Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm toán các công trình kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT

16/08/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - "Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm toán để đầu tư phát triển công trình kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT được minh bạch, hiệu qủa” là một trong những kiến nghị được Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đưa ra trong Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT)”.


Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp

 
Theo chương trình làm việc phiên họp thứ 13 của UBTVQH, cả ngày 15/8/2017, UBTVQH tiến hành giám sát chuyên đề này. Dự họp có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các Phó Chủ tịch Quốc hội. Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển điều khiển phiên họp.
 
Dự họp còn có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; đại diện các Ủy ban của Quốc hội; đại diện một số Bộ, ngành có liên quan. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa và đại diện một số đơn vị chuyên môn thuộc KTNN cùng dự họp.
 
BOT - hướng đi đúng để phát triển hạ tầng giao thông
 
Tại cuộc họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Trưởng đoàn giám sát của UBTVQH Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.
 
       
 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Trưởng đoàn giám sát của UBTVQH Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát
việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT
 
Theo Trưởng Đoàn giám sát Vũ Hồng Thanh, việc thực hiện các dự án giao thông đầu tư theo hình thức BOT trong thời gian qua đã khiến diện mạo về hệ thống giao thông, đặc biệt là hệ thống đường, cầu có sự chuyển biến rõ rệt, phát huy hiệu quả, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, làm tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Xây dựng công trình giao thông qua hình thức hợp đồng BOT cũng là hướng đầu tư mới, khá hấp dẫn với doanh nghiệp.
 
Giai đoạn 2011-2016, Bộ Giao thông Vận tải đã huy động trên 171.000 tỷ đồng, trong đó vốn BOT là hơn 154.000 tỷ đồng/59 dự án, chiếm khoảng 90,2%.
 
Đến nay, 55 dự án BOT đã hoàn thành đưa vào vận hành khai thác với tổng mức đầu tư gần 138.000 tỷ đồng. Theo báo cáo của 43 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các địa phương đã huy động được hơn 80.000 tỷ đồng cho các dự án BOT. Nhiều công trình trọng điểm, có tính kết nối cao giữa các vùng miền đã được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa (mở rộng Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên...).
 
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, trong bối cảnh nguồn lực ngân sách nhà nước hạn chế và nguồn ODA thu hẹp dần, việc huy động thông qua hình thức hợp đồng BOT là hướng đi đúng đắn để phát triển giao thông nói riêng, phát triển kinh tế nói chung, đồng thời giảm bớt gánh nặng của ngân sách nhà nước trong việc thực hiện chủ trương xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ cho nền kinh tế.
 
Đa số người dân tham gia giao thông được hưởng những dịch vụ, hàng hóa công cộng tốt hơn, đầy đủ hơn với một mức chi phí hợp lý. Kết quả và kinh nghiệm có được trong việc triển khai các dự án giao thông BOT đã khẳng định hướng đi đúng đắn của mô hình đầu tư theo hình thức PPP, cần tiếp tục được phát triển và mở rộng sang các lĩnh vực kinh tế khác. Đó cũng là cơ sở để Nhà nước hoàn thiện chính sách pháp luật, nâng cao hiệu quả và thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư tham gia, nhất là nhà đầu tư nước ngoài.
 
Tuy nhiên, báo cáo của Đoàn giám sát cũng thẳng thắn chỉ rõ nhiều hạn chế, tồn tại từ việc ban hành chính sách đến thực tế triển khai. Theo đó, việc triển khai các chiến lược, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng chưa có nguyên tắc và thứ tự ưu tiên. Công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án còn bất cập. Việc lựa chọn nhà đầu tư còn nhiều bất cập, năng lực nhà đầu tư còn hạn chế. Công tác thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán chưa chặt chẽ theo quy định pháp luật. Công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu của nhà đầu tư, công tác thi công xây dựng dự án, nghiệm thu còn sai sót. Việc xác định phương án tài chính của dự án còn chưa hợp lý. Nguồn lực chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng, một số ngân hàng, chi nhánh ngân hàng chưa thực hiện đúng quy định về tín dụng...
 
Đặc biệt, công tác thu phí sử dụng dịch vụ còn nhiều bất cập: Vị trí đặt trạm thu phí và khoảng cách giữa các trạm chưa hợp lý. Khung giá dịch vụ quy định rất rộng, dễ dẫn đến tiêu cực. Ngoài ra, quá trình tham vấn về vị trí trạm thu phí chưa lấy ý kiến người dân gần trạm, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các đối tượng thường xuyên sử dụng đường... khiến người dân bức xúc, phản đối kéo dài trong thời gian qua. Đặc biệt, nhiều trường hợp phí tăng nhưng chất lượng công trình xuống cấp nghiêm trọng, khiến người dân phải trả chi phí cho chất lượng dịch vụ không tương xứng. Công tác quản lý thu phí của cơ quan nhà nước có thẩm quyền gặp nhiều khó khăn. Quy trình báo cáo doanh thu chưa chặt chẽ, không bảo đảm quản lý chặt chẽ về doanh thu.
 
Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm toán các công trình kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT
 
Qua kết quả giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT, Đoàn giám sát đưa ra 16 kiến nghị, trong đó cần tiếp tục khẳng định tính đúng đắn và triển khai thực hiện chủ trương huy động nguồn lực xã hội, trong đó chú trọng hình thức hợp tác đầu tư công - tư (PPP). Nghiên cứu trình QH ban hành Luật Đối tác công tư, để khắc phục hạn chế, vướng mắc của hệ thống pháp luật hiện hành, tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo đảm Nhà nước và tư nhân thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng.
 
       
 Toàn cảnh phiên họp
 
Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cần tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện của nhà đầu tư cả trong giai đoạn thực hiện dự án, vận hành và bảo trì và giai đoạn kết thúc chuyển giao dự án để bảo đảm sau khi hết thời hạn thu phí, công trình được bàn giao lại cho Nhà nước vẫn phải bảo đảm chất lượng vận hành, sử dụng tốt. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm toán để đầu tư phát triển công trình kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT được minh bạch, hiệu qủa.
 
Đối với vị trí trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ, chính sách giá (phí), quản lý doanh thu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh kiến nghị, Chính phủ chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện việc rà soát các vị trí đặt trạm hiện nay, ban hành tiêu chí thành lập trạm thu phí giá dịch vụ sử dụng đường bộ, xây dựng mức thu giá phù hợp.
 
Tiếp thu kiến nghị trong Báo cáo kết quả giám sát, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa khẳng định, những đánh giá của Đoàn giám sát phù hợp với mong muốn của Bộ Giao thông Vận tải - đơn vị trực tiếp thực hiện các dự án giao thông trong thời gian vừa qua. Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cũng lưu ý, cần có điều chỉnh về pháp luật để phù hợp với cơ chế thị trường, hướng đến xây dựng Luật Đối tác công tư, góp phần thực hiện hiệu quả các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
 
Hoàn thiện quy định pháp luật về đầu tư BOT
 
Thảo luận tại phiên họp, mặc dù đánh giá cao tác động của hình thức BOT lên cơ sở hạ tầng phục vụ kinh tế - xã hội, đặc biệt là hệ thống giao thông đường bộ, các thành viên UBTVQH thống nhất với nhận định, hình thức này vẫn còn một số điểm bất cập, chủ yếu do yếu tố chủ quan.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu lưu ý, các công trình giao thông đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT được hoàn thành trong thời gian qua đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trong quá trình lưu thông. Và kết nối giao thông thông suốt đã giúp đánh thức tiềm năng của nhiều vùng đất tại miền Trung, khu vực Tây Nguyên.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cũng nêu vấn đề về việc những con đường độc đạo do cha ông để lại nhưng vẫn bị thu phí. Nhiều đoạn đường rất ngắn nhưng vẫn làm theo hình thức BOT dẫn tới nhân dân phản ứng. Để giải quyết tình trạng này, cần cân nhắc lại việc thu phí trên những tuyến đường độc đạo. Trường hợp cần thiết, mở tuyến đường mới có thu phí bên cạnh tuyến đường cũ để người dân lựa chọn.
 
Ghi nhận tác động của các công trình giao thông đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT đến cải thiện môi trường đầu tư của nước ta, song nhiều Ủy viên UBTVQH đề nghị, cần thẳng thắn nhìn vào những bất cập, hạn chế hiện hành trong thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác công trình giao thông này. Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ cũng cho rằng, giám sát của UBTVQH là chưa đủ, trong thời gian tới cần nâng cao hơn nữa vai trò thanh tra, kiểm tra của nhà nước, xử lý nghiêm các sai phạm. Việc thu phí giao thông đường bộ phải được tiến hành chặt chẽ, bảo đảm tính minh bạch, bình đẳng. Tiến hành rà soát lại hệ thống trạm thu phí, và trạm nào không bảo đảm khoảng cách tối thiểu 70km trở lên theo quy định cần mua lại quyền thu phí, để việc thu phí tại các trạm này đỡ gây bức xúc cho dân. Đặc biệt, cần tổng rà soát để xây dựng quy hoạch về công trình giao thông thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT, để có thể thực hiện chủ trương này bài bản, minh bạch trong thời gian tới, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ đề nghị.
 
Đồng tình với quan điểm này, các Uỷ viên UBTVQH kiến nghị, trong thời gian tới, Chính phủ cần chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện việc rà soát các vị trí đặt trạm thu phí hiện nay, ban hành tiêu chí thành lập trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ, xây dựng mức giá phù hợp. Chính phủ xem xét, áp dụng công nghệ tiên tiến (thu phí không dừng) để bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động thu giá, xây dựng cơ chế và áp dụng công nghệ để giám sát chặt chẽ doanh thu của các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ; đến năm 2019 triển khai đồng bộ thu phí không dừng với tất cả các tuyến quốc lộ trên toàn quốc.
 
Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, chủ trương huy động vốn ngoài ngân sách để đầu tư kết cấu hạ tầng nói chung trong đó kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng là hoàn toàn đúng đắn và thời gian qua đã triển khai khá tốt. Nhiều công trình trọng điểm quốc gia, nhiều tuyến đường quan trọng đã được đầu tư xây dựng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng cũng như của cả nước. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ rõ nguyên nhân của những hạn chế, bất cập trong triển khai, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT thời gian qua. Đó là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hình thức đầu tư này chưa hoàn thiện, đồng bộ. Trong khi chưa có đánh giá tổng kết về việc xây dựng, triển khai pháp luật, đầu tư lại khá ồ ạt.
 
Việc triển khai quy hoạch giữa các ngành, lĩnh vực chưa nhất quán, thiếu quy hoạch hệ thống giao thông đồng bộ. Quá trình lập, thẩm tra, phê duyệt dự án BOT còn bất cập, dẫn tới nhiều dự án điều chỉnh tăng mức đầu tư. Bên cạnh đó, việc lựa chọn nhà đầu tư còn nhiều hạn chế; hầu hết các dự án thời gian qua là chỉ định thầu làm giảm tính cạnh tranh và hiệu quả đầu tư của dự án.
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, trong thời gian tới, các cơ quan Nhà nước cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật về đầu tư BOT; nghiên cứu trình Quốc hội ban hành Luật Đối tác công tư để tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ; tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo đảm Nhà nước và tư nhân thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng.
 
Trong khi chưa ban hành Luật, Chính phủ cần chủ động nghiên cứu, sửa đổi, điều chỉnh quy định bất hợp lý, hạn chế trong thực tiễn. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần nâng cao trách nhiệm trong việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án; tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện của nhà đầu tư trong cả giai đoạn thực hiện dự án, vận hành và bảo trì và giai đoạn kết thúc chuyển giao để bảo đảm sau khi hết thời hạn thu phí, công trình được bàn giao lại cho Nhà nước vẫn phải đảm bảo chất lượng vận hành./.
 
D.Thúy

Xem thêm »