Dự án nhà ở cho học sinh, sinh viên

09/10/2012
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Thực trạng và khát vọng

(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội được thông qua tại Đại hội XI của Đảng nhấn mạnh: “Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ có sức mạnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam. Phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư phát triển”. Thực tế cho thấy, nguồn nhân lực mà cụ thể là học sinh, sinh viên (HSSV) hàng năm ở nước ta đã và đang tăng lên nhanh chóng theo sự phát triển của đời sống kinh tế- xã hội. Đó vừa là thuận lợi bởi trong tương lai đất nước ta sẽ có một đội ngũ đông đảo các trí thức trẻ đóng góp cho công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức đối với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Một trong những vấn đề mang tính bức xúc nhất hiện nay là: nhà ở cho HSSV. Thực tế khảo sát thực trạng nhà ở cho học sinh, sinh viên trên địa bàn Hà Nội - trung tâm chính trị, kinh tế và văn hoá-xã hội của cả nước đã và đang đặt ra những vấn đề bất cập.

Thực trạng nhà ở cho HSSV tại Hà Nội và những nỗ lực của UBND Thành phố
Theo thống kê hiện nay, Hà Nội có hàng trăm nghìn HSSV đang theo học tại các trường trung cấp, cao đẳng và đại học trong và ngoài công lập. Các ký túc xá của các trường không thể đáp ứng được nhu cầu tối thiểu về chỗ ở cho HSSV. Đơn cử như ở Cầu Giấy, một quận cửa ngõ phía Tây Thủ đô có tới 10 trường đại học, cao đẳng, 8 trường trung học chuyên nghiệp dạy nghề và 2 học viện lớn. Tổng số HSSV hiện sống trên địa bàn quận là 38.889 em; trong đó, HSSV nội trú trong ký túc xá chỉ có 11.039 em (chiếm 28,4%). Như vậy, số HSSV phải thuê nhà tạm trú theo địa bàn dân cư lên đến trên 25.000 em. Các phòng trọ có đủ điều kiện tối thiểu chiếm 70%, còn lại 30% phòng trọ xây dựng theo kiểu chắp vá, manh mún và tạm bợ, luôn trong tình trạng thiếu điện, nước, nhà vệ sinh. Cá biệt có nhà trọ bị “bủa vây” bởi rác thải, ô nhiễm môi trường nặng nề, ảnh hưởng trực tiếp đến việc ăn ở, sinh hoạt học tập và sức khỏe của HSSV.

Không chỉ có vấn đề nhà ở mà môi trường văn hóa tại các khu ký túc xá và nhà trọ của HSSV cũng rất đáng lo ngại do quy hoạch tổng thể của một số trường đan xen giữa khu giảng dạy và làm việc với tập thể gia đình giáo viên và ký túc xá. Tình trạng hàng quán và các hoạt động dịch vụ trong và ngoài khu vực trường và khu ký túc xá ngày càng trở lên lộn xộn vưà mất mỹ quan vừa tạo môi trường văn hoá “ẩm thấp”. Số lượng HSSV các tỉnh ở ngoại trú ngày càng gia tăng kéo theo sự đa dạng của nhiều thành phần, nhiều nhu cầu tạm trú dài ngắn khác nhau. Ngoài giờ học, nhiều HSSV có hoàn cảnh kinh tế eo hẹp phải đi làm thêm để tự lo trang trải các khoản chi tiêu thiết yếu và phụ giúp gia đình. Một số HSSV vốn “sống nhờ” sự chu cấp toàn diện của gia đình, vốn sống buông thả và tuỳ tiện nay lại được thả sức “tự do” không chịu sự quản lý của gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội nên rất dễ bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội, các hoạt động xã hội tiêu cực, cá biệt đã có HSSV vi phạm pháp luật.

Đứng trước thực trạng nêu trên, để đáp ứng nhu cầu về chỗ ở và học tập cho HSSV, ngày 11/9/2009, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4676/QĐ-UBND về việc phê duyệt Dự án Nhà ở cho HSSV tại Khu đô thị mới Mỹ Đình II thuộc huyện Từ Liêm và Quyết định số 4677/QĐ-UBND về việc phê duyệt Dự án Nhà ở cho HSSV tại Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp thuộc quận Hoàng Mai.

Dự án Nhà ở cho HSSV tại Khu đô thị mới Mỹ Đình II gồm ba khối nhà cao 21 tầng, hình thành 95.239,72m2 sàn xây dựng, đáp ứng chỗ ở cho 7.368 HSSV. Phía ngoài, vườn, sân tập thể thao, bãi cỏ, cây xanh... được thiết kế đồng bộ phục vụ các nhu cầu của HSSV sống trong khu nhà. Tổng mức đầu tư dự án gần 979 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước (NSNN). Dự án Nhà ở cho HSSV tại Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai) với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, phục vụ chỗ ở cho 21.996 HSSV. Diện tích sử dụng đất của Dự án này rộng gấp gần 3 lần so với Khu đô thị mới Mỹ Đình II, tổng diện tích sàn là 210.834m2, dự kiến tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng từ  NSNN.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, ngày 20/8/2012, hai Dự án Nhà ở cho HSSV tại Khu đô thị mới Mỹ Đình II và Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp đã xây dựng cơ bản được 80% khối lượng xây lắp và dự kiến hoàn thành vào quý III/2013 (ban đầu, Dự án tại Khu đô thị mới Mỹ Đình II dự kiến hoàn thành ngày 20/5/2011; Dự án tại Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2011). Không chỉ chậm tiến độ và thiếu vốn đầu tư, cả hai Dự án này đều đang thi công cầm chừng, nguồn vốn sử dụng không hiệu quả, công nhân di chuyển sang các công trình khác, một số còn lại chủ yếu sửa chữa lỗi công trình và nằm chờ….
 
Sở dĩ chậm tiến độ và thi công cầm chừng là do: Đến đầu tháng 3/2012, Dự án Nhà ở cho HSSV tại Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp: cả 5 tòa nhà mới xây xong phần thô và đang trong cảnh thi công cầm chừng. Theo báo cáo của Sở Xây dựng, 5 tòa nhà trên đã hoàn thành trên 90% khối lượng công việc nhưng theo kế hoạch giao vốn trong các năm 2009-2011 Dự án này mới được giải ngân 520 tỷ đồng, trong khi khối lượng thi công tới nay đã lên tới 830 tỷ đồng nên không còn vốn triển khai tiếp. Tương tự, Dự án Nhà ở cho HSSV tại Khu đô thị Mỹ Đình II đã chậm tiến độ tới gần 1 năm. Theo ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng Phát triển nhà ở (Sở Xây dựng), đến cuối năm 2011, Dự án mới được cấp vốn 360 tỷ đồng, trong khi khối lượng thi công đã lên tới 520 tỷ đồng nên đang thiếu vốn để hoàn thiện.

Được biết, để hai dự án trên hoàn thành theo đúng tiến độ cần phải bổ sung khoảng 1.315 tỷ đồng. Ông Nguyễn Huy Tưởng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho biết, hiện tại nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ đã xác định cấp cho các Dự án Nhà ở cho HSSV trên địa bàn Hà Nội trong giai đoạn 2012-2015 là 1.217 tỷ đồng, nhưng trong năm 2012 hai Dự án này mới được phân bổ 297 tỷ đồng. Như vậy, sau khi xác định nguồn vốn trang bị nội thất cho từng khu nhà sẽ được kêu gọi từ nguồn xã hội hóa, cả hai Dự án trên vẫn còn thiếu khoảng 920 tỷ đồng. Để giải quyết nhu cầu vốn, theo phê duyệt đầu tư ban đầu thì toàn bộ phần xây lắp sẽ được Trung ương hỗ trợ vốn từ nguồn Trái phiếu Chính phủ. Tuy nhiên, do nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ được phân bổ trong năm 2012 cho hai dự án trên chỉ có 297 tỷ đồng nên Thành phố đề nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư bổ sung 400 tỷ đồng. Với số vốn còn thiếu khoảng 520 tỷ đồng, Thành phố sẽ đề nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư đồng ý cho ứng vốn vay từ các nguồn khác của Thành phố để có đủ vốn hoàn thành hai Dự án này…

Dưới góc nhìn của Kiểm toán Nhà nước (KTNN)
Theo kết quả kiểm toán của KTNN, đến cuối năm 2011, cả hai Dự án đều triển khai thực hiện chậm tiến độ, làm hạn chế hiệu quả sử dụng của nguồn vốn đầu tư và hiệu quả xã hội của Dự án. Từ quá trình lập, phê duyệt dự án cho đến khâu thực hiện và bàn giao mặt bằng đều cần phải có sự đánh giá lại về trách nhiệm và năng lực. Cụ thể là:

- Quá trình lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư:
Đối với Dự án Nhà ở cho HSSV Khu đô thị tại Pháp Vân - Tứ Hiệp, tổng mức đầu tư phê duyệt không chính xác, chưa xác định đầy đủ chi phí nên phải điều chỉnh bổ sung trong quá trình thực hiện: Tổng dự toán lập và thẩm định thời điểm 11/2011 là 2.031.280,3 triệu đồng tăng 538.771,3 triệu đồng (bằng 36,1% so với tổng mức đầu tư đã duyệt). Việc phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư chưa kịp thời và chưa đúng với trình tự xây dựng cơ bản.

- Trình tự lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán:
Đối với Dự án Nhà ở cho HSSV tại Khu đô thị mới Mỹ Đình II, công tác dự toán đã thẩm định và phê duyệt còn có những khối lượng thừa thiếu so với hồ sơ thiết kế được thẩm định. Dự toán thẩm định và phê duyệt còn chưa cụ thể: Chi phí móng, huy động thiết bị, lắp dựng, tháo dỡ cẩu tháp và chi phí vận chuyển cấu kiện bê tông đúc sẵn mới chỉ tạm tính, trong khi đó theo quy định phải duyệt ở giai đoạn thiết kế bản vẽ kỹ thuật tiêu chuẩn…

Dự án Nhà ở cho HSSV tại Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp, chất lượng thiết kế, dự toán cũng có nhiều hạn chế và sai sót, cụ thể như: Nhà A2 các khối lượng dầm tầng 1 trùng với khối lượng phần vách hầm; thống kê thép chưa chuẩn xác và còn trùng lắp nhau.

- Về thẩm định phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán:
Theo Báo cáo Kiểm toán, phần thiết kế, thẩm định thiết kế bản vẽ thi công và dự toán cho Dự án Nhà ở cho HSSV tại Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp chậm so với quy định: Theo kế hoạch phần thiết kế phải hoàn thành tháng 11/2009 nhưng đến tháng 10/2010 mới hoàn thành (quá thời hạn gần 1 năm); Thiết kế chưa đồng bộ, phải điều chỉnh bổ sung nhiều trong quá trình thực hiện, nhiều hạng mục và nội dung vẫn trong tình trạng tạm tính: bổ sung thay đổi kết cấu mái tạm tính 1.955,2 triệu đồng; biện pháp thi công giáo ngoài tạm tính 19.695,3 triệu đồng; thiết bị nội thất tạm tính 69.707,7 triệu đồng và thiết bị gắn với công trình tạm tính 82.355,3 triệu đồng.

- Công tác quản lý dự án, nghiệm thu thanh toán:
Đối với Dự án Nhà ở cho HSSV tại Khu đô thị mới Mỹ Đình II, giá trị nghiệm thu khối lượng hoàn thành của các hạng mục kết cấu phần thân được tổng hợp trên cơ sở khối lượng hoàn thành đã được nghiệm thu và đơn giá đã được Sở Xây dựng thẩm định. Tuy nhiên, một số khối lượng nghiệm thu còn chưa chính xác, chưa phù hợp với thiết kế bản vẽ thi công được duyệt, dẫn đến giá trị phải giảm trừ trong kết quả kiểm toán về chi phí: 6.209,9 triệu đồng.  

Dự án Nhà ở cho HSSV tại Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp, việc tổ chức quản lý và điều hành chưa đồng bộ và chưa kịp thời: Năm 2010, KTNN kiến nghị Sở Xây dựng: “Báo cáo UBND Thành phố Hà Nội: Thực hiện giải phóng mặt bằng nhà A4 để bàn giao cho Tổng thầu triển khai thực hiện theo kế hoạch được duyệt” nhưng đến nay vẫn chưa thể có mặt bằng để thi công; Giá trị nghiệm thu thanh toán giai đoạn chưa đúng: Khối lượng nghiệm thu thanh toán mới lấy theo khối lượng của dự toán được duyệt, đơn giá vật tư chưa phê duyệt giá giai đoạn mà đang tạm lấy giá thời điểm phê duyệt dự toán…
 
Ký túc xá và nhà trọ cho HSSV luôn là đề tài “nóng” khiến dư luận xã hội quan tâm. Để có tên vào một trường đại học đã khó, tìm được một nơi “trú ngụ” cho 4 năm dùi mài kiến thức lại càng khó hơn nhiều. Ký túc xá và nhà trọ luôn cung không đủ cầu…và luôn là nỗi lo thường nhật của HSSV cùng các bậc phụ huynh. Làm thế nào để giải quyết dứt điểm vấn đề nhà ở cho HSSV đang là bài toán đầy nan giải đâu phải chỉ riêng Thành phố Hà Nội? Dẫu muộn còn hơn không…

 

Xem thêm »