Cần hơn 118.000 tỷ đồng làm đường cao tốc Bắc-Nam phía đông

06/11/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Sáng 3/11/2017, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể báo cáo Quốc hội về dự án

Tờ trình nêu rõ: Đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế của đất nước, kết nối trung tâm chính trị Thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế TP Hồ Chí Minh, đi qua 32 tỉnh, thành phố và các vùng kinh tế - xã hội của cả nước; đặc biệt, kết nối 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

Trong đó, tuyến đường bộ cao tốc trên hành lang Bắc - Nam từ Lạng Sơn (cửa khẩu Hữu Nghị) đến thành phố Cà Mau đang được từng bước triển khai đầu tư, đã hoàn thành đưa vào khai thác 223km, đang thực hiện đầu tư 297km, đã xác định được nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và hoàn thiện thủ tục đầu tư 67km. Còn lại 1.372km trên đoạn Hà Nội-TP Hồ Chí Minh, 150km đoạn Cần Thơ-TP Cà Mau và 7km cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu cần phải đầu tư.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định: Việc đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông là cần thiết và không thể trì hoãn nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Bắc - Nam. Nếu không đầu tư, nhu cầu vận tải trên hành lang này sẽ vượt năng lực hệ thống hạ tầng giao thông hiện tại với khoảng gần 5,92 triệu hành khách và 14,5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Trong giai đoạn 2017 - 2020 sẽ xây dựng trước 713km, chia thành 11 dự án thành phần với các hình thức đầu tư khác nhau. Trong số 11 dự án này, có 8 dự án theo hình thức PPP, hợp đồng BOT, qua 12 tỉnh, thành phố, Ninh Bình - Hà Tĩnh và Nha Trang - Đồng Nai. 3 dự án còn lại Nam Định - Ninh Bình; Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng; Quảng Trị - Thừa Thiên-Huế là đầu tư công, đầu tư xong thu phí, vốn được tiếp tục đầu tư các đoạn tiếp theo.

Dự kiến lộ trình đầu tư các đoạn trên tuyến cao tốc Bắc - Nam như sau:

Giai đoạn 1 (2017 – 2020): Dự kiến đầu tư khoảng hơn 650km, chia thành 11 dự án thành phần, đi qua 13 tỉnh thành. Cụ thể, đầu tư và đưa vào khai thác các đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế), Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) và cầu Mỹ Thuận 2.

Giai đoạn 2 (2021 – 2025): Đầu tư và đưa vào khai thác các đoạn Bãi Vọt - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Nha Trang và mở rộng đoạn La Sơn - Túy Loan lên thành quy mô 4 làn xe.

Giai đoạn sau 2025: Đầu tư và đưa vào khai thác đoạn Cần Thơ - thành phố Cà Mau.

Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 khoảng 118.716 tỷ đồng. Trong đó vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện Dự án khoảng 55.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, 14.155 tỷ đồng thực hiện giải phóng mặt bằng, 27.694 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng các dự án đầu tư theo hình thức PPP, 13.151 tỷ đồng cho các đoạn đầu tư công, nguồn vốn nhà đầu tư khoảng 63.716 tỷ đồng.

Trong tờ trình của Chính phủ cũng đưa ra nhiều khó khăn trong đấu thầu dự án. Cụ thể, Chính phủ cho rằng trong việc đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), để triển khai các dự án này thành công thì không phụ thuộc vào nhà nước mà phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thị trường (mức độ rủi ro, tính hấp dẫn của dự án, sự ổn định chính sách, sự đồng thuận của nhân dân...). Thực tế, Bộ Giao thông Vận tải đã đứng ra tổ chức đấu thầu dự án Dầu Giây - Phan Thiết và đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch nhưng không thành công.

Ngoài ra, các cơ chế, chính sách lựa chọn nhà đầu tư, giá dịch vụ, quản lý thực hiện dự án còn nhiều bất cập. Nếu thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục, dự án này chỉ có thể khởi công dự án sớm nhất vào năm 2020. Bên cạnh đó, khả năng huy động vốn từ các tổ chức tín dụng trong nước khó khăn. Việc huy động nguồn vốn nước ngoài cần có các cơ chế bảo lãnh của Chính phủ, trong khi hành lang pháp lý chưa hoàn thiện và đồng bộ...

Vì vậy, Chính phủ kiến nghị trong trường hợp một số đoạn đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư không thành công, kiến nghị Quốc hội cho phép thực hiện giải phóng mặt bằng các đoạn đầu tư giai đoạn 2017-2020.

Về hình thức đầu tư, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế nêu rõ: Theo Tờ trình của Chính phủ, có 11 dự án thành phần được đầu tư trong giai đoạn 2017 - 2020, trong đó có 8 dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (hợp đồng BOT). Tuy nhiên, Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy hình thức đầu tư này còn nhiều hạn chế, bất cập. Do vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đề xuất các giải pháp tổng thể xử lý những hạn chế, bất cập đã nêu trong Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có phương án hợp lý khi quyết định áp dụng đầu tư hình thức hợp đồng BOT.

Đối với 3 dự án thành phần còn lại, Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành áp dụng hình thức hoàn toàn bằng vốn Nhà nước, sau đó tổ chức thu giá sử dụng dịch vụ đối với các dự án này. Ngoài ra, đối với 2 dự án đoạn Cao Bồ - Mai Sơn và Cầu Mỹ Thuận 2, đề nghị Chính phủ nghiên cứu phương án kết hợp thu giá sử dụng dịch vụ với các dự án theo hình thức hợp đồng BOT lân cận để tránh việc phát sinh thêm bộ máy quản lý vận hành và bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả của Dự án. Riêng đối với dự án đoạn Cam Lộ - La Sơn theo quy hoạch trùng với đường Hồ Chí Minh và song song với tuyến Quốc lộ 1 hiện đang được thu giá sử dụng dịch vụ theo hình thức hợp đồng BOT, đề nghị cần cân nhắc đưa ra phương án thu giá sử dụng dịch vụ phù hợp để tạo được sự đồng thuận cao./.

Hà Linh

Xem thêm »