Giải quyết 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành Công thương trong 3 năm tới

01/11/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Tại Phiên thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội; kế hoạch dự toán chi ngân sách 2018 và tài chính 3 năm 2018 - 2020 của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV sáng ngày 1/11/2017, giải trình về kế hoạch xử lý 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành Công thương trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết: Các công việc liên quan đến xử lý 12 dự án thua lỗ của Ngành đang được thực hiện theo đúng tiến trình, kể từ năm 2016 – 2017 Chính phủ lập ban chỉ đạo xử lý các dự án thua lỗ; năm 2017 hoàn tất việc chuẩn bị xử lý; năm 2018 tập trung giải quyết căn bản các dự án và đến năm 2020 sẽ giải quyết triệt để. Bên cạnh đó, Bộ sẽ xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác từng dự án, doanh nghiệp. “Việc xử lý 12 dự án này rất phức tạp, bởi qua nhiều giai đoạn, thời kỳ khác nhau, Bộ Công thương phải đánh giá đồng bộ những tồn tại, nguyên nhân để có hướng giải quyết triệt để. Quan trọng là từ việc xử lý những dự án này, rút kinh nghiệm để không phát sinh dự án thua lỗ mới” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Nhà máy sản xuất sơ sợi Đình Vũ PV Tex - Một trong 12 dự án thua lỗ của ngành Công thương

 
Điểm mặt 12 dự án thua lỗ của ngành Công thương
 
12 dự án doanh nghiệp được xác định là chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công thương bao gồm: Nhóm 04 dự án đầu tư sản xuất phân bón: Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng và DAP số 2 - Lào Cai; Nhóm 03 dự án đầu tư sản xuất nhiên liệu sinh học (NLSH): Nhà máy NLSH Quảng Ngãi, nhà máy NLSH Phú Thọ và nhà máy NLSH Bình Phước; Nhóm 02 dự án đầu tư sản xuất thép: Nhà máy thép Việt Trung và dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy Gang thép Thái Nguyên; Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTex); Công ty TNHH Một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS); Nhà máy sản xuất bột giấy Phương Nam.
 
Theo Bộ Công thương, trong 12 dự án trên, hiện có 6 nhà máy đang được vận hành sản xuất, kinh doanh nhưng trong tình trạng thua lỗ: Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng, DAP số 2 - Lào Cai, nhà máy Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS), nhà máy thép Việt Trung. Có 3 dự án bị ngừng thi công do thiếu vốn và chi phí tăng quá cao: Dự án sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ, Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên, Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam. Có 3 nhà máy đang dừng sản xuất do thua lỗ kéo dài và giá thành sản xuất tăng cao: Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất; Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước; Nhà máy sản xuất sơ sợi Đình Vũ – PVTex.
 
Được biết, tổng mức đầu tư ban đầu của 12 dự án thua lỗ nêu trên là: 43.673,63 tỷ đồng, và sau đó được phê duyệt điều chỉnh tăng lên: 63.610,96 tỷ đồng (tăng 45,65%). Trong đó: Vốn chủ sở hữu là: 14.350,04 tỷ đồng, chiếm 22,56%;vốn vay là: 47.451,24 tỷ đồng, chiếm 74,6%; còn lại 2,84% là từ các nguồn khác. Trong tổng số vốn vay: Vốn vay các ngân hàng trong nước: 41.801,24 tỷ đồng, trong đó vay Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) là:16.858,63 tỷ đồngvà vay nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ là: 6.617,24 tỷ đồng. Tổng số lỗ lũy kế của 10 nhà máy đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất tới thời điểm 31 tháng 12 năm 2016 là: 16.126,02 tỷ đồng, trên tổng số vốn chủ sở hữu của các nhà máy này còn lại là: 3.985,14 tỷ đồng; Tổng tài sản của 12nhà máy là: 57.679,02 tỷ đồng; Tổng nợ phải trả là: 55.063,38 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả VDB là: 10.633,43 tỷ đồng và nợ phải trả nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ là: 4.299,83 tỷ đồng”. Tổng số vốn đã giải ngân của 03 Dự án dở dang, đang bị dừng thi công là 8.614 tỷ đồng, trên tổng nguồn thanh toán dự kiến là 13.066 tỷ đồng.

Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương
 
Với mục tiêu giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc để chấm dứt tình trạng thua lỗ, khắc phục tối đa thiệt hại tại 12 dự án trên cho Nhà nước, đầu tháng 10/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương. Đề án đã đưa ra các mốc thời gian cụ thể: Trong năm 2017, hoàn thành phương án xử lý đối với từng dự án, doanh nghiệp và kế hoạch chi tiết tổ chức triển khai thực hiện; đến hết năm 2018 phấn đấu xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém đối với các dự án, doanh nghiệp; đến năm 2020, hoàn thành việc xử lý các tồn tại, yếu kém ở các dự án, doanh nghiệp. Xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác từng dự án, doanh nghiệp.
 
Cụ thể, sẽ giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc tranh chấp với nhà thầu tại các hợp đồng EPC và vướng mắc trong hợp đồng liên doanh với đối tác. Xử lý các vấn đề về cơ chế, chính sách chung để tạo điều kiện về phát triển thị trường một số sản phẩm công nghiệp, trong đó có sản phẩm của các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả: Tiếp tục tập trung vào các giải pháp chung về đẩy mạnh phát triển thị trường các sản phẩm nhiên liệu sinh học, phân bón, thép, đóng tàu; các giải pháp về áp dụng các biện pháp tự vệ để bảo vệ các sản phẩm sản xuất trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia cũng như trên cơ sở xem xét, đánh giá toàn diện các vấn đề về sản xuất, tiêu thụ và quyền lợi của các đối tượng có liên quan trong các lĩnh vực phân bón, thép, xơ sợi...
 
Thực hiện các giải pháp tài chính, tín dụng theo nguyên tắc thị trường, cùng chia sẻ rủi ro giữa ngân hàng, nhà đầu tư và doanh nghiệp trên cơ sở quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch. Tiến hành xem xét, rà soát và điều chỉnh một số Luật thuế nhằm tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp và môi trường thuận lợi cho phát triển các ngành hàng, sản phẩm công nghiệp trong nước; xem xét việc tái cơ cấu các khoản nợ liên quan đến các dự án, doanh nghiệp để tạo điều kiện cho các dự án tiếp tục được vay vốn tại các ngân hàng thương mại, phục vụ sản xuất kinh doanh ổn định.
 
Tập trung thực hiện quyết liệt các biện pháp về quản trị doanh nghiệp, sắp xếp và tổ chức lại sản xuất, lao động để tiết giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và đầu tư; giám sát chặt chẽ vấn đề vệ sinh môi trường, kể cả chất thải rắn, chất thải khí, nước thải để đảm bảo an toàn cho khu vực xung quanh nhà máy.
 
Phương án xử lý đối với từng dự án, doanh nghiệp
 
Đối với nhóm 4 dự án nhà máy sản xuất phân bón, gồm: Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc; Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng; Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai, tập trung xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tiếp tục triển khai, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của Dự án. Sau khi đã hoạt động có hiệu quả sẽ thực hiện cổ phẩn hóa, thoái vốn nhà nước khỏi doanh nghiệp.
Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, ưu tiên chọn Phương án khởi động, vận hành lại Nhà máy trước khi các đơn vị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chuyển nhượng hoặc thoái vốn khỏi Dự án.
 
Nhà máy đạm Ninh Bình với khoản thua lỗ lên đến hơn 2.000 tỷ đồng
 
Với Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ, ưu tiên chọn Phương án Tổng công ty dầu Việt Nam chuyển nhượng/thoái vốn khỏi Dự án. Trong trường hợp Phương án này thực hiện không thành công sẽ xem xét cân nhắc lựa chọn các phương án còn lại, gồm: 1- Tiếp tục triển khai Dự án với nhà thầu là Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam; 2- Tiếp tục triển khai Dự án, thanh lý hợp đồng với nhà thầu là Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam để tìm nhà thầu khác; 3- Dừng triển khai Dự án, phá sản Công ty.
 
Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước ưu tiên chọn Phương án khởi động, vận hành lại nhà máy trước khi Tổng công ty dầu Việt Nam chuyển nhượng vốn/thoái vốn khỏi Dự án. Trong trường hợp Phương án này thực hiện không thành công sẽ xem xét cân nhắc lựa chọn phương án: Cho thuê tài chính - Bán tài sản.
 
Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên ưu tiên chọn Phương án thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu lại Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên. Trong trường hợp Phương án này thực hiện không thành công sẽ xem xét cân nhắc lựa chọn các phương án: Bán Dự án hoặc kêu gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư góp vốn đầu tư Dự án.
 
Với Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và Dự án nhà máy gang thép Lào Cai, tập trung xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tiếp tục triển khai, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của Dự án.
 
Với Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS), ưu tiên chọn Phương án chuyển đổi sở hữu DQS thông qua định giá, bán đấu giá tài sản, công nợ. Trong trường hợp Phương án này thực hiện không thành công sẽ chuyển sang triển khai Phương án: Phá sản DQS theo quy định của pháp luật.
 
Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTex) ưu tiên chọn Phương án khởi động, vận hành lại nhà máy, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn hoặc Phương án: PVTex chuyển nhượng Công ty. Trong trường hợp cả 2 phương án triển khai không thành công thì sẽ xem xét Phương án: Phá sản Công ty theo quy định của pháp luật.
 
Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam, khẩn trương tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để tiếp tục triển khai tổ chức bán đấu giá thành công đối với toàn bộ tài sản và hàng hóa tồn kho của Dự án; đồng thời, Tổng công ty Giấy Việt Nam tiếp tục tập trung thu hồi các khoản nợ phải thu của Dự án; lập báo cáo tình hình thực hiện các khoản nợ phải thu, phải trả của Dự án đến thời điểm 31/12/2016.
 
Trong trường hợp phương án này thực hiện không thành công sẽ chuyển sang phá sản theo quy định của pháp luật.
 
Được biết, sau 9 tháng triển khai xử lý 12 dự án yếu kém ngành Công Thương, Nhà máy Thép Việt Trung và DAP số 2 Hải Phòng đã sản xuất kinh doanh có lãi, một số dự án Ethanol ở Dung Quất, Phú Thọ đã có nhà đầu tư đặt vấn đề hợp tác kinh doanh hoặc mua lại, các vấn đề pháp lý với các nhà thầu ở một số dự án thép, đạm cũng có tiến triển với các kết quả rõ ràng. 
 
Theo yêu cầu của Bộ Chính trị, kiên quyết xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả theo nguyên tăc và cơ chế thị trường; tôn trọng nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp; Nhà nước không cấp thêm vốn vào các dự án thua lỗ kéo dài không hoạt động được. 
 
Nhằm sớm giải quyết dứt điểm bất cập, vướng mắc để chấm dứt tình trạng thua lỗ, khắc phục tối đa thiệt hại cho Nhà nước và xã hội đối với một số dự án, doanh nghiệp thuộc ngành Công thương, Bộ Chính trị đã yêu cầu các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai thực hiện các phương án xử lý đạt hiệu quả cao nhất - Ðó cũng là tinh thần quyết tâm của Ðảng trong thực hiện các Nghị quyết T.Ư 4 và T.Ư 5, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Bộ Chính trị yêu cầu tiến hành thanh tra, kiểm toán, điều tra để làm rõ những sai phạm, vi phạm pháp luật ở từng dự án, DN, làm rõ trách nhiệm từng tổ chức, cá nhân liên quan, xử lý nghiêm minh, sớm hoàn tất các thủ tục tố tụng theo quy định của pháp luật./.

Huyền Ngân


Xem thêm »