Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm và làm việc với Kiểm toán nhà nước: Kiểm toán nhà nước phải là công cụ quan trọng trong phòng, ngừa tham nhũng, chống lãng phí

13/04/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Ngày 13/4/2017, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước – 111 Trần Duy Hưng, Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đại Quang đã đến thăm và làm việc với Kiểm toán nhà nước (KTNN).
 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại buổi làm việc

 
Cùng đi với Chủ tịch nước có các đồng chí lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước, Vụ chuyên môn của Văn phòng Chủ tịch nước; đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Thanh tra Chính phủ.
 
Về phía KTNN có Ủy viên BCHTW Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc, các đồng chí Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc KTNN.
 
Thay mặt Lãnh đạo KTNN, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên báo cáo với Chủ tịch nước và Đoàn công tác về tình hình thực hiện, chức năng, nhiệm vụ thời gian qua cũng như phương hướng nhiệm vụ năm 2017 của KTNN.
 
        
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên báo cáo về tình hình thực hiện, chức năng, nhiệm vụ của KTNN
 
Về thực hiện nhiệm vụ kiểm toán, trong thời gian qua, đặc biệt trong năm 2016, hoạt động kiểm toán đã có bước chuyển biến mạnh mẽ, đổi mới toàn diện về nội dung, phương pháp và cách thức thực hiện, hiệu lực, hiệu quả; chất lượng kiểm toán không ngừng được nâng cao trong tất cả các khâu, giai đoạn kiểm toán.
 
Năm 2016, tổng hợp kết quả kiểm toán của 276 cuộc kiểm toán của Kế hoạch kiểm toán năm 2016, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 38.331 tỷ đồng, trong đó tăng thu 11.351 tỷ đồng, giảm chi 16.173 tỷ đồng. Đây là kết quả cao nhất trong 22 năm hoạt động của KTNN và tăng gấp 2 lần so với năm 2015 (19.863 tỷ đồng).
 
Kết quả kiểm toán đã góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật của nhà nước và góp phần tích cực vào việc phòng, ngừa tham nhũng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm trong các cơ quan, đơn vị được kiểm toán thông qua việc kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ các văn bản quy phạm pháp luật. Năm 2016, KTNN đã kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ 150 văn bản nhằm bịt chỗ hổng thất thoát, lãng phí từ cơ chế, chính sách (04 nghị định, 20 thông tư, 09 nghị quyết, 28 quyết định, 89 văn bản khác); đồng thời, KTNN đã kiến nghị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với hàng trăm tập thể và cá nhân về những tồn tại, sai phạm phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán; chuyển nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra; cung cấp hàng chục bộ hồ sơ, tài liệu cho các Đoàn giám sát của Quốc hội, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát và thực hiện tố tụng. Bên cạnh đó, nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính, tài sản công của các Bộ, ngành, địa phương và đơn vị được kiểm toán đã được phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh kịp thời...
 
Ngoài những kết quả trên, trong năm 2016, hoạt động của KTNN có những nét nổi bật: Kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, trong đó xác định giá trị vốn nhà nước tại 07 doanh nghiệp đã làm tăng thêm giá trị vốn nhà nước 20.818 tỷ đồng.
 
Qua kiểm toán 27 Dự án giao thông theo hình thức hợp đồng BOT (Riêng năm 2016 thực hiện kiểm toán 21 dự án BOT), KTNN đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của các dự án so với phương án tài chính ban đầu 107,4 năm, đã giảm khó khăn cho việc đi lại của người dân và chi phí cho doanh nghiệp. Trong đó, dự án giảm nhiều nhất là 13 năm 01 tháng, 12 ngày - Dự án công trình mở rộng QL1 đoạn Km 1488-Km1525, tỉnh Khánh Hòa. KTNN đã kịp thời kiến nghị các cơ quan chức năng chấm dứt việc thu phí đối với Dự án Tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua Thị xã Tam Kỳ và đường ĐT 618 huyện Núi Thành tỉnh Quảng Nam theo quy định của pháp luật, giảm thời gian thu phí hơn 3 năm.
 
KTNN đã kiểm toán việc quản lý chi dịch vụ công ích tại các tỉnh thành lớn, tỷ lệ để lại đơn vị thu sử dụng đối với một số khoản phí, lệ phí lớn không hợp lý, sử dụng không hiệu quả.
 
Kiểm toán đã phát hiện sơ hở trong quản lý thu ngân sách, chống thất thu thuế từ các doanh nghiệp, trong đó có một số đơn vị có kiến nghị nộp NSNN lớn như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) 2.054 tỷ đồng, TCT Thương mại Sài Gòn-TNHH MTV 1.755 tỷ đồng, TCT Địa ốc Sài Gòn-TNHH MTV 1.264 tỷ đồng…Qua kiểm tra, đối chiếu 1.653 người nộp thuế, KTNN kiến nghị các khoản phải nộp NSNN tăng thêm 2.050 tỷ đồng, cá biệt như: Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tăng thêm 882 tỷ đồng. Đặc biệt, hiệu lực hoạt động kiểm toán đã có sự tiến bộ vượt bậc, tỷ lệ thực hiện các kết luận và kiến nghị của KTNN qua từng năm ngày càng được nâng lên. Năm 2016 trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng các đơn vị được kiểm toán đã thực hiện xử lý tài chính 15.794 tỷ đồng, bằng 75,6% số kiến nghị kiểm toán năm 2015 (20.894 tỷ đồng) của KTNN, tăng cao so với kiến nghị kiểm toán năm 2014 (64,3%), trong đó số liệu kiến nghị tăng thu, giảm chi NSNN đã thực hiện 10.195 tỷ đồng/12.382 tỷ đồng, đạt 82,3%, cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, một số đơn vị có số liệu phải nộp bổ sung NSNN lớn đã thực hiện nghiêm túc kết luận và kiến nghị kiểm toán như: Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội đã nộp 931 tỷ đồng, Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài gòn đã nộp 408 tỷ đồng; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã nộp 4.178 tỷ đồng; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã nộp 1.938 tỷ đồng vào NSNN.
 
Về hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động kiểm toán, nhằm bảo đảm tính hiệu lực, toàn diện và đồng bộ về tổ chức, hoạt động của KTNN trong hệ thống pháp luật, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp năm 2013, trong đó bổ sung Điều 118 quy định về địa vị pháp lý của KTNN và Tổng Kiểm toán nhà nước; thông qua Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 với nhiều nội dung mới tạo tiền đề, cơ sở pháp lý vững chắc cho sự phát triển của KTNN. Năm 2016, KTNN đã triển khai có hiệu quả Hiến pháp và Luật Kiểm toán nhà nước với việc ban hành hàng chục văn bản hướng dẫn thi hành, gắn với cải cách hành chính trong tổ chức và thực hiện nhiệm vụ được giao: Hệ thống 39 chuẩn mực KTNN theo chuẩn quốc tế đã chính thức được ban hành, áp dụng vào thực tế hoạt động kiểm toán từ năm 2017; các Đề cương hướng dẫn nghiệp vụ kiểm toán theo từng lĩnh vực chuyên sâu, như: Đất đai, khoảng sản, môi trường, công nghệ thông tin, kiểm toán hoạt động.
 
Hiện nay, KTNN đang tập trung xây dựng Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn thi hành Luật KTNN năm 2015 và Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN, nhằm đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý và nâng cao hiệu lực hoạt động kiểm toán.
 
Về củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức và tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ. Thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020, thời gian qua tổ chức bộ máy của KTNN đã từng bước được kiện toàn, tương đối gọn nhẹ và hoạt động ổn định. Nhằm phát triển tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ công chức, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong việc thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và thực hiện chủ trương đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị của Đảng, KTNN đã xây dựng, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và được thông qua 03 Đề án trong lĩnh vực tổ chức cán bộ. Đề án tổ chức, biên chế của KTNN đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 tiếp tục trình Bộ Chính trị cho ý kiến vào quý II/2017. Đồng thời, Ban cán sự Đảng KTNN đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/BCS ngày 06/7/2016 về luân chuyển, điều động, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác và biệt phái đối với đảng viên, công chức, viên chức KTNN và đã triển khai ngay trong năm 2016 để kịp thời bổ sung cán bộ cho các đơn vị đang có khó khăn về cán bộ và đào tạo, rèn luyện, thử thách cán bộ có triển vọng phát triển, nhất là cán bộ trẻ, tạo lập môi trường làm việc chính quy, chuyên nghiệp, đổi mới trong mọi hoạt động của KTNN.
 
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của KTNN tiếp tục được đầu tư thông qua việc xây dựng các chương trình, tài liệu đào tạo chuyên sâu, giáo dục văn hóa ứng xử, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của Kiểm toán viên nhà nước. KTNN cũng có nhiều giải pháp để tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên có sai phạm, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, thiếu trách nhiệm trong công tác và sinh hoạt, xây dựng đội ngũ trong sạch vững mạnh.
 
Triển khai Đề án Tổng thể phát triển công nghệ thông tin giai đoạn 2015-2020, Tổng Kiểm toán nhà nước đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án “Xây dựng hệ thống thông tin KTNN”. Hiện KTNN đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư Dự án hợp phần 1 - Xây dựng hệ thống thông tin hỗ trợ hoạt động kiểm toán; xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán và công tác quản lý.
 
Về phương hướng nhiệm vụ năm 2017, KTNN xác định: “Phấn đấu cơ bản hoàn thành 08 mục đích của Kế hoạch chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013-2017, trong đó: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản thi hành Luật KTNN năm 2015; nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu lực và hiệu quả hoạt động kiểm toán trên cơ sở tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán; xây dựng đội ngũ công chức, Kiểm toán viên nhà nước trong sạch, chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch và hiệu quả, có đủ phẩm chất, năng lực và trình độ chuyên môn; tăng cường cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao”.
 
Tại buổi làm việc, KTNN cũng trân trọng đề nghị và xin ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước một số vấn đề: Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm Luật Kiểm toán nhà nước và các văn bản pháp luật liên quan; Cùng Bộ Chính trị quan tâm có ý kiến để phê duyệt Đề án Tổ chức, biên chế của KTNN đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 để KTNN đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Hiến pháp và Luật KTNN năm 2015; Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp với KTNN tổ chức thành công Đại hội lần thứ 14 của Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao Châu Á (ASOSAI) vào năm 2018 tại Hà Nội.
 
Do KTNN là cơ quan kiểm tra tài chính công, tài sản công phục vụ sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ trong công tác quản lý thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, tài chính và Ngân sách nhà nước, chính vì vậy KTNN mong được Chủ tịch nước định kỳ, hàng năm có kế hoạch làm việc, kiểm tra, giao nhiệm vụ và chỉ đạo hoạt động của KTNN, đặc biệt đối với các chương trình trọng điểm, các chương trình dự án mà Chủ tịch nước quan tâm chỉ đạo.
 
Tại buổi làm việc, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Quang Thành, đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc của KTNN đã phát biểu, làm rõ hơn về một số vấn đề về các mặt công tác: Chuyên môn, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, thông tin phục vụ hoạt động kiểm toán...
 
       
 Bà Vũ Thị Mai - Thứ trưởng Bộ Tài chính phát biểu tại buổi làm việc
 
Đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước đồng tình với những thông tin được KTNN đưa ra trong Báo cáo; đồng thời đánh giá cao những kết quả và vai trò quan trọng của KTNN trong việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương nền tài chính quốc gia; góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật của nhà nước, tích cực vào việc phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm trong các cơ quan, đơn vị có sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.
 
Phát biểu tại buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đại Quang đánh giá cao Báo cáo của KTNN cũng như các ý kiến trao đổi tại buổi làm việc. Chủ tịch nước ghi nhận những kết quả mà KTNN đã đạt được trong thời gian qua đã góp phần quan trọng giúp Lãnh đạo Đảng, Nhà nước thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.
 
Chủ tịch nước đánh giá: Trong thời gian qua, KTNN đã có bước trưởng thành vượt bậc, được minh chứng bằng chất lượng, hiệu lực, hiệu quả kiểm toán; tỷ lệ thực hiện kiến nghị, kết luận của KTNN được các đơn vị thực hiện nghiêm túc và tăng dần về số lượng. Đặc biệt hoạt động của KTNN ngày càng nhận được sự đồng thuận cao của các đơn vị được kiểm toán.
 
Về phướng hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị KTNN tập trung vào một số nội dung:
 
Trên cơ sở địa vị pháp lý của KTNN được hiến định, Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 đã có hiệu lực thi hành, KTNN cần đẩy nhanh việc tổ chức thực hiện và đưa Luật Kiểm toán nhà nước vào cuộc sống, tập trung xây dựng và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật; chú trọng sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý, quy trình công tác để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ của Ngành KTNN; khẳng định được địa vị pháp lý của KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
 
KTNN cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung những quy định không còn phù hợp; đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán; cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị được kiểm toán. KTNN cần chủ động kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền ngăn chặn, phòng ngừa và xử lý các hành vi vi phạm; chuyển cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu phạm tội. Các cơ quan tư pháp phải có trách nhiệm tiếp nhận, điều tra theo đúng quy định của pháp luật. KTNN phải chủ động kiểm toán những ngành, nghề, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng như đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường và các dự án đầu tư xây dựng. KTNN phải là công cụ quan trọng để phát hiện hiện tượng, dấu hiệu tham ô, tham nhũng, không tuân thủ pháp luật về kinh tế, tài chính, sử dụng kém hiệu quả các nguồn lực của nhà nước.
 
KTNN phải luôn theo sát và phục vụ quá trình quản lý, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan trung ương, cấp ủy và chính quyền địa phương trong hoạt động kiểm toán, góp phần tích cực, thiết thực vào công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước.
 
KTNN cần quan tâm tới công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, có tính kế thừa, đảm bảo hoạt động kiểm toán ổn định và có hiệu quả. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động kiểm toán; xây dựng đội ngũ công chức, Kiểm toán viên nhà nước đủ về số lượng, tinh thông nghiệp vụ, có đạo đức trong sáng, xứng đáng với 8 chữ vàng truyền thống của Ngành: Công minh-Chính trực-Nghệ tinh-Tâm sáng.
 
Ngoài ra, Ban cán sự, lãnh đạo KTNN cần chú trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, góp phần xây dựng KTNN hoạt động có hiệu quả, hiệu lực, thực hiện tốt nhiệm vụ được Đảng, nhà nước và nhân dân giáo phó.
 
      
 Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu tại buổi làm việc
 
Kết thúc buổi làm việc, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cảm ơn và tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước; đồng thời cam kết cùng toàn Ngành phát huy tinh thần đoàn kết, vượt qua các khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực trong việc xây dựng kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Tổng Kiểm toán nhà nước mong muốn tiếp tục nhận được sự chỉ đạo, quan tâm của Chủ tịch nước trong việc triển khai các nhiệm vụ của KTNN./.
 
Phương Vân

Xem thêm »