Anh rất quan tâm tới tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam

26/09/2012
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

NDĐT- Trong chuyến thăm bốn ngày tới Việt Nam của đoàn doanh nghiệp Vương quốc Anh do Thị trưởng Trung tâm Tài chính (TTTC) London David Wootton dẫn đầu từ ngày 22 đến 26-9, sáng 25-9 tại Hà Nội, Thị trưởng TTTC London khẳng định, công cuộc tái cơ cấu này là mối quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp Vương quốc Anh.

Thị trưởng TTTC London David Wootton tại buổi họp báo sáng 25-9 tại Hà Nội (ảnh: NDĐT)

Mối quan tâm đặc biệt

Đánh giá về bức tranh kinh tế Việt Nam hiện nay, Thị trưởng TTTC London David Wootton nhận định: Trong năm nay chính phủ Việt Nam đã đạt rất nhiều kết quả về mặt ngắn hạn trong việc kiểm soát ổn định kinh tế vĩ mô như việc kiềm chế được lạm phát, đã tăng được dự trữ ngoại tệ, có số dư đối với cán cân thanh toán, cán cân thương mại.

Vương quốc Anh đánh giá rất cao các nỗ lực và kết quả mà Chính phủ Việt Nam đã đạt được đặc biệt là trong vấn đề quản trị rủi ro trong hệ thống ngân hàng, ban hành luật kiểm toán độc lập, nỗ lực để đẩy mạnh xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực rà soát các ngân hàng trong hệ thống và có một số giải pháp như sáp nhập các ngân hàng.

Một số cải cách này đang được triển khai và một số nằm trong chương trình nghị sự của chính phủ để triển khai trong thời gian tới. Nhưng dù thế nào thì Chính phủ và các doanh nghiệp Anh rất quan tâm tới quá trình tái cơ cấu nền kinh tế này bởi mục đích của công cuộc tái cơ cấu đó là cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam. Các cải cách như vậy sẽ giúp cho các nhà đầu tư từ Anh quốc sẵn sàng hơn và tăng cường đầu tư của họ vào Việt Nam.

Mặc dù trong năm nay FDI vào Việt Nam đã giảm, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài trong đó có các doanh nghiệp của Anh vẫn muốn tăng cường đầu tư tại Việt Nam.

Để khắc phục được nhược điểm này, theo Thị trưởng TTTC London, Chính phủ phải có được các chính sách tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng thấy Việt Nam là thị trường hấp dẫn để đầu tư.

Thị trưởng TTTC London cho rằng, để làm được việc này cần phải có thời gian, phải có giải pháp dài hạn vì đây là vấn đề có tính vĩ mô. Quan trọng nhất là phải có những sửa đổi, bổ sung vào hệ thống khuôn khổ pháp lý để chúng rõ ràng hơn, dễ dàng đoán định hơn và tăng độ tin cậy hơn.

Ông David Wootton dẫn thí dụ về việc đầu tư cơ sở hạ tầng. Theo ông, trong lĩnh vực này, khuôn khổ pháp lý có vai trò hết sức quan trọng để thuyết phục nhà đầu tư về tính minh bạch. Ông cho rằng, khi các nhà đầu tư đến một nước nào đó thì họ luôn muốn biết quyết định hiện tại như thế nào và trong tương lai sẽ ra sao.

Thị trưởng tài chính London khẳng định: “Một khuôn khổ pháp lý rõ ràng, có khả năng tiên lượng, minh bạch và đáng tin cậy là yếu tố cần thiết và kỳ vọng của các nhà đầu tư.”

Bên cạnh đó, ông cũng lưu lý trong quá trình thực hiện tái cơ cấu, cải cách nền kinh tế, các nhà hoạch định chính sách cần cung cấp thông tin đầy đủ cho các nhà đầu tư để họ có thể nắm được những thay đổi của quy trình đầu tư trong tương lai.

Nêu lên đánh giá về quá trình tái cơ cấu ngân hàng của Việt Nam hiện nay, Thị trưởng TTTC London cho rằng xét một cách tổng thể quá trình này là tốt, kịp thời và phù hợp.

Thị trưởng TTTC London David Wootton nhấn mạnh: “Có một điều rõ ràng là, các nhà đầu tư Anh (cũng như các nhà đầu tư nước ngoài khác) cũng rất muốn đầu tư vào các ngân hàng có cấu trúc phù hợp và lành mạnh. Chúng tôi trông đợi sẽ được đón nhận các tin vui, tốt lành kết quả của sự cải cách này trong một vài tháng tới.”

Xuất phát từ thực tiễn điều hành “thủ đô” tài chính của châu Âu, ông David Wootton cho rằng Chính phủ Việt Nam nên cho phép tăng tỷ lệ tham gia góp vốn của các nhà đầu tư vào các ngân hàng của Việt Nam lên trên 20%. Bởi vì theo ông, khi nâng tỷ lệ góp vốn của các nhà đầu tư nước ngoài trong các ngân hàng trên 20% sẽ thu hút được các ngân hàng có chất lượng cao từ bên ngoài, qua đó sẽ chia sẻ được các kinh nghiệm quản lý cho các ngân hàng trong nước.

Một trong những ưu tiên trong chuyến thăm lần này của Thị trưởng TTTC London là tìm hiểu và thúc đẩy hợp tác về mô hình hợp tác công – tư (PPP) giữa Anh và Việt Nam. Với bề dày kinh nghiệm về mô hình PPP hơn 20 năm qua từ lập kế hoạch, cấp vốn, xây dựng và vận hành các dự án PPP, Thị trưởng TTTC London khẳng định Vương quốc Anh cam kết sẵn sàng chia sẻ các kinh nghiệm cũng như hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề này.

Vương quốc Anh sẽ hỗ trợ Việt Nam hai nội dung trong PPP

Thứ nhất,liên quan đến cơ cấu, thể chế, khuôn khổ pháp lý, Vương quốc Anh sẽ giúp Chính phủ Việt Nam xây dựng khuôn khổ pháp lý PPP, đặc biệt là cách thức quản lý các dự án PPP. Hiện nay chính phủ Việt Nam đã có một văn phòng thường trực về PPP đặt tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đây là đầu mối để xây dựng khuôn khổ pháp lý này.

Thứ hai, Vương quốc Anh sẽ mời nhiều doanh nghiệp cũng như đại diện của Chính phủ VN sang khảo sát tại Anh để trực tiếp thấy các dự án PPP đã được thực hiện và quản lý như thế nào. “Chúng tôi hy vọng sẽ giải thích với chính phủ và và các doanh nghiệp Việt Nam là các dự án PPP của chúng tôi hoạt động như thế nào và kinh nghiệm quản lý của chúng tôi ra sao, đặc biệt là giải quyết các vấn đề phát sinh trong các dự án PPP này”, Thị trưởng TTTC Wootton bày tỏ.

Thị trường Anh luôn mở cửa với doanh nghiệp Việt Nam

Chuyến thăm lần này tới Việt Nam của đoàn doanh nghiệp Vương quốc Anh do Thị trưởng TTTC David Wootton dẫn đầu không chỉ để tìm hiểu các cơ hội đầu tư tại Việt Nam mà còn gửi tới một thông điệp với các doanh nghiệp Việt Nam rằng thị trường Anh luôn chào đón và mở cửa đối với các doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư và làm ăn tại Thị trường Anh quốc.

Thị trưởng TTTC London David Wootton nói: “Chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam huy động vốn tại thị trường vốn London thông qua Sở Giao dịch chứng khoán London LSE, có thể huy động vốn chứ không nhất thiết phải làm ăn kinh doanh trực tiếp tại Vương quốc Anh”.

Ông David Wootton cho hay, Vương quốc Anh rất quan tâm thu hút đầu tư về Anh quốc, chính sách của Vương Quốc Anh là luôn mở cửa, đón chào các công ty từ khắp nơi trên thế giới bất kể từ quốc gia nào, không có một giới hạn nào tại Anh về việc thành lập trụ sở hay việc thành lập doanh nghiệp tại Anh đối với các công ty nước ngoài. “Chính sách của chúng tôi là bình đẳng đối với mọi doanh nghiệp đến từ mọi quốc gia trên thế giới”, Thị trưởng TTTC London nhấn mạnh.

Với chính sách mở như vậy, Vương quốc Anh sẵn sàng tạo điều kiện về thuế cho các doanh nghiệp hoạt động tại đây với việc trong năm tới Chính phủ Anh sẽ hạ thuế thu nhập doanh nghiệp xuống mức thấp nhất trong số các quốc gia công nghiệp phát triển trên thế giới. Bên cạnh đó, Anh đặc biệt dành nhiều ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp hoạt động nghiên cứu triển khai trong lĩnh vực công nghệ.

Bên cạnh chính sách chung cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư quốc tế, Anh cũng dành sự quan tâm tới các doanh nghiệp và các nhà đầu tư Việt Nam. Thị trưởng Trung tâm Tài chính London cho hay, thông qua Đại sứ quán Anh tại Hà Nội, Lãnh sự quán Anh tại TP. Hồ Chí Minh và Phòng Thương mại Vương quốc Anh tại Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ nhận được sự hỗ trợ thông tin và các mối quan hệ để họ có thể làm ăn và đầu tư tại Anh.

Ngoài ra, tại trung tâm tài chính London cũng có nhóm chuyên hỗ trợ cho các doanh nghiệp nước ngoài để tìm các trụ sở, văn phòng khi mà họ muốn hiện diện tại London.

Bản thân thị trường vốn London cũng sẵn sàng chào đón các doanh nghiệp Việt Nam, các công ty Việt Nam niêm yết và huy động vốn. Hiện nay đã có một số quỹ Việt Nam niêm yết tại Thị trường chứng khoán London và có nhiều các công ty để cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nếu muốn huy động vốn, niêm yết trên thị trường thì có thể tiếp cận được.                                                               

Theo nhandan.com.vn

Xem thêm »