra, tránh gây khó khăn cho địa phương, doanh nghiệp; Đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục quan tâm đến việc xây dựng và nâng cao năng lực của cơ quan KTNN, phê duyệt Đề án Tổ chức, biên chế của KTNN đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 để KTNN đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ theo Luật KTNN năm 2015; Đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước; Đề nghị tăng cường vai trò của cấp ủy trong các cơ quan, đơn vị đảm bảo tính thực quyền trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và xây dựng Đảng.

Tại buổi làm việc các thành viên Đoàn Khảo sát và Ban Cán sự, Ban Thường vụ Đảng ủy KTNN đã thẳng thắn trao đổi và làm rõ nhiều nội dung theo gợi ý của đồng chí Nguyễn Văn Nên, qua đó Đoàn Khảo sát có thêm nhiều thông tin để hiểu hơn về cơ cấu tổ chức, bộ máy cũng như hoạt động chuyên môn cùng với những vướng mắc, khó khăn trong triển khai nhiệm vụ của KTNN, nhằm xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu tại buổi làm việc

Trên cơ sở ý kiến phát biểu của các đại biểu, Bí thư Ban Cán sự, Bí thư Đảng ủy, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc đã làm rõ hơn một số thông tin được quan tâm trao đổi tại buổi làm việc, đặc biệt là việc chồng chéo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ giữa KTNN với một số cơ quan Thanh tra; công tác tổ chức bộ máy, biên chế của KTNN. 

Theo Tổng Kiểm toán nhà nước, thời gian vừa qua, KTNN đã thực hiện nghiêm túc các nội dung các Nghị quyết của Trung ương về đối mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị. KTNN cũng quán triệt việc thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở. KTNN đề xuất thành lập KTNN chuyên ngành VIII thực hiện kiểm toán chuyên ngành về đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường và tài nguyên khác; thành lập Vụ Tài chính trên cơ sở tách Ban Tài chính hiện đang trực thuộc Văn phòng KTNN để phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước và là đơn vị đầu mối trong quản lý, chỉ đạo tài chính kế toán 18 đơn vị dự toán trực thuộc có con dấu riêng, tài khoản sử dụng kinh phí độc lập của Kiểm toán nhà nước và đổi tên Trung tâm Tin học thành Trung tâm Công nghệ thông tin và Lưu trữ thư viện. Như vậy, so với Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 được Ủy ban Thường vụ quốc hội ban hành năm 2010, giảm được 6 đơn vị trực thuộc. Số lượng biên chế giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn 2030, giảm khoảng 500 người.

Phát biểu kết thúc buổi làm việc, đồng chí Trần Quốc Toản, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, đại diện Đoàn Khảo sát đánh giá cao công tác chuẩn bị của Ban Cán sự Đảng KTNN nhằm phục vụ tốt nhất cho buổi làm việc của Đoàn; đồng thời cam kết sử dụng hiệu quả các thông tin hữu ích được Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy KTNN cung cấp tại buổi làm việc./.

Phương Vân

Xem thêm »