Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước

25/10/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Sáng 24/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIV, Quốc hội làm việc ở tổ thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2018; kết quả thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2017; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ sáng ngày 24/10

Trong phiên thảo luận, đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội nhất trí với nội dung Báo cáo của Chính phủ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018. Nhiều đại biểu nêu rõ, các giải pháp điều hành chính sách kinh tế vĩ mô đã được Chính phủ kiên trì thực hiện đúng định hướng, phù hợp diễn biến thị trường. Nền kinh tế duy trì ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, dần thiết lập nền tảng cho tăng trưởng kinh tế. Đây là kết quả thể hiện sự quyết tâm, cố gắng lớn trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng thẳng thắn chỉ rõ, việc thực hiện nội dung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế một cách thực chất còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra, việc giải quyết những tồn tại, yếu kém của một số doanh nghiệp nhà nước còn chậm. 

Cho ý kiến về tốc độ tăng trưởng kinh tế của năm 2017, các đại biểu cho rằng Chính phủ cần đánh giá rõ hơn những khó khăn và nguồn lực để đảm bảo mức tăng trưởng 6,7 %. Về việc số lượng các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng lên và những doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc đang chờ giải thể có xu hướng tăng, ông Vũ Tiến Lộc - Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Thái Bình đề nghị Chính phủ báo cáo rõ số lượng doanh nghiệp được thành lập mới, số lượng doanh nghiệp được giải thể trong 9 tháng năm 2017, đồng thời đánh giá việc cải cách hành chính nhà nước.

Liên quan đến vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, ông Hoàng Quang Hàm - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ cho rằng, hiện nay cổ phần hóa còn chậm, chưa đạt được các yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên, việc cổ phần hóa cũng cần phải được tính toán kỹ, đảm bảo định giá đúng mang lại lợi ích cho cả nhà nước và doanh nghiệp góp phần đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội.

Cũng theo một số đại biểu, tăng trưởng kinh tế tăng vọt trong thời gian ngắn hạn nhưng ít dựa vào cơ cấu và mô hình tăng trưởng cho thấy căn bệnh thâm niên của kinh tế chưa được khắc phục cho trung hạn và dài hạn. Tình hình tham nhũng và 12 dự án thua lỗ cũng góp phần kéo theo thâm hụt cân đối thu - chi để lại gánh nặng cho nền kinh tế, đề nghị Chính phủ có giải pháp mạnh mẽ hơn trong xử lý vấn đề này.

Liên quan đến các vấn đề xã hội, các sai phạm trong quản lý dược, những khúc mắc giữa ngành y tế và bảo hiểm y tế hay chất lượng khám chữa bệnh đang đặt ra câu hỏi mà Chính phủ cần có lời giải thấu đáo với nhân dân, cử tri cả nước. Các đại biểu Quốc hội chưa thật sự yên tâm về tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm; công tác phòng, chống dịch bệnh...

Về kết quả thực hiện dự toán NSNN, một số đại biểu cho rằng năm 2017, nếu không đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%, Chính phủ cần cân nhắc kỹ chiến lược lâu dài, đảm bảo sự phát triển hợp lý, tiếp tục duy trì ổn định tình hình kinh tế - xã hội. 

Góp ý với dự toán ngân sách nhà nước, ông Hồ Đức Phớc - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cho rằng trước tiên phải giải quyết được nợ công, đặc biệt là nợ quá hạn, nếu không sẽ để lại gánh nặng lớn cho nền kinh tế. Tiếp đó là phải giải quyết được vấn đề về hụt thu ngân sách, nợ đọng thuế, bội chi ngân sách trung ương tăng cao hơn dự toán; Cần phải xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém một cách dứt điểm, nếu không hàng chục nghìn tỷ cứ ra đi.

Một số đại biểu đề nghị Chính phủ cần dành một khoản ngân sách nhà nước để hỗ trợ các tỉnh gặp thiên tai, lũ lụt và tính kế sách lâu dài để ổn định đời sống cho bà con, bên cạnh đó, cần có chính sách cụ thể về lương hưu cho lao động nữ hay các bộ ngành siết chặt quản lý đối với những trường hợp mua bán, tàng trữ, chất bảo quản, hóa chất sử dụng cho hàng hóa nông sản đang làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân./.

Hà Linh

Xem thêm »