Ủy ban Tư pháp Quốc hội tổ chức Hội thảo "Hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng"

31/08/2012
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Trong 2 ngày 30 và 31/8/2012, tại TP Hạ Long - tỉnh Quảng Ninh, Ủy Ban Tư pháp Quốc hội đã tổ chức Hội thảo "Hoàn thiện hệ thống pháp luật và phòng chống tham nhũng". Ông Hoàng Hồng Lạc - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước tham dự và đã có bài tham luận tại Hội thảo quan trọng này.

Luật Phòng, chống tham nhũng đã được thực hiện 5 năm kể từ khi được ban hành vào năm 2005. Đánh giá về 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, báo cáo tổng kết của Quốc hội cho rằng, việc thực hiện công tác này còn hạn chế, đặc biệt là việc thực hiện quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị còn khó thực hiện. Mặt khác, có rất chủ trương quan trọng của Đảng còn chưa được thể chế hóa trong Luật việc kê khai tài sản, thu nhập của người có chức, có quyền còn nặng tính hình thức, thể hiện ngay trong các văn bản pháp luật. Ông Nguyễn Đình Quyền - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH cho biết, việc kê khai tài sản của người có chức, quyền phần nào không hiệu quả bởi không có quy định rõ ràng về quy trình xác minh tài sản, cũng như trách nhiệm của những người liên quan đến quá trình kê khai tài sản. Hiện nay, người khai man hay xác minh sai đều không chịu bất cứ hình thức kỷ luật nào.

Mặt khác, một trong những bất cập trong công tác Phòng, chống tham nhũng của chính sách hiện nay là: thay vì quy định phải kê khai nguồn thu nhập để phát hiện nguy cơ tham nhũng thì Luật chỉ quy định kê khai tổng thu nhập. Chưa có quy định nào buộc cán bộ công chức phải giải trình tăng, giảm tài sản, thu nhập, nên rất khó phát giác những tài sản hình thành từ hành vi tham nhũng. Rất nhiều đại biểu tham dự Hội thảo đều cho rằng, việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ công chức hiện vẫn mang tính chất hình thức. Vẫn còn tình trạng người có chức, có quyền nhờ người thân đứng tên tài sản, khiến người dân không hoặc chưa tin vào chủ trương kê khai tài sản.

Để tăng thêm "công cụ" cho các cơ quan có vai trò phòng, chống tham nhũng, ông Hoàng Hồng Lạc - Phó Tổng Kiểm toán cho rằng, cần sửa đổi và bổ sung một số chức năng, quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) - một trong những cơ quan trực tiếp có trách nhiệm phát hiện và phối hợp xử lý tham nhũng (Thanh tra nhà nước, Cơ quan điều tra, KTNN, Viện kiểm sát, Tòa án) theo hướng: bổ sung chức năng điều tra, nhiệm vụ phòng chống tham nhũng, kiểm toán nợ công, nhiệm vụ trình ý kiến để Quốc hội xem xét quyết định dự toán ngân sách nhà nước; đặc biệt bổ sung quy định quyền tự quyết cao của Tổng KTNN đối với các vấn đề tổ chức, hoạt động và kinh phí của KTNN để nâng cao địa vị pháp lý, quyền hạn, trách nhiệm và vai trò của KTNN trong phòng chống tham nhũng. "Đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoàn thiện hệ thống luật pháp về KTNN, trong đó bổ sung vào Hiến pháp một số điều về địa vị pháp lý, chức năng, nguyên tắc tổ chức và hoạt động, thẩm quyền bổ nhiệm Tổng KTNN. Bổ sung Tổng Kiểm toán Nhà nước vào Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng để nâng cao vị thế và vai trò của KTNN trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Cho phép triển khai nghiên cứu để KTNN triển khai thực hiện đề án Kiểm toán trách nhiệm kinh tế trong nhiệm kỳ đối với cán bộ lãnh đạo trong bộ máy nhà nước và các tổ chức kinh tế nhà nước” - ông Lạc nói.

Để khắc phục những hạn chế trên, các đại biểu nhất trí cho rằng việc QH xem xét sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng ngay tại Kỳ họp thứ Tư sắp tới. Phần lớn các Đại biểu cho rằng, phương pháp tiếp cận sửa đổi Luật lần này cần xác định: nội dung của Luật chủ yếu là ngăn ngừa, ngăn chặn và đặt việc sửa đổi Luật trong tổng thể nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật của nước ta. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng dựa trên các giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm soát việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ và kiểm soát xung đột lợi ích đối với các cơ quan nhà nước. Nâng cao hiệu quả phòng ngừa, phát hiện tham nhũng thông qua việc xác định rõ trách nhiệm và cơ chế điều phối giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

Về cách thức sửa đổi, cần tiếp tục quy định rõ việc cơ quan nhà nước có trách nhiệm giải trình trước nhân dân về quyết định, hành vi của mình; cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm giải trình trước người đứng đầu về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Nội dung sửa đổi cần tập trung vào 3 nội dung: Bổ sung quy định về giám sát cộng đồng (nhân dân) đối với hành vi tham nhũng; Đổi mới cơ chế, chính sách theo hướng xóa bỏ cơ chế xin - cho; Tăng cường sự quản lý của Nhà nước đối với công tác phòng, chống tham nhũng.

 

 

 

 

 


 

Xem thêm »