Sử dụng vốn đầu tư Nhà nước: đầu tư dàn trải, phân tán, hiệu quả chưa cao

10/08/2012
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Trong những năm qua, nguồn vốn nhà nước huy động cho đầu tư liên tục gia tăng và chiếm tỷ lệ khoảng 30% GDP, góp phần tạo nên sự chuyển biến quan trọng về cơ sở vật chất kỹ thuật, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng năng lực sản xuất, cải thiện văn minh đô thị, đóng góp quyết định vào phát triển kinh tế xã hội và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các công trình giao thông then chốt của nền kinh tế như đường bộ, sân bay, bến cảng, đường sắt, công trình thủy lợi được nâng cấp và làm mới; các công trình điện, thông tin liên lạc, các khu đô thị, khu công nghiệp, các bệnh viện, trường học, công trình văn hóa thể thao được cải tạo và xây dựng đã giúp cải thiện, nâng cao mức sống của nhân dân làm thay đổi diện mạo cả đô thị và nông thôn.

Ảnh minh hoạ

Tuy nhiên, cùng với các kết quả đạt được, việc quản lý và triển khai thực hiện các dự án đầu tư trong những năm qua đã bộc lộ một số hạn chế, yếu kém, dẫn đến tình trạng thất thoát, lãng phí vốn, hiệu quả đầu tư kém... Tại Hội thảo “Kiểm toán hiệu quả đầu tư công” do Kiểm toán Nhà nước phối hợp với Hiệp hội kế toán công chứng Anh Quốc - ACCA tổ chức ngày 8/8/2012 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, đầu tư, xây dựng đều có chung quan điểm: hiệu quả sử dụng vốn đầu tư Nhà nước hiện nay vẫn chưa cao, đầu tư dàn trải đi kèm với tình trạng thất thoát vốn, gây lãng phí lớn.

Đầu tư dàn trải, phân tán vốn, hiệu quả thấp
Theo ông Nguyễn Xuân Tự - Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xét về mặt tổng thể, hiệu quả đầu tư của toàn bộ nền kinh tế Việt Nam trong những năm vừa qua ở mức thấp và có chiều hướng đi xuống. Trên cơ sở số liệu của Niên giám thống kê 2005 (theo giá so sánh 1994), chỉ số ICOR (tỉ lệ phần trăm vốn đầu tư bỏ ra để tạo một đơn vị phần trăm gia tăng tổng sản phẩm trong nước) của kinh tế Việt Nam đang có xu hướng ngày càng tăng: giai đoạn 1996-2000 là 5,8, giai đoạn 2001-2005 là 6,6, đến năm 2010 chỉ số này là khoảng 8 (các nước trong khu vực chỉ số này dao động trong khoảng từ trên 2 đến dưới 4).

Thống kê của Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho thấy, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lượng tiền bỏ ra nhằm mục đích đầu tư đi vào được trong quá trình sản xuất nhiều nhất (bỏ ra một đồng thì xấp xỉ 83% đi vào được quá trình sản xuất), tiếp đến là khu vực kinh tế tư nhân (bỏ ra 1 đồng có 68% đi vào sản xuất) trong khi đó khu vực kinh tế nhà nước bỏ ra 1 đồng nhằm mục đích đầu tư chỉ có 63% là đến được quá trình sản xuất.

Phân tích của các chuyên gia Viện Kinh tế Việt Nam đã đưa ra một chỉ tiêu khác phản ảnh hiệu quả đầu tư là sản phẩm dở dang trong nền kinh tế, hay tỷ lệ giá trị tài sản tồn kho. Khối lượng sản phẩm dở dang trong nền kinh tế tính theo tỷ trọng so với GDP đã tăng từ 2,2% năm 2004 lên 5,1% năm 2008. Về mặt giá trị đã tăng gần gấp 4 lần. Điều này có nghĩa là có một khối lượng vốn đầu tư ngày càng lớn chậm được đưa vào khai thác. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là việc đầu tư dàn trải, phân tán vốn.

Bàn về vấn đề này, TS. Phạm Văn Khánh - Vụ trưởng Vụ Kinh tế xây dựng - Bộ Xây dựng cho rằng, hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn nhà nước đạt thấp thể hiện rất rõ thông qua tình trạng đầu tư dàn trải, tiến độ thi công chậm trễ, kéo dài, chất lượng thi công không đảm bảo, vượt chi phí dự toán ban đầu, gây ô nhiễm môi trường, chưa an toàn cho người thi công và người sử dụng. Công trình xây xong không sử dụng, một số tiêu cực trong quá trình đầu tư xây dựng làm cho dự án bị thất thoát, tham ô, lãng phí vốn đầu tư, hiệu quả kinh tế xã hội thấp, gây bức xúc trong nhân dân. “Công tác định hướng và điều tiết thị trường xây dựng yếu làm cho chúng ta thường bị động trong việc sử dụng các nguồn lực cũng như việc sử dụng các nguồn lực không hợp lý, nhiều quyết định đầu tư không đúng với nhu cầu thực tiễn dẫn đến hậu quả nhiều dự án đầu tư xây dựng xong không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả. Thực tế, nhiều gói thầu khi triển khai thi công không đủ nguồn lực đáp ứng tiến độ và chất lượng; chợ xây xong không có người sử dụng, khu công nghiệp không có nhà ở cho công nhân, nhiều biệt thự ở các khu đô thị mới bỏ hoang, nhưng lại thiếu trường học, bệnh viện, trường mẫu giáo ở các khu đô thị này” - TS. Phạm Văn Khánh nói.

Theo Cục Quản lý XD và chất lượng CTGT, hiện mức vốn giao cho ngành GTVT thấp hơn nhu cầu nên nhiều dự án phải tạm dừng hoặc giãn tiến độ. Đặc biệt nguồn vốn cho ngành GTVT chưa được xác định mức vốn trong dài hạn nên tính chủ động trong việc xây dựng kế hoạch, bố trí vốn của ngành còn bị động. Nhất là năm 2012, kế hoạch vốn được giao muộn hơn so với những năm trước đây, danh mục và mức vốn đã được Bộ KH&ĐT rà soát và giao chi tiết cho từng dự án nên cũng ảnh hưởng đến tính chủ động triển khai thực hiện kế hoạch.

Có một thực trạng, cơ chế huy động và sử dụng vốn cho các dự án đầu tư xây dựng còn hạn chế dẫn đến trong những năm qua hầu hết các dự án đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông, cấp thoát nước, điện lực, viễn thông,... chủ yếu chỉ được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước, trong khi đó các nguồn vốn ngoài Nhà nước lại đầu tư vào bất động sản với mục đích đầu cơ hoặc tích trữ vốn dưới dạng vàng, ngoại tệ. Mặt khác, kế hoạch bố trí vốn cho dự án đầu tư xây dựng dàn trải làm cho nhiều dự án bị kéo dài tiến độ, tăng chi phí, thậm chí nhiều dự án đang triển khai phải dừng do thiếu vốn.

Việc phân cấp quản lý dự án cho chủ đầu tư hiện nay là - chủ đầu tư được quyền tổ chức thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán, điều chỉnh hợp đồng và các thay đổi của dự án trong khuôn khổ tổng mức đầu tư và thiết kế cơ sở. Dù rằng việc phân cấp nêu trên là phù hợp với thông lệ quốc tế và ở các nước phát triển, tuy nhiên ở Việt Nam, do năng lực của chủ đầu tư còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý; thị trường tư vấn quản lý dự án đầu tư xây dựng, quản lý chi phí dự án mới hình thành, cho nên chưa đáp ứng được yêu cầu cả về quy mô và chất lượng, đặc biệt là đối với các dự án ở vùng núi, biên giới, dự án quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, dự án áp dụng công nghệ mới. Dẫn đến, nhiều dự án bị vỡ thầu, chậm tiến độ, vượt chi phí, gây thất thoát lãng phí vốn đầu tư do năng lực của chủ đầu tư và tư vấn yếu kém, bên cạnh đó chế tài của pháp luật đối với các vi phạm trong quản lý dự án, quản lý chi phí đầu tư xây dựng chưa đủ mạnh để hạn chế tiêu cực trong lĩnh vực này…

                                                 Ảnh minh hoạ

Cạnh tranh để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn
PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng việc chưa thiết lập được môi trường cạnh tranh trong khu vực sản xuất, tiêu dùng có thể là nguyên nhân chính dẫn đến sự thiếu hiệu quả trong sử dụng vốn đầu tư Nhà nước. Theo ông Thiên: “để đạt được hiệu quả, đầu tư công phải được triển khai một cách minh bạch và có tính cạnh tranh. Việc tổ chức, thực hiện và giám sát đầu tư công phải khoa học, công bằng, công khai. Khoa học là dự án đầu tư công phải được khảo cứu kỹ lưỡng và tham khảo ý kiến các nhà nghiên cứu chuyên môn. Công bằng và công khai là nhằm chọn được những doanh nghiệp có tư tưởng cạnh tranh lành mạnh, mưu cầu lợi nhuận chính đáng.”

Tuy nhiên, có những vấn đề quan ngại về trách nhiệm đối với chi tiêu ngân sách và có lập luận cho rằng bản chất thương mại của các hợp đồng tài chính là mối nguy tiềm ẩn đối với những tiêu chuẩn đã được thông qua về trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước. Trách nhiệm phụ thuộc vào tính minh bạch trong các quyết định sao cho những người quan tâm và có trách nhiệm thực hiện những công việc công có thể giám sát quá trình thực hiện những quyết định đó. Công chúng không bị che dấu thông tin, vì vậy, vai trò của cơ quan Kiểm toán Nhà nước trở nên quan trọng hơn.

Ông Phạm Văn Khánh - Vụ trưởng Vụ Kinh tế xây dựng - Bộ Xây dựng đề xuất, cần sớm sửa đổi, hoàn thiện hệ thống Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Ngân sách nhà nước...và các Nghị định hướng dẫn Luật theo hướng bảo đảm tính đồng bộ, không chồng chéo và khắc phục các bất trong quản lý nhà nước đối với dự án đầu tư.

Bên cạnh đó, từ thực tế các vụ thất thoát, lãng phí, ông Nguyễn Xuân Tự cho rằng cần tiến tới nghiên cứu, ban hành các chế tài cụ thể để đảm bảo chấp hành kỷ cương, kỷ luật trong đầu tư; khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, hiệu quả thấp, lãng phí thất thoát và xử lý nghiêm những vi phạm trong quản lý đầu tư./.

Thanh Hà (Tổng thuật)

 

Xem thêm »