Đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật KTNN

29/02/2012
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Trong khuôn khổ chương trình Dự án do Bộ Phát triển Quốc tế Vương quốc Anh (DFID) tài trợ, ngày 28/02/2012, tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo báo cáo "Tổng kết 5 năm thực hiện Luật Kiểm toán Nhà nước và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán Nhà nước". Đây là một nội dung quan trọng nhằm thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 12/5/2009 của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020, trong đó KTNN được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan tiến hành tổng kết 5 năm thực hiện Luật KTNN và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật KTNN. Tham dự Hội nghị, về phía KTNN có Phó Tổng KTNN Cao Tấn Khổng, đại diện Ban chỉ đạo, Ban soạn thảo, Tổ biên tập sửa đổi, bổ sung Luật KTNN, cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc KTNN; về phía các cơ quan hữu quan ở Trung ương có đại diện Văn phòng Quốc hội, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách, Uỷ ban Pháp luật, Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội; đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, DFID Việt Nam; các địa phương có đại diện HĐND, UBND và một số cơ quan các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Ninh Bình, Yên Bái, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hải Dương. Phó Tổng KTNN Cao Tấn Khổng chủ trì Hội thảo.

Hội thảo "Tổng kết 5 năm thực hiện Luật Kiểm toán Nhà nước và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán Nhà nước"

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng KTNN Cao Tấn Khổng nhấn mạnh: Để bảo đảm việc tổng kết và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật KTNN đạt chất lượng, hiệu quả và trên tinh thần khoa học, tôn trọng kinh nghiệm thực tiễn, Ban tổ chức Hội thảo mong muốn lắng nghe ý kiến tham gia của các chuyên gia trong và ngoài ngành, từ các góc nhìn khác nhau để tập trung làm rõ các vấn đề: Sự tương thích và phù hợp giữa các quy định của Luật KTNN với các quy định của các luật liên quan trong hệ thống pháp luật của Nhà nước ta; sự cần thiết phải quy định địa vị pháp lý của KTNN, Tổng KTNN trong Hiến pháp; vấn đề về trình tự, thủ tục, thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm Tổng KTNN, Phó Tổng KTNN cho phù hợp với các quy định hiện hành; mô hình, cơ cấu tổ chức của KTNN; phạm vi kiểm toán của KTNN; chức năng, nhiệm vụ của KTNN liên quan đến hoạt động phòng, chống tham nhũng, kiểm toán nợ công...


                       Phó Tổng KTNN Cao Tấn Khổng phát biểu kết thúc Hội thảo

Tham luận tại Hội thảo, các đại biểu đã tán thành với hầu hết các nội dung của dự thảo Báo cáo Tổng kết 5 năm thực hiện Luật KTNN và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật KTNN, thống nhất nhận định đã đủ các điều kiện để xem xét đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật KTNN để đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là việc quy định về địa vị pháp lý của KTNN, của Tổng KTNN trong Hiến pháp. Các đại biểu cũng sôi nổi thảo luận, cho ý kiến đối với nhiều vấn đề trọng tâm khác, như: về chức năng nhiệm vụ của KTNN; việc phối hợp giữa KTNN với HĐND, UBND các cấp; mối quan hệ giữa KTNN với các loại hình kiểm toán khác; kiểm soát chất lượng kiểm toán; việc tương thích, phù hợp với các luật liên quan...
Phát biểu kết thúc Hội thảo,  Phó Tổng KTNN Cao Tấn Khổng bày tỏ cảm ơn sự quan tâm của các đại biểu và đánh giá rất cao các tham luận, ý kiến tham gia; đồng thời chỉ đạo Ban soạn thảo, Tổ biên tập nghiêm túc tiếp thu các nội dung đã đề cập, thảo luận tại Hội thảo để hoàn thiện dự thảo Báo cáo tổng kết, trình Chính phủ đúng thời gian quy định./.

ĐC

 

Xem thêm »