Cần cơ chế tài chính thích hợp để hoàn thiện đường Hồ Chí Minh

09/10/2012
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Do khó khăn về vốn đầu tư nên một số dự án thành phần thuộc giai đoạn 2 công trình xây dựng đường Hồ Chí Minh đang trong tình trạng thi công dang dở, phải kéo dài thời gian thực hiện. Điều này khiến kinh phí xây dựng bị đội lên, lãng phí nhân lực và vật lực đã đầu tư, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Vì vậy, cần có những cơ chế tài chính phù hợp để tháo gỡ khó khăn, giúp huy động vốn cho các dự án này.

Sau hơn mười năm triển khai, giai đoạn 1 công trình xây dựng đường Hồ Chí Minh, đoạn từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum) dài khoảng 1.350km cơ bản đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng. Theo đánh giá của các chuyên gia, sau khi hoàn thành giai đoạn 1, đường Hồ Chí Minh đã mang lại hiệu quả rõ rệt đối với cuộc sống của hàng chục triệu đồng bào các dân tộc ít người, vùng sâu, vùng xa, rút ngắn khoảng cách giữa miền ngược và miền xuôi, đặc biệt là hỗ trợ quốc lộ 1 khi giao thông ách tắc trong mùa mưa lũ. Để phát huy hơn nữa năng lực khai thác của đường Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông - Vận tải đã triển khai phân luồng bắt buộc đoạn Hà Nội - Vinh đối với các xe vận tải hành khách liên tỉnh theo tuyến cố định đi từ các tỉnh Tây Bắc, Đông Bắc và Hà Nội đến thành phố Vinh trở vào phía Nam và ngược lại. Kết quả ban đầu đạt được tương đối khả quan, số lượng xe con, xe tải đi đường Hồ Chí Minh tăng từ 24% lên đến 250%, riêng đối với xe khách lưu lượng hạn chế hơn, thời điểm thấp nhất tăng 6%, cao nhất 120%.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Nguyễn Hồng Trường, các dự án thành phần của giai đoạn 2 đường Hồ Chí Minh đã và đang được triển khai (26 dự án thành phần). Trong đó, 4 dự án thành phần đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng gồm tuyến tránh ngập thủy điện PleiKrông; đoạn qua thị trấn Kiến Đức và thị trấn Chư Sê; cầu Đầm Cùng. Song, nhìn chung, do huy động vốn trái phiếu Chính phủ mới đáp ứng được 60% nhu cầu vốn của các dự án còn lại nên đa số đều thi công cầm chừng hoặc hoãn thi công. Bên cạnh đó, việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về những giải pháp kiềm chế lạm phát cũng khiến một số dự án bị đình hoãn, giãn tiến độ. Ngoài ra, những yếu tố như nhà thầu bỏ thi công, ban quản lý có năng lực yếu kém, địa phương chậm bàn giao mặt bằng... cũng khiến nhiều dự án phải kéo dài thời gian thực hiện. Dù lý do tạm ngừng hay giãn tiến độ thi công các công trình này có thể thông cảm được, song không thể phủ nhận thực tế là nhiều đoạn đường đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng về mặt kỹ thuật, cũng như cuộc sống của người dân.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả các dự án thành phần này, Bộ Giao thông - Vận tải đã chỉ đạo Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh lập đề án chuyển đổi mô hình hoạt động thành Tổng công ty Đầu tư và Khai thác đường Hồ Chí Minh để có thể kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước một số dự án theo hình thức BOT, BT... Tiến hành rà soát, tùy theo tính chất cấp bách của dự án và khối lượng hoàn thành của các dự án đang triển khai để xác định phương án đầu tư phù hợp. Theo đó, một loại sẽ tiếp tục triển khai để đến năm 2015 hoàn thành (12 dự án), còn lại sẽ hoàn thành đến điểm dừng kỹ thuật và đình hoãn đến sau năm 2015 (3 dự án). Đồng thời, báo cáo Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép giãn tiến độ triển khai thực hiện đường Hồ Chí Minh giai đoạn 3 để phù hợp với điều kiện kinh tế đất nước.

Thực tế cũng cho thấy, một số dự án thành phần tuy khó khăn về nguồn vốn nhưng vẫn được đưa vào sử dụng như cầu Ngọc Tháp, đoạn qua TP Kon Tum, đoạn qua thị trấn Đăk Hà... Kết quả này đạt được là nhờ sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương, nhất là việc cho mượn ngân sách địa phương để thi công. Sau khi hoàn thành các hạng mục còn lại, ban quản lý dự án sẽ hoàn trả cho địa phương bằng nguồn vốn cho các năm sau. Đây là một kinh nghiệm quý cần được phân tích kỹ càng để góp phần nhanh chóng hoàn thành giai đoạn 2 đường Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, cần có những cơ chế tài chính phù hợp để tháo gỡ khó khăn, giúp huy động vốn đầu tư cho các dự án này. Bởi một hệ quả dễ thấy khi kéo dài thời gian thi công là kinh phí thực hiện sẽ đội lên, lãng phí nhân lực và vật lực, ảnh hưởng đến đời sống của người dân khu vực dự án, cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo daibieunhandan.vn
 

Xem thêm »