UBTVQH giám sát chuyên đề ‘Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh’

21/09/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Trong ngày làm việc cuối cùng của phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), sáng 21/9/2017, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, UBTVQH tiến hành giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh”. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp

 
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Quang Thành, Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II Nguyễn Minh Giang dự phiên họp.
 
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt - Trưởng đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh” (Đoàn giám sát) trình bày báo cáo tóm tắt Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh giai đoạn từ 2011 đến năm 2016. Báo cáo nêu rõ những kết quả đã làm được trong việc thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, thực hiện chính sách, pháp luật về khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển, gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh; đồng thời chỉ ra những hạn chế bất cập và nguyên nhân trong công tác này.
 
Trên cơ sở kết quả giám sát, khảo sát các kiến nghị của Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị hữu quan và địa phương, Đoàn giám sát đã đưa ra 03 kiến nghị đối với Quốc hội và 08 kiến nghị đối với Chính phủ và các Bộ, ngành.
 
Theo đó, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm cụ thể hóa đầy đủ nguyên tắc về kết hợp kinh tế với quốc phòng an ninh, quốc phòng an ninh với kinh tế được quy định tại điều 68 của Hiến pháp; sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng quy định cụ thể nội dung về “Trách nhiệm của Ủy ban Quốc phòng và An ninh trong việc thẩm tra về việc đáp ứng yêu cầu đảm bảo quốc phòng, an ninh trong các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết”…; Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về môi trường theo hướng thống nhất, đồng bộ, phù hợp và hội nhập, khắc phục tình trạng chồng chéo mâu thuẫn, không rõ trách nhiệm, thiếu tính khả thi; Quyết định phê duyệt vốn đầu tư cho các dự án trọng điểm quốc gia về khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản, khắc phục tình trạng dàn trải, thiếu tập trung, kém hiệu quả.
 
Đối với Chính phủ, các Bộ, ngành, Đoàn giám sát kiến nghị tăng cường đổi mới về nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh…; Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh; Tiến hành tổng kết, đánh giá toàn bộ hệ thống và hoàn thành trong năm 2018; Thực hiện đồng bộ chính sách, pháp luật về khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản gắn với bảo vệ, phát triển nguồn lợi hải sản và kiểm soát chặt chẽ môi trường biển, ven biển; Chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương tăng cường phối hợp nắm tình hình, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động trên biển, tăng cường các biện pháp bảo vệ tính mạng tài sản của ngư dân trên biển…
 
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên UBTVQH cơ bản đồng tình với Báo cáo Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh giai đoạn từ 2011 đến năm 2016. Các đại biểu cho rằng việc kết hợp chặt chẽ, hiệu quả khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh có vai trò rất quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, bảo đảm trật tự, an toàn trên biển...
 
Bên cạnh đó, các thành viên UBTVQH cũng chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập về công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh nhiều lúc chưa được thực sự coi trọng, chưa được tiến hành thường xuyên. Các mô hình tổ chức sản xuất trên biển chưa có sự kết hợp chặt chẽ, hiệu quả với hoạt động của lực lượng dân quân, tự vệ biển. Nhiều hoạt động nuôi trồng, chế biến thủy hải sản còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa tương xứng với tiềm năng, thiếu đồng bộ, do đó khó kiểm soát được dịch bệnh và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Các chính sách về tín dụng cho phát triển kinh tế biển vẫn còn những hạn chế, bất cập. Các hoạt động đánh bắt hải sản theo kiểu hủy diệt môi trường, hủy diệt nguồn lợi thủy sản vẫn xảy ra... 
 
Nhiều ý kiến tại phiên họp đã nêu lên những vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách đối với các lực lượng thi hành pháp luật trên biển nhằm bảo đảm cho lực lượng này hoạt động ngày càng hiệu quả, phục vụ đắc lực cho các hoạt động phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền, biển đảo, thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn, phòng chống tội phạm trên biển... Một số ý kiến đề nghị cần tiếp tục tăng cường, đổi mới về nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh; Nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân trong các hoạt động kinh tế biển kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển đảo.
 
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, Báo cáo giám sát được xây dựng công phu, đầy đủ với chủ đề mang tính thời sự, được cử tri cả nước quan tâm. Đồng tình với những ý kiến thảo luận tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Đoàn giám sát cần làm rõ thêm nội dung về trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trước những hạn chế, yếu kém còn tồn tại trong thực hiện chính sách, pháp luật phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh...
 
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu kết luận phiên họp
 
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị Đoàn giám sát phối hợp với các cơ quan hữu quan hoàn thiện Báo cáo giám sát và dự thảo Nghị quyết tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với các nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, xin ý kiến UBTVQH trước khi ký ban hành. 
 
Theo kế hoạch, Báo cáo “Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh” sẽ được gửi tới các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ tư sắp tới.
 
 
Cùng ngày, phiên họp thứ 14 của UBTVQH khóa XIV đã bế mạc dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
 
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, UBTVQH đã hoàn thành chương trình phiên họp lần thứ 14, tập trung cho ý kiến về các nội dung dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 và công tác chuẩn bị kỳ họp, đồng thời xem xét một số vấn đề quan trọng khác. 
 
Theo Chủ tịch Quốc hội, nhìn chung công tác chuẩn bị nội dung cho phiên họp lần thứ 14 tiếp tục có sự tiến bộ, thể hiện tinh thần tích cực, khẩn trương của các cơ quan hữu quan. Các thành viên UBTVQH, đại diện các cơ quan, tổ chức hữu quan đã đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng vào các nội dung trình ra. Tùy thuộc vào nội dung cụ thể, UBTVQH sẽ quyết định ban hành nghị quyết hoặc kết luận đối với từng nội dung của phiên họp. 
 
Tại phiên bế mạc, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của UBTVQH và các cơ quan tổ chức hữu quan tiếp thu ý kiến của UBTVQH để hoàn chỉnh hồ sơ các dự án Luật, các báo cáo để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tư. Riêng đối với Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế bảo vệ môi trường, UBTVQH đã thống nhất chưa trình ra Quốc hội tại kỳ họp sắp tới để Chính phủ tiếp tục hoàn chỉnh. 
 
Chủ tịch Quốc hội cho biết, dự kiến phiên họp thứ 15 của UBTVQH sẽ diễn ra trong ba ngày (từ ngày 11-13/10/2017), xem xét nhiều nội dung quan trọng trước Kỳ họp thứ tư của Quốc hội khóa XIV./.
 
 
M. Thúy

Xem thêm »