Tổng quan về kinh tế xã hội 2010 - Chuẩn bị tích cực cho 2011 - 2015

22/02/2011
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Sau cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008-2009, nền kinh tế thế giới và khu vực đã và đang trên đà phục hồi và tăng trưởng trở lại. Mức phục hồi đã tương đối khả quan ở một số nước, nhất là ở các nước có nền kinh tế đang phát triển và thuộc những nền kinh tế mới nổi. Nhưng nhìn chung, quá trình phục hồi  và tăng trưởng trở lại vẫn còn chậm chạp, không đồng đều và chưa vững chắc.

Một số nền kinh tế lớn vẫn đang đứng trước nguy cơ suy thoái kinh tế lần thứ hai, có quốc gia vẫn tiếp tục thực hiện các giải pháp kích cầu. Phải nhận thấy, những biến đổi sau khủng hoảng trên thế giới đã và đang có những tác động và tác động khá mạnh đến kinh tế của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Cho đến nay, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đạt được những thành tựu đáng kể về phục hồi và duy trì tăng trưởng kinh tế ngay sau khi ra khỏi suy giảm kinh tế. Sự phục hồi ấy diễn ra trong bối cảnh không ít khó khăn và thách thức. Việt Nam vừa phải  đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô vừa tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng trở lại bằng với mức của những năm trước đây, trong khi phải xử lý đồng thời các vấn đề trung và dài hạn liên quan đến cả mô hình tăng trưởng, cơ cấu kinh tế, thể chế kinh tế và các vấn đề an sinh xã hội. Do đó, việc nhìn nhận, đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam năm 2010 không chỉ tập trung vào các vấn đề của năm 2010, dự báo tình hình và tìm giải pháp, chính sách không chỉ cho năm 2011, mà quan trọng hơn cần phải nhận diện và phân tích sâu các vấn đề đang đặt ra của nền kinh tế mang tính trung và dài hạn, chuẩn bị cho những quyết sách và giải pháp phát triển cho cả một giai đoạn 5 năm 2011-2015 và tầm nhìn đến năm 2020. 

Năm 2010 đã đi qua, tăng trưởng kinh tế (GDP) tăng 6,78%. Việt Nam đã đạt được mục tiêu tổng quát của kế hoạch năm 2010 là ” Nỗ lực phấn dấu đạt mức phục hồi tăng trưởng cao hơn năm 2009, ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao chất lượng tăng trưởng, ngăn chặn lạm phát cao trở lại, đảm bảo an sinh xã hội, chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế quốc tế, giữ vững trật tự an toàn xã hội, bảo đảm yêu cầu quốc phòng an ninh, phấn đấu đạt mức cao nhất của kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội 5 năm 2006 -2010”

Với quyết tâm của cả nước, Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn cả trong nước và ngoài nước, ngăn chặn được đà suy giảm, phục hồi nhanh chóng sau khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tổng sản phẩm trong nước tăng 6,78% so với năm 2009, là một thành tựu đáng kể, trong đó quý I tăng 5,84%, quý II tăng 6,44%, quý III tăng 7,18% và quý IV tăng 7,34%. Phải nói , đây là mức tăng trưởng khá cao so với mức tăng 6,31% năm 2008 và cao hơn hẳn mức tăng 5,32% của  năm 2009, vượt mục tiêu đề ra là 6,5% .  Có thể thấy, đóng góp quan trọng cho tốc độ tăng trưởng trước hết là phát triển công nghiệp và xây dựng. Công nghiệp sau cơn suy giảm, đình trệ đã có sự hồi phục rất ấn tượng. Trong 6,78% tăng chung của nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đóng góp 0,47 điểm phần trăm; công nghiệp, xây dựng 3,20 và khu vực dịch vụ 3,11 điểm phần trăm. GDP năm 2010 của toàn ngành công nghiệp tăng 7% vượt trội rõ rệt so với mức tăng của 2 năm 2008-2009 là 5,98% và 5,52%. Ngành thứ hai đóng góp vào tốc độ tăng trưởng kinh tế là sự đóng góp vượt bậc từ xuất khẩu. Chỉ riêng tháng 12, kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt mức cao nhất so với các tháng trong năm với 7,1 tỷ USD, tăng 6,9% so với tháng trước và tăng 29,9% so với cùng kỳ năm 2009. Tính chung năm 2010, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 71,6 tỷ USD, tăng 25,5% so với năm 2009, trong đó riêng hai khu vực: kinh tế trong nước đóng góp 32,8 tỷ USD và có vốn đầu tư nước ngoài đạt 38,8 tỷ USD (vượt kế hoạch của Quốc hội đề ra là 60 tỷ USD cả năm). Nhập siêu hàng hóa khoảng 12,4 tỷ USD, giảm 5,2% so với năm 2009 và bằng 17,3% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Kim ngạch dịch vụ xuất khẩu đạt 7 460 triệu USD, tăng 29,4% so với năm 2009 và bằng 17,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong bối cảnh kinh tế khu vực và thế giới đang hồi phục sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, tổng vốn FDI  đạt 18,6 tỷ USD, bằng 82,2% cùng kỳ năm 2009, bao gồm vốn đăng ký của 969 dự án được cấp phép mới đạt 17,2 tỷ USD, vốn đăng ký bổ sung của 269 dự án được cấp phép từ những năm trước với 1,4 tỷ USD. Vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài thực hiện đạt 11 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2009, trong đó giá trị giải ngân của các nhà đầu tư nước ngoài đạt 8 tỷ USD. Đây là kết quả đáng ghi nhận và cho đến nay Việt Nam vẫn được coi là một trong những quốc gia hấp dẫn  đối với các nhà đầu tư các nước. 

Thu, chi ngân sách đều vượt kế hoạch, vượt chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội. Tổng thu ngân sách ước đạt 109,3% dự toán năm, trong đó thu nội địa bằng 107%, thu dầu thô bằng 99,7%, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu bằng 123,1%. Tổng chi ngân sách nhà nước bằng hơn 100% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển bằng 98,4%, chi phát triển sự nghiệp kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể  bằng 99,6 %, chi trả nợ, viện trợ bằng 114,1%.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, sản xuất kinh doanh trong nước cũng gặp một số khó khăn do thị trường tài chính, tiện tệ có những biểu hiện phức tạp, lạm phát có xu hướng tăng cao trong những tháng cuối năm, chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2010 so với cùng kỳ năm 2009 đã tăng 11,75%, cao hơn mục tiêu được Quốc hội điều chỉnh là dưới 8%. 

Năm 2011 đã qua gần một tháng. Cần triển khai tích cực các nhiệm vụ, giải pháp của năm 2011 và chuẩn bị cho nhiệm vụ giai đoạn 2011-2015. Thực tế của năm 2010 đã có những cảnh báo rất đáng quan tâm. Những bất ổn và yếu kém của nền kinh tế đang hàm chứa những nguy cơ lan tỏa và kéo dài nặng nề. Đó là những cảnh báo cần thiết. Cần sớm nhận diện và có chiến lược giải pháp, chính sách ngay từ năm 2011, hạn chế và khắc phục cả những hệ lụy trước mắt cũng như lâu dài của nền kinh tế.

Trước hết, cần nhận rõ tình hình thực tế và những dự báo về kinh tế thế giới trong xu hướng phục hồi kinh tế đã mạnh hơn ở một số trung tâm kinh tế và đặc biệt rõ ở các nền kinh tế mới nổi, cùng với các dấu hiệu tăng trưởng bấp bênh, thiếu vững chắc và có dấu hiệu chững lại của nhiều nền kinh tế, nhất là các nền kinh tế lớn. Trên thực tế, động lực tăng trưởng có được từ các gói kích thích kinh tế đang yếu dần, trong khi nhu cầu đầu tư và tiêu dùng trong khu vực kinh tế tư nhân vẫn chưa thực sự phục hồi. Đó là nguyên nhân của bối cảnh  hiện nay của nền kinh tế thế giới.

Hai là, Việt Nam cần tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo tăng trưởng hợp lý. Trong khi tăng trưởng kinh tế Việt Nam được cải thiện theo hướng tích cực hơn, các yếu tố đảm bảo ổn định vĩ mô vẫn chưa thấy xuất hiện chắc chắn. Nhưng rất dễ nhìn thấy một số chỉ tiêu kinh tế đang có nguy cơ xấu đi.  Có sự biến động của giá cả nhiều mặt hàng. Tình hình lạm phát đang có xu hướng gia tăng. Dấu hiệu cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12-2010 trong cả nước đã tăng đột biến tới mức 1,98% so với tháng trước, khiến CPI 2010 tăng 11,75% so với tháng 12-2009. Thực tế nhiều năm qua đã cho thấy, gần như quy luật, những tháng cuối năm, trước và sau Tết Nguyên đán, CPI đều leo thang với mức độ khác nhau bởi nhiều lý do. Do đó, năm 2010 đã không kìm giữ được mức tăng giá tiêu dùng dưới 8% như kế hoạch. Đến nay, tính hiện thực của mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm 2011 ở mức dưới 7% đang là một thách thức khá lớn. Điều này cho thấy lạm phát ở Việt Nam chưa thể kiểm soát được và đang tiếp tục ở mức cao. Trong khi đó, lạm phát trên thế giới nhìn chung đều ở mức thấp . Sự trái chiều này về lạm phát là một điểm rất đáng lưu ý.

Ba là, huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Động viên và tập trung các nguồn vốn cần thiết cho đầu tư, cho phát triển sản xuất kinh doanh. Sử dụng mọi giải pháp cần thiết khắc phục tình trạng thiếu vốn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, trong hoạt động tín dụng - ngân hàng. Hiện nay, lãi suất ngân hàng vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao, gây rất nhiều khó khăn cho sản xuất - kinh doanh. Bên cạnh đó tình hình liên tục mất giá của đồng tiền quốc gia (VND) so với đồng USD, đồng Nhân dân tệ (Trung Quốc) nói riêng và so với nhiều đồng ngoại tệ khác nói chung. Giá vàng có sự biến động khá mạnh, tăng vọt cũng làm cho mức mất giá của VND so với giá vàng càng lớn. Trên giác độ nhất định, vàng vẫn được coi là “vật ngang giá chung” và là nơi trú ẩn cuối cùng của nhiều dòng vốn. Cần có giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng trên, hạn chế bất lợi cho nền kinh tế cả trước mắt và lâu dài.
    
Bốn là, cơ cấu lại nền kinh tế một cách tích cực. Cần tạo lập một  cơ cấu kinh tế phù hợp và có sự chuyển dịch tích cực. Đến cuối năm 2010, cơ cấu kinh tế khu vực nông - lâm - ngư nghiệp (KV1) chiếm 20,3% tổng GDP cả nước (20,91% / năm 2009); tương ứng, khu vực công nghiệp - xây dựng (KV2) chiếm 41,1% (40,24%/năm 2009); khu vực dịch vụ (KV3) chiếm 38,6%. Việc giảm tỷ trọng của KV1 so với năm trước được coi là một bước tiến bộ, còn việc giảm tỷ trọng của KV3 từ 38,85%/năm 2009 xuống 38,6%/năm 2010 nên coi là một bước thụt lùi. Theo kinh nghiệm ở các nước có nền kinh tế phát triển và đang phát triển (hay công nghiệp phát triển) tỷ trọng của KV2 không cao, thường dưới mức 40% GDP, trong khi tỷ trọng KV3 lại rất cao, phần lớn từ 60% trở lên. Nhìn chung cơ cấu kinh tế nước ta vẫn rất lạc hậu. Tỉ trọng trong GDP khu vực I vẫn rất lớn, giảm chậm chạp qua nhiều năm. Tỉ trọng KV 3 trong GDP không hề thay đổi trong 5 năm 2005-2010. Vì vậy, cơ cấu kinh tế nước ta phải chuyển biến mạnh mẽ hơn, tích cực hơn theo hướng hiện đại hóa của nền kinh tế tri thức.
    
Năm là, kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách và nợ quốc gia. Nhanh chóng đưa mức bội chi ngân sách về 5% GDP, mức mà Việt Nam đã kìm giữ trong nhiều năm. Đồng thời dần dần cân bằng thu chi ngân sách nhà nước. Chủ động hơn trong vay và trả nợ . Xem xét và đánh giá kỹ khả năng trả nợ trước khi vay. Hiện nay, vấn đề thâm hụt ngân sách và các cân đối để giảm thâm hụt ngân sách, cân đối giữa đầu tư và tiết kiệm vẫn là vấn đề nan giải chưa có hướng giải quyết triệt để. Chính phủ vừa phải vay nợ để bù đắp thâm hụt NSNN trong khi đó vẫn phải vay nợ để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng làm cho nợ công ngày càng tăng cao, đã và đang vượt trên 50% và dần đến ngưỡng 60% GDP. Đây là những hệ lụy của nền kinh tế cần được nhận dạng và có giải pháp khắc phục. Tất nhiên nợ nhiều hay nợ ít cũng đáng quan tâm, nhưng quan tâm hơn vẫn là vay khi nào, vay làm gì, điều kiện vay ra sao, sử dụng tiền vay thế nào, hiện tại và tương lai lấy gì để trả nợ.

Sáu là, chủ động điều hành chính sách tiền tệ thắt chặt và chính sách lãi suất, tỷ giá linh hoạt. Hiện nay, lãi suất chưa có xu hướng giảm mặc dù đã có những chính sách can thiệp của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. So với mặt bằng quốc tế, lãi suất hiện nay của Việt Nam vẫn ở mức rất cao. Mục tiêu đưa mức lãi suất huy động xuống hiện gần như không thực hiện được do các ngân hàng thương mại đang dùng nhiều biện pháp gián tiếp để tăng lãi suất huy động. Lãi suất huy động cao nên lãi suất cho vay phải cao. Hiện nay, mức lãi suất huy động vẫn duy trì công khai ở mức 14%, nhưng thực tế dưới nhiều hình thức vẫn 16-17%, có ngân hàng thực hiện các thỏa thuận riêng lên tới 17-18%. Lãi suất cho vay, vì vậy không thể dưới 18-19%, có doanh nghiệp , có chủ dự án vì cần vốn đã chấp nhận lãi suất khỏan vay lên tới trên 20%. Với mức lãi suất như vậy, nhiều doanh nghiệp không kham nổi và cá biệt vẫn rất khó tiếp cận nguồn vốn, thậm chí sẽ phải chịu nhiều phí tổn và rủi ro. Một phần nguyên nhân lý giải cho tình trạng này là do không ít các ngân hàng thương mại gặp khó khăn trong việc huy động vốn và tiếp cận các nguồn vốn lớn với lãi suất giao dịch ưu đãi hơn trên thị trường liên ngân hàng. Trong năm 2011, ngoài biện pháp khống chế mức tăng trưởng tín dụng, cần phải có nhiều giải pháp tích cực và hữu hiệu  để  đưa mức lãi suất xuống.

Thêm vào đó, mặt bằng lãi suất ngoại tệ ở Việt Nam hiện cao hơn lãi suất đôla Mỹ trên thị trường quốc tế sẽ làm xuất hiện dòng vốn vay uỷ thác đầu tư và dòng vốn này sẽ đổ vào Việt Nam. Hiện đã có khoảng 2 tỷ USD dòng vốn này vào Việt Nam. Nếu dòng vốn này vì một lý do nào đó bị rút ra sẽ gây ra những tác động lớn và có tính lan truyền, thậm chí có thể tạo ra khủng hoảng.

Bảy là, hạn chế nhập siêu. Thâm hụt thương mại cao và thâm hụt tài khoản vãng lai cao vẫn là bài toán nan giải, có liên quan đến cả vấn đề nghịch lý sâu xa từ trong mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế. Dự báo thâm hụt thương mại cả năm 2010 sẽ là 14,2 tỷ USD. Trong khi đó, dự trữ ngoại tệ giảm, chỉ còn ở mức 9 tháng nhập khẩu, tức là khoảng 14 tỷ USD. Các giải pháp hạn chế nhập khẩu một số nhóm hàng tiêu dùng trong nước có thể đảm bảo được xem ra ít hiệu lực trên thực tế. Bởi lẽ, thực trạng kinh niên này xuất phát chủ yếu từ cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam phụ thuộc vào nguồn đầu vào bên ngoài cho sản xuất trong nước và xuất khẩu. Khu vực công nghiệp phụ trợ hầu như chưa được phát triển. Nếu để những mất cân đối này kéo dài, những rủi ro lớn về kinh tế vĩ mô vẫn sẽ tồn tại, trong khi Việt Nam lại chậm bắt kịp trong việc tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu. Cần có giải pháp khắc phục và phải hạn chế nhập siêu ngay từ đầu năm 2011.

Tám là, nâng cao chất lượng đầu tư, chống đầu tư dàn trải, thất thoát và lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản. Thực tế hiện nay có hàng loạt  vấn đề liên quan đến đầu tư, qui hoạch. Chất lượng của đầu tư thấp, thu hút FDI cao nhưng chưa đạt yêu cầu, FDI chưa nhắm tới giải quyết các vấn đề của Việt Nam như chuyển giao công nghệ, thân thiện môi trường....Cần thảo luận thẳng thắn, nghiêm túc để đi tới những biện pháp cụ thể thiết thực, chọn lọc dự án và nguồn vốn đầu tư.  Thêm vào đó, nguồn đầu tư do không đủ bù đắp bằng tiết kiệm nội địa, phải dựa nhiều vào bên ngoài sẽ làm bài toán nợ quốc gia trở nên trầm trọng hơn. Đó cũng chính là những thách thức đặt ra cho chúng ta cần phải có giải pháp hữu hiệu thay đổi mô hình phát triển, nâng cao chất lượng đầu tư, đầu tư theo chiều sâu, trước hết và ở tầm cao hơn là tư duy về mô hình phát triển mà Việt nam cần hình thành và theo đuổi trong tương lai.
    
Chín là, cần tập trung đúng mức cho phát triển nông nghiệp và nông thôn, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội. Các giải pháp của Nhà nước cần giải quyết có hiệu quả các vấn đề của nông nghiệp, nông thôn, nông dân, các vấn đề về đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo việc làm, xử lý thật tốt với bước đi và cách làm hợp lý đối với tình trạng mất cân đối về cung cầu về việc làm ở các địa phương, các vấn đề di cư, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế... Đây là những vấn đề rất quan trọng, liên quan đến việc thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững đất nước trong giai đoạn 2011-2015. Quan tâm phát triển kinh tế bền vững, xây dựng nền kinh tế “xanh” “sạch” và hướng vào trọng tâm phát triển con người./.


 PGS.TS Đặng Văn Thanh

Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam

 Theo Tạp chí Kiểm toán số 1/2011

Xem thêm »