Khai mạc phiên họp thứ 9 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

18/07/2012
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(ĐCSVN) - Sáng 16/7, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc phiên họp thứ 9 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Phiên họp này diễn ra trong hai ngày 16 và 17/7/2012 với nhiều nội dung quan trọng sẽ được đưa ra bàn thảo.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc Phiên họp. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN

(ĐCSVN) - Sáng 16/7, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc phiên họp thứ 9 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Phiên họp này diễn ra trong hai ngày 16 và 17/7/2012 với nhiều nội dung quan trọng sẽ được đưa ra bàn thảo.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Trong phiên họp này, UBTVQH sẽ đánh giá kết quả kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII; đồng thời cho ý kiến về việc chất vấn, trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 10 và báo cáo tổng hợp ý kiến đề xuất tiến hành hoạt động giải trình tại Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trong các tháng còn lại của năm 2012.

Cũng trong phiên họp, UBTVQH sẽ cho ý kiến nội dung Tờ trình của Chính phủ về việc xin chủ trương thành lập thành phố Bà Rịa thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong thời gian thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường. UBTVQH cũng sẽ thông qua dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.

Bên cạnh đó, UBTVQH sẽ cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 773/2009/NQ-UBTVQH12 của Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành quy định về một số chế độ chi tiêu tài chính phục vụ hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội; cho ý kiến về xây dựng lực lượng kiểm ngư; cho ý kiến về công tác nhân sự Kiểm toán Nhà nước.
Kỳ họp cuối năm sẽ bàn nhiều vấn đề hệ trọng

Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, UBTVQH đã đánh giá kết quả kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII.

Về kỳ họp thứ 3, UBTVQH đánh giá những nội dung được lựa chọn để trình Quốc hội tại kỳ họp này là thiết thực, đáp ứng yêu cầu bức thiết của thực tiễn. Với nhiều ý kiến phát biểu có chất lượng, nhiều ý tưởng mới được phân tích thấu đáo, sát thực tế, các vị đại biểu Quốc hội đã ghi nhận những kết quả đạt được trong năm 2011 và những tháng đầu năm 2012; đồng thời kiến nghị Chính phủ tiếp tục có những giải pháp, chính sách tích cực để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, điều hành; sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém; phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2012, hoàn thành mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra trong Nghị quyết của Quốc hội.

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục đề cập đến nhiều vấn đề thực tiễn bức xúc, được cử tri cả nước và đại biểu Quốc hội quan tâm. Không khí chất vấn sôi động, có tranh luận, đối thoại với tinh thần xây dựng cao.

Tại Kỳ họp thứ 3, Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội nhận được sự hoan nghênh và quan tâm đặc biệt của các vị đại biểu Quốc hội. Dư luận đặc biệt đánh giá cao chủ trương đổi mới việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn và cho rằng, nếu thực hiện tốt việc bỏ phiếu tín nhiệm sẽ làm cho Quốc hội, các cơ quan khác của Nhà nước nâng cao trách nhiệm trước Đảng và nhân dân.

Ngoài ra, tại kỳ họp này, Quốc hội đã tiến hành một cách dân chủ, công khai, đúng pháp luật việc bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến, đại biểu Quốc hội tỉnh Long An.

Trình bày Tờ trình về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến, Quốc hội sẽ làm việc khoảng 22,5 ngày, từ 22/10 - 21/11/2012. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 9 dự án luật và 1 nghị quyết; cho ý kiến 10 dự án luật. Đồng thời dành 10 ngày để xem xét các báo cáo về các vấn đề kinh tế - xã hội, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 4, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh tính chất quan trọng của những nội dung mà kỳ họp cuối năm sẽ bàn thảo. Đó là những nội dung rất nặng gắn liền với thực tiễn cuộc sống như: Vấn đề sửa đổi Hiến pháp năm 1992, sửa đổi Luật đất đai; Luật phòng, chống tham nhũng… Để đảm bảo tiến độ chuẩn bị các nội dung của kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị chọn những vấn đề quan trọng thảo luận ngay từ bây giờ thông qua việc tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, Hội nghị trực tuyến để lấy ý kiến về các nội dung kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Với ý nghĩa và tầm quan trọng của kỳ họp này, đề nghị các vị đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Quốc hội về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội để kỳ họp thứ 4 chất lượng và hiệu quả.”

Theo Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc, do kỹ năng và các điều kiện bảo đảm cho việc tự nghiên cứu tài liệu của đại biểu Quốc hội ngày càng được tăng cường, nên đề nghị tại kỳ họp thứ 4 này, tiếp tục giảm tối đa việc nghe đọc văn bản tại hội trường. Theo ông, nếu thực hiện như trên sẽ rút ngắn được 5 ngày đọc văn bản, trong đó 2,5 ngày để tăng thêm cho việc thảo luận, kỳ họp sẽ rút ngắn 2,5 ngày.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển đồng ý với đề nghị của Văn phòng Quốc hội. Theo ông, kỳ họp thứ 4 phải đổi mới quyết liệt hơn, với những vấn đề có đầy đủ Tờ trình, Báo cáo thẩm tra đầy đủ rồi thì các đại biểu Quốc hội có thể tập trung thảo luận luôn. Tuy nhiên, những vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách thì vẫn phải trình bày Tờ trình, Báo cáo thẩm tra.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai thì cho rằng “Có thể cải tiến, rút ngắn việc đọc Tờ trình, Báo cáo thẩm tra nhưng không thể không có việc trình bày tờ trình và báo cáo thẩm tra, vì như vậy làm mất ý nghĩa của cơ quan lập pháp.”

Chủ nhiệm Ủy ban khoa học công nghệ Phan Xuân Dũng cũng đồng tình với bà Trương Thị Mai về vấn đề này.

Phiên họp thứ 10 sẽ chất vấn những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm
Cũng trong sáng nay, các thành viên UBTVQH đã cho ý kiến về việc chất vấn, trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 10 của UBTVQH.

Theo Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương, trên cơ sở các chất vấn tại kỳ họp thứ 3 của đại biểu Quốc hội, chất vấn của đại biểu Quốc hội gửi đến giữa hai kỳ họp và những vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm, Ban Công tác đại biểu đã đề xuất thành phần, nhóm vấn đề chất vấn tại phiên họp thứ 10.

Cụ thể, đối với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề xuất chất vấn, trả lời chất vấn các vấn đề liên quan tới việc giải quyết những vụ án tồn đọng kéo dài, đặc biệt là những vụ án phức tạp, nhạy cảm, ảnh hưởng đến số đông nhân dân; tình trạng chậm khắc phục những vụ án oan sai; Công tác chỉ đạo, hướng dẫn công tác xét xử của Tòa án nhân dân tối cao đối với Tòa án nhân dân các cấp; Vấn đề nâng cao năng lực, phẩm chất, tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác xét xử các cấp.

Đối với Tổng Thanh tra Chính phủ đề xuất các vấn đề liên quan tới giải pháp đối với các vụ việc tồn đọng, kéo dài, bức xúc trong nhân dân, đặc biệt là những vụ liên quan đến đất đai; biện pháp theo dõi, xử lý hoặc thu hồi tài sản sau thanh tra; về hoạt động thanh tra đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty; vấn đề nâng cao năng lực, phẩm chất, tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra.

Đối với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề xuất các vấn đề liên quan tới việc điều chỉnh lãi suất tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận nguồn vốn nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; Giải pháp để khắc phục và giảm dần nợ xấu; chính sách tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn; vấn đề cơ cấu lại hệ thống ngân hàng trong Đề án tái cấu trúc nền kinh tế.

Đối với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất các vấn đề liên quan tới: Hoàn thiện các quy định của pháp luật, tạo cơ chế thuận lợi cho việc quản lý và thực hiện chính sách bảo trợ xã hội; giải pháp thực hiện chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực bảo trợ xã hội; giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng; vấn đề đào tạo nghề, đưa người đi lao động ở nước ngoài.

Về thời gian chất vấn, bà Nguyễn Thị Nương đề nghị từ 1 đến 1,5 ngày, mỗi Bộ trưởng, trưởng ngành là 1/2 ngày. Nếu thời gian dành cho hoạt động chất vấn là 1 ngày thì đề nghị lựa chọn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trả lời chất vấn. Nếu thời gian là 1,5 ngày thì đề nghị thêm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoặc Tổng Thanh tra Chính phủ trả lời chất vấn.

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương cũng đề nghị truyền hình trực tiếp và trực tuyến với Đoàn Đại biểu Quốc hội tại 63 tỉnh, thành phố.

Chiều nay, UBTVQH thông qua dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về việc xin chủ trương thành lập thành phố Bà Rịa thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong thời gian thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường./.

Theo Dangcongsan.vn

                                                               

Xem thêm »